Nhận diện sức mạnh các đối thủ của Olympic Việt Nam tại Asiad 2018
(Dân trí) - Sau khi Uỷ ban Olympic châu Á và nước chủ nhà Indonesia không đồng ý bốc thăm lại môn bóng đá nam tại Asiad 2018, đội tuyển Olympic Việt Nam vẫn chung bảng với các đội Nhật Bản, Nepal và Pakistan, một bảng đấu mà đội bóng của HLV Park Hang Seo rộng cửa vào vòng sau.
Trong bảng D của Olympic Việt Nam, Nhật Bản đương nhiên là đội được đánh giá cao nhất. Cho dù có thể Nhật chỉ dùng thành phần 20 – 21 tuổi để dự Asiad, không bổ sung các cầu thủ ngoài 23 tuổi, như quy định của các kỳ Asiad, nhằm chuẩn bị lực lượng cho Olympic Tokyo 2020, nhưng Nhật Bản vẫn mạnh hơn các đối thủ còn lại.
Trình độ của nền bóng đá Nhật nói chung cách rất xa so với các nền bóng đá Việt Nam, Nepal và Pakistan. Thành ra, thành phần “U21” của Nhật Bản tại Asiad vẫn được đánh giá là mạnh hơn hẳn so với 3 đội còn lại trong bảng.
Đấy là lý do mà đội bóng của HLV Park Hang Seo sẽ tranh vé vào vòng trong cùng các đội Nepal và Pakistan.
Trong số này, bóng đá Nepal hầu như không gây được tiếng vang đáng kể trên bình diện bóng đá quốc tế nhiều năm qua. Các cầu thủ của Nepal hầu hết đều đang thi đấu ở trong nước, nên chất lượng chuyên môn bình thường.
Trong đội hình đội tuyển U23 Nepal dự vòng loại giải U23 châu Á 2018, diễn ra hồi năm ngoái, có 3 gương mặt đang thi đấu tại Tây Ban Nha, trong màu áo CLB Marbella United, đó là Bimal Magar, Anjan Bista và hậu vệ Ananta Tamang.
Tuy nhiên, Marbella United chỉ là đội bóng nghiệp dư ở xứ sở đấu bò, nên đẳng cấp cũng không quá cao, đồng chất lượng chuyên môn của những cầu thủ thi đấu cho đội bóng này cũng không có gì nổi trội.
Chính vì thế, so với Nepal, đội tuyển Olympic Việt Nam vẫn được đánh giá cao hơn. Đội bóng của HLV Park Hang Seo dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn, nhuần nhuyễn hơn, nhờ các đội tuyển Việt Nam được tập trung thường xuyên hơn, thi đấu nhiều hơn đối thủ.
So với Nepal, Olympic Pakistan được đánh giá cao hơn, cầu thủ Pakistan thi đấu quốc tế nhiều hơn, giàu bản lĩnh hơn.
Để chuẩn bị cho Asiad 2018, Olympic Pakistan gọi tập trung khá nhiều cầu thủ ngoài 23 tuổi, đang thi đấu ở nước ngoài, như thủ môn Yousuf Butt (Greve Fodbold – đội đá tại giải hạng nhì Đan Mạch), tiền đạo Muhammad Ali (Greve Fodbold), Hassan Bashir (BSV – đội hạng nhì Đan Mạch), tiền vệ Muhammad Adil (Hawkesbury City FC – đội bán chuyên của Australia), Saddam Hussain (Larnaka Gencler Birligi S.K – đội bóng của Đảo Cyprus).
Dù vậy, đây cũng không phải là dàn cầu thủ và những đội bóng có chất lượng quá cao, nên trình độ có lẽ không chênh lệch so với các cầu thủ Việt Nam.
Ngoài ra, theo quy định của môn bóng đá nam Asiad, mỗi đội bóng chỉ được đăng ký 3 cầu thủ ngoài 23 tuổi dự giải, nên Pakistan dù muốn dù không, chỉ có thể mang đến Indonesia 3 trong số những gương mặt ngoài 23 tuổi nêu ở trên.
Ở các kỳ Asiad trước đây, trong môn bóng đá nam, Pakistan cũng chưa hề vượt qua vòng 1 hay vòng bảng, nên họ không phải là đội bóng mạnh, mà Olympic Việt Nam phải quá e dè.
Vả lại, do vòng bảng môn bóng đá nam ở Asiad 2018 chọn ra đến 16/26 đội vào vòng knock-out, gồm 2 đội đứng đầu mỗi bảng và 4 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất, nên đội tuyển Olympic Việt Nam khá rộng cửa trong việc giành vé vào vòng sau.
Thiện Nhân