Những bảng đấu tử thần tại các VCK Euro

(Dân trí) - Euro 2012 sẽ chính thức khởi tranh vào tháng 6 sang năm, người hâm mộ chờ đợi màn so tài của các đội bóng, đặc biệt ở bảng đấu với Hà Lan, BĐN, Đức, Đan Mạch. Trong lịch sử, bất kỳ giải Euro nào đều có sự hiện diện của bảng đấu tử thần.

 

Pháp, Tây Ban Nha, Bungaria, Romania (Euro 1996)

 

Ở kỳ Euro lần đầu tiên có 16 đội tham dự, các bảng đấu tử thần đã xuất hiện. ĐT Pháp thời điểm đó được đánh giá cao nhờ lứa cầu thủ tài năng đang lên, Tây Ban Nha luôn có có biệt danh là “Vua vòng loại”, trong khi Bungaria và Romania cũng nổi lên sau World Cup 1994 khá thành công.

 

Romania dù vẫn còn lứa cầu thủ xuất chúng như Hagi, Raducioui nhưng họ bị ngợp khi đụng độ các đối thủ lớn và họ xếp bét bảng khi thua cả 3 trận đấu. Bungaria dù còn Stoichkov, Balakov hay Kostadinov cũng chỉ hoàn tất vòng bảng với vỏn vẹn 4 điểm và đứng áp chót.
 
 
Những bảng đấu tử thần tại các VCK Euro - 1

Đức và CH Séc từng đụng nhau ở vòng bảng Euro 1996 trước khi cùng tiến vào chung kết

 

Pháp với lực lượng hùng mạnh, điển hình là hai ngôi sao Djorkaeff và Zidane đã đánh bại cả Romania lẫn Bungaria và hòa Tây Ban Nha để tiến vào tứ kết. Tây Ban Nha hòa 2 trận đầu, nhưng chiến thắng Romania ở trận quyết định đã đưa họ tiến vào tứ kết. Cả 6 trận đấu ở bảng này đều diễn ra cân bằng và không ít cảm xúc.

 

Đức, Italia, CH Séc , Nga (Euro 1996)

 

Ngoài ĐT Nga đang trong giai đoạn suy yếu, cả Đức, Italia và CH Séc đều được đánh giá cao ở bảng này. Đức hạ CH Séc còn Italia thắng Nga ở ngày mở màn, ai cũng nghĩ hai đội tuyển giàu truyền thống này sẽ đi tiếp. Nhưng Italia bất ngờ để thua CH Séc 1-2 ở lượt trận thứ hai, trong khi Đức thể hiện sức mạnh bằng thắng lợi 3-0 tưng bừng trước Nga.

 

Ở lượt cuối, Italia hòa Đức 0-0 còn ở trận còn lại, Nga dẫn CH Séc 3-2 đến những phút cuối. Nhưng pha ghi bàn của Smicer ở phút bù giờ đã mang về tấm vé vào tứ kết của CH Séc, khiến người Italia phải ôm hận. Đây là giải đấu thành công của CH Séc khi họ vào đến trận chung kết, đồng thời trình làng lứa cầu thủ tài năng mới như Nedved, Berger, Poborsky, Kuka…

 

Pháp, CH Séc, Hà Lan, Đan Mạch (Euro 2000)

 

Sau chức vô địch World Cup 1998, ĐT Pháp đang sở hữu đội hình rất mạnh còn Hà Lan lại có ưu thế chủ nhà, cùng dàn cầu thủ chất lượng hàng đầu thế giới. CH Séc khi đó vẫn còn đầy đủ các hảo thủ như Poborsky, Smicer, Berger, Koller, đặc biệt là nhạc trưởng tài hoa Pavel Nedved.
 
 
Những bảng đấu tử thần tại các VCK Euro - 2

Anh và Bồ Đào Nha gặp nhau ở vòng bảng Euro 2000

 

Đan Mạch yếu kém hơn hẳn các đội còn lại và họ rời giải với cả 3 trận thua. CH Séc là đội thiếu may mắn nhất, họ thua Hà Lan 0-1 trong trận mở màn đầy cảm xúc và cân bằng. Đến khi gặp Pháp, CH Séc chơi hay hơn nhưng lại thua 1-2 do trọng tài xử ép. Ở bảng đấu này, Hà Lan giành ngôi đầu bảng, Pháp xếp thứ 2 nhưng lại lên ngôi vô địch Euro sau đó.

 

Anh, Đức, Bồ Đào Nha, Romania (Euro 2000)

 

Đây được coi là bảng đấu khá cân bằng, bởi Đức và Anh đang trong giai đoạn khủng hoảng, Bồ Đào Nha sở hữu hai ngôi sao lớn Figo, Rui Costa còn Romania cũng không phải đối thủ dễ chơi. Bồ Đào Nha thể hiện sức mạnh vượt trội khi toàn thắng cả 3 trận trước Anh 3-2, Romania 1-0 và Đức 3-0.

 

ĐT Đức chỉ giành vỏn vẹn 1 điểm và xếp cuối bảng. Kịch tính nhất ở trận đấu cuối, khi Anh chỉ cần hòa Romania là đi tiếp. Nhưng “Tam sư” đã thua đau đớn 2-3 trước Romania ở những phút cuối, trong đó Phil Neville trở thành tội đồ khi phạm lỗi vô duyên khiến ĐT Anh phải nhận quả 11m oan nghiệt.

 

CH Séc, Hà Lan, Đức, Latvia (Euro 2004)

 

Số phận may rủi đã đưa Latvia, đội bóng bị coi là yếu nhất giải đấu nằm cùng bảng với ba đại gia Đức, Hà Lan, Latvia. Nhưng đại diện non trẻ này cũng xuất sắc giành được 1 điểm với trận hòa Đức 1-1, còn “Cỗ xe tăng” cũng chơi chẳng khá hơn khi chỉ được 2 điểm và bị loại.
 
 
Những bảng đấu tử thần tại các VCK Euro - 3

Đại chiến Pháp-Italia ở vòng bảng Euro 2008

 

CH Séc đã thể hiện sức mạnh vượt trội ở bảng đấu này khi thắng trọn vẹn cả 3 trận đấu một cách thuyết phục. Hà Lan cũng chỉ giành quyền vào tứ kết với 4 điểm, nhờ thắng Latvia 3-0 ở lượt cuối, còn Đức thúc thủ 1-2 trước đội hình dự bị của CH Séc.

 

Italia, Hà Lan, Romania, Pháp (Euro 2008)

 

ĐT Pháp đang trong quá trình đi xuống và việc rơi vào bảng tử thần khiến đoàn quân HLV Domenech trở thành đội bóng yếu nhất bảng. Hà Lan thể hiện sức mạnh hủy diệt khi hạ Italia 3-0, Pháp 4-1 và Romania 2-0 để giành ngôi đầu bảng tuyệt đối.

 

Romania đã chơi thành công khi cầm hòa của Italia và Pháp ở hai trận mở màn, nhưng việc Hà Lan chơi đẹp ở lượt cuối khiến đại diện Đông Âu không có cơ hội đi tiếp. Còn ở trận đấu quyết định Italia-Pháp ở vòng cuối, việc chơi hơn người và sự tỏa sang của Pirlo giúp Italia đi tiếp với thắng lợi 2-0.

 

Kim Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm