Nhập xe cũ dưới góc nhìn từ... bóng đá

Quyết định cho nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng đang là đề tài "thời sự" của cánh mày râu. Chuyện cái xe ôtô cũ hôm nay có phần nào giống cái thời bóng đá Việt Nam bỡ ngỡ lên chuyên nghiệp, mở cửa cho "ngoại binh" tràn vào sân cỏ nước nhà.

Xã hội phát triển, khi cái ăn, cái mặc không còn là chuyện quá đau đầu, thì người ta tính tới chuyện đi âu cũng là điều dễ hiểu. Lại nhớ thời mở cửa, ước mơ có một chiếc xe máy Nhật, dù có là hàng bãi, cũng đã ám ảnh biết bao người. Vậy thì sau bao năm, lên đời giấc mơ xế hộp đâu có chi là lạ.

 

Lẩn mẩn ngồi nghĩ, chuyện cái xe ôtô cũ hôm nay có phần nào giống cái thời bóng đá Việt Nam bỡ ngỡ lên chuyên nghiệp, mở cửa cho "ngoại binh" tràn vào sân cỏ nước nhà.

 

Người ta hồ hởi đến sân để xem giò, xem cẳng mấy ông Tây đá bóng. Người ta sôi nổi "định nghĩa": Bóng đá chuyên nghiệp là bóng đá có Tây đá bóng!

 

Người ta trầm tư nhớ lại: Bóng đá hôm nay khác xưa rồi! Ngày xưa, "vái vọng" theo cái kiểu đặt tên cầu thủ ta đi kèm với những cái biệt hiệu "nôp"; "chốp" theo các danh thủ của Liên Xô cũ. Còn hôm nay, mục sở thị Tây đá cho ta hẳn hoi nhé!

 

Người ta sững sờ, trầm trồ khi đội bóng phố núi HAGL rước về chân sút sát thủ Kiatisak của Thái Lan, chẳng khác gì cảm giác nhìn thấy một con "Mẹc" hay "Hummer"  trên đường phố hôm nay.

 

5 năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp, có biết bao chiếc "xe ngoại" đã chạy trên đường đua V.League? Có lẽ khó lòng đong đếm được nhưng rõ ràng là "ngoại binh" đã, đang và sẽ trở thành một phần không thể khuyết thiếu trên sân cỏ nước nhà.

 

Tất nhiên, không phải cầu thủ ngoại nào cũng có chất lượng tốt. Và ở quy mô của V.League, cũng như tình hình tài chính của các CLB Việt Nam, thì còn mơ mới có được những danh thủ mang đẳng cấp quốc tế. Thế nhưng, không khó để nhận ra rằng, sức mạnh của hầu hết các đội bóng hiện nay đều lệ thuộc vào nguồn ngoại lực.

 

Chẳng nói đâu xa, ngay tại mùa giải V.League năm nay, đã có tới 60 cầu thủ ngoại được đăng ký thi đấu và 8/13 CLB tham dự giải sử dụng hết "hạn ngạch" đăng ký 5 cầu thủ ngoại.

 

Và trên thực tế sân bãi, chuyện thắng hay bại của các đội bóng, đặc biệt là các "đại gia", trong thời gian vừa qua cũng đều có thể lý giải dưới phong độ của các ngoại binh.

 

Thể Công xuống hạng rồi lận đận ở giải hạng Nhất cả hai mùa vì cơ chế không cho phép họ có cầu thủ nước ngoài. HAGL sa sút vì gánh nặng tuổi tác đang đè nặng xuống đôi chân của những “lính đánh thuê" người Thái như Kiatisak, Dusit, Tawan. Trong khi, vua phá lưới Kesley chưa tìm lại được phong độ.

 

"Chelsea" Bình Dương tụt dốc thê thảm khi đội hình vắng Amaobi, Philani vì chấn thương và không đạt phong độ. ĐKVĐ GĐT.LA rớt tự do bởi thủ môn Santos xuống phong độ, cặp tiền đạo Carlos thì người bị chấn thương, kẻ dính thẻ phạt.

 

Ngay cả đến SLNA, cái nôi đào tạo cầu thủ trẻ vậy mà cũng than khó khi không tìm được cầu thủ ngoại có chất lượng để gánh vác trọng trách thành tích.

 

Ở chiều ngược lại, thành tích tương đối khả quan ở thời điểm hiện nay của một số đội bóng như Đà Nẵng, HP.HN, Bình Đình, TMN.CSG cũng nhờ một phần vào sự tỏa sáng của những ngoại binh trên mặt tấn công cũng như phòng thủ mà những cái tên Tây như Almeida, Santos, Nirut, De Jesus, Niweat… là ví dụ.

 

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, thì bên cạnh những mặt tích cực, sự lạm phát ngoại binh và thói quen xài hàng ngoại của bóng đá Việt Nam cũng gây ra những bất cập và hạn chế.

 

Nội binh và đặc biệt là những cầu thủ trẻ không có đất dụng võ. Cầu thủ ngoại ngày càng có tiếng nói ở các CLB thì chất lượng cầu thủ nội cũng ngày càng đi xuống.

 

Lại thương HLV trưởng Riedl lặn lội khắp sân cỏ Bắc, Trung, Nam để tìm quân cho tuyển sau thời kỳ "hậu tiêu cực". Ví như chỉ một vị trí tiền đạo của Văn Quyến để lại thôi chẳng hạn cũng là quá khó để tìm người thay thế trong hoàn cảnh những chân sút ngoại đang thống trị danh sách ghi bàn.

 

Tính tới trước vòng 7 V.League 2006, hơn 2/3 số bàn thắng là của các tiền đạo nước ngoài. Đồng thời, trong danh sách những cầu thủ ghi được từ 3 bàn thắng trở lên, toàn là những cái tên Tây, mà không hề có một cầu thủ ta nào chen chân được.

 

Tỷ lệ kiểu này quả là đã mang lại một cái nhìn bi quan cho mặt trận tấn công của đội tuyển quốc gia. Thậm chí, khi tiền đạo gốc Brazil Kesley của HAGL lấy vợ Việt Nam, nghe đâu phép tính "nhập tịch" để "ngoại hoá" hàng tiền đạo của đội tuyển quốc gia cũng đã được nhắc tới.

 

Những bất cập và hệ lụy trong việc sử dụng cầu thủ nước ngoài có thể đã khiến LĐBĐVN phải suy nghĩ lại. Trong định hướng công tác thi đấu 2006-2009, họ đã đưa ra ý tưởng hạn chế mức "nhập khẩu" cầu thủ nước ngoài ở các CLB. Quả là muộn, nhưng còn hơn không!

 

Theo Bảo Anh

Công an nhân dân