Những cách tân của HLV Takashi ở đội tuyển nữ Việt Nam

(Dân trí) - Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trình làng tại giải bóng đá nữ Đông Nam Á với nhiều khác biệt so với chính chúng ta những năm trước đây. Thậm chí, có những thay đổi đáng gọi là cách mạng.

Thay đổi về mặt con người

Đội hình đội tuyển nữ Việt Nam trong trận đấu với Myanmar, ở giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2015 là đội hình khác hoàn toàn so với những gì mà chúng ta biết về chính đội tuyển trong nhiều năm qua.

Cải tổ lực lượng, thay thế nhân sự vốn đã quá cũ kỹ của đội tuyển nữ là điều mà nhiều nhà chuyên môn trong nước đã nói đến trong vài năm trở lại đây, nhưng để thực hiện điều đấy không dễ chút nào, trong bối cảnh bóng đá quanh đi quẩn lại chỉ có 6 – 7 đội tham gia giải vô địch quốc gia (VĐQG), đồng thời không phải ai cũng có khả năng nhìn ra nhân tố mới để đưa vào đội tuyển.

Thành ra nhiều năm trước, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn phải sống bằng hơi thở của các cựu binh như Kim Hồng, Lê Thị Thương, Ngọc Anh…, cho dù chính những cầu thủ vừa nêu đã chậm chạp hẳn, thiếu sắc sảo so với chính họ thời đỉnh cao và so với làng cầu khu vực.

Chỉ đến thời HLV Takashi, ông mới thay đổi nhân sự một cách triệt để. Vị HLV người Nhật giao trọng trách che chắn hàng thủ cho Chương Thị Kiều và Hải Hòa, vốn chưa phải là trụ cột dưới thời các đời HLV cũ. Ông Takashi giao nhiệm vụ dẫn dắt lối chơi cho Nguyễn Thị Liễu, thay vì đặt niềm tin vào lứa cầu thủ cũ như Kim Hồng hay Lê Thị Thương.

Đội tuyển nữ Việt Nam có nhiều cách tân dưới thời HLV Takashi (ảnh: Quang Thắng)
Đội tuyển nữ Việt Nam có nhiều cách tân dưới thời HLV Takashi (ảnh: Quang Thắng)

Còn trên hàng tiền đạo, Huỳnh Như đóng vai trò chủ công, trong khi Minh Nguyệt đá hơi lùi. Đây không phải là lần đầu Huỳnh Như đá chính ở đội tuyển quốc gia, nhưng chưa bao giờ cô được đặt niềm tin cao như bây giờ.

Thay đổi nhân sự ở đội tuyển nữ Việt Nam nói thì đơn giản, nhưng thực hiện mới là phức tạp, bởi đặc thù của bóng đá nữ là không dễ kiếm nhân tài mới, chưa kể tâm lý bảo thủ, ngại thay đổi của hầu hết những nhà chuyên môn đang làm việc cùng bóng đá nữ nước nhà.

Thay đổi về mặt lối chơi

Phải có đến vài chục năm, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mới từ bỏ được lối đá phòng ngự dùng trung vệ thòng vốn gần như “tuyệt chủng” trong bóng đá hiện đại, để thay bằng lối phòng ngự khu vực, cùng một hàng thủ có thể đá theo tuyến nghiêng.

Sự thay đổi mang tính cách mạng ấy cũng chỉ đến từ hôm qua (2/5), bắt đầu từ trận Việt Nam gặp Myanmar - trận quốc tế đầu tiên dưới triều đại của HLV Takashi.

Nói về việc áp dụng cho các học trò lối phòng ngự khu vực, vị HLV người Nhật cho rằng: “Tôi không biết là đã bao lâu các bạn sử dụng lối đá có trung vệ thòng. Khi đến đây, tôi chỉ đơn giản giúp cho các học trò học cách phòng ngự theo hướng hiện đại nhất, tốt nhất mà tôi thấy có thể làm được cho họ”.

“Tôi cho rằng việc chúng ta đá với hàng phòng ngự 4 người, cùng cặp trung vệ chơi theo khu vực là phù hợp với bóng đá ngày nay, là tốt cho đội tuyển Việt Nam. Tôi cũng không thấy vấn đề gì lớn để giúp các cầu thủ thích nghi với lối chơi mới” – HLV Takashi nói thêm.

Sở dĩ phải nói rằng lối chơi phòng ngự dùng trung vệ thòng là lạc hậu vì lối chơi ấy gần như buộc chúng ta phải đá chấp 1 người khi cần tấn công, đồng thời dồn gánh nặng lên 2 cầu thủ đá biên, do ở mỗi biên chúng ta chỉ có 1 cầu thủ đảm nhiệm, nếu đá theo kiểu cũ.

Vấn đề của bóng đá nữ trong vài chục năm qua giống hệt vấn đề của bóng đá nam Việt Nam giai đoạn đầu những năm 2000. Ngày ấy, việc đội tuyển nam chuyển từ sơ đồ có trung vệ thòng sang lối phóng ngự khu vực được đánh giá là bước đột phá về mặt lối chơi, hệt như tính chất của đội tuyển nữ bây giờ.

Bằng chứng là giờ đây đội tuyển nữ Việt Nam, khởi đầu trước Myanmar với lối chơi hiện đại hơn, tấn công đa dạng từ nhiều hướng hơn, có nhiều đường để tìm đến khung thành đối phương hơn, thay cho cách đá chuyền dài, treo bóng bổng vào khu vực cấm địa của đối thủ, trong những năm cuối của "triều đại Trần Vân Phát”, cũng như lối chơi thường thấy nơi các CLB trong nước.

Dĩ nhiên, trong buổi đầu nắm đội tuyển, đội bóng của HLV Takashi vẫn còn một số trục trặc về mặt sức bền, về cách bố trí nhân sự. Tuy nhiên, không có sự thay đổi, thậm chí không cuộc cách mạng nào là dễ dàng, rồi cũng đừng quên Myanmar cũng không thuộc hàng… “dế” trong làng cầu nữ Đông Nam Á!

Kim Điền