Người Thái Lan đã tiếp cận mục tiêu giành vé dự World Cup 2018
(Dân trí) - Từng có thời cách nay nhiều năm, bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào VCK World Cup 2018. Giờ thì giải đấu ấy đã đến gần, nhưng chúng ta vẫn còn ở xa lắc, trong khi người láng giềng Thái Lan thì đang tiếp cận sân chơi ấy.
Thái Lan thay đổi để nâng tầm
Đội tuyển Thái Lan sau trận thắng Đài Loan (Trung Quốc) tối qua đã ở sát vòng loại thứ 2 World Cup 2018 – khu vực châu Á. Có lẽ chỉ có bất ngờ động trời mới ngăn nổi đoàn quân của HLV Kiatisuk vào nhóm 12 đội mạnh nhất châu lục, cũng là vòng loại thứ 2 khu vực này.
Rồi ngay cả việc vượt qua vòng loại thứ 2 cũng chẳng phải nhiệm vụ bất khả thi đối với người Thái, cho dù nhiệm vụ đấy chắc chắn không dễ.
Đấy chẳng phải là nhiệm vụ bất khả thi vì bóng đá Thái Lan trong thời gian gần đây đã có những bước tiến bộ vượt bậc, để tiếp cận trình độ của bóng đá châu lục. HLV đội tuyển U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn cho biết ông vài lần xem các đội tuyển Thái Lan thi đấu và hầu như không thấy sự khác biệt trong tốc độ chơi bóng giữa họ, với nhóm đầu châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên. Khác biệt, có chăng chỉ là vấn đề con người, khi tố chất của cầu thủ Thái ít nhiều vẫn còn kém so với tố chất của cầu thủ phía Đông châu Á.
Còn trên thực tế, các đội tuyển Thái Lan mấy năm trở lại đây đủ sức đá ngang ngửa với các đại diện trong nhóm đầu châu lục. U23 Thái Lan vào đến bán kết Asiad 2014, chỉ chịu thua Hàn Quốc bằng những quyết định đầy tranh cãi của các trọng tài (mà ngay cả đội Ý từng thua trên sân Hàn Quốc với những quyết định kiểu đấy, huống hồ gì là Thái Lan).
U23 Thái Lan vượt qua vòng loại U23 châu Á bằng vé hạng sang, khi cầm hòa luôn U23 CHDCND Triều Tiên. Ở vòng loại World Cup 2018 đang diễn ra, Thái Lan là đội chưa hề thua ở bảng F, cho dù bảng đấu này có sự hiện diện của nhà vô địch châu Á năm 2007 Iraq.
Người Thái từng chuẩn bị cho thế hệ hiện nay (tức là thế hệ đã đoạt HCĐ Aisad 2014, giành 2 HCV SEA Games 2013 và 2015, vô địch AFF Cup 2014, hướng về VCK World Cup và Olympic Rio 2016) ngay sau khi họ thất bại ở AFF Cup 2008, thất bại bằng trận thua chính đội tuyển Việt Nam ở chung kết.
Bóng đá Việt Nam giẫm chân tại chỗ rồi… tụt hậu
Thái Lan thay đổi phiên bản giải Thai-League theo hướng chuyên nghiệp thực thụ, với một nhà điều hành giải đấu này sẵn sàng bỏ ghế quan chức, sang Anh du học bóng đá trong nhiều năm, rồi quay lại giúp các CLB xây dựng hoạt động, xây dựng lại toàn bộ nền tảng từ khâu đào tạo, tiếp thị, truyền thông, thay đổi cách thức điều hành giải đấu… để các CLB vừa có thể tự thu, tự chi, vừa làm tốt khâu đào tạo, lại không kém về mặt đỉnh cao, khi cạnh tranh ở các cúp châu Á.
Từ con số đến thực tiễn, từ tầm CLB cho đến tầm đội tuyển, bóng đá Thái Lan càng lúc càng cách xa so với bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam cũng từng đặt mục tiêu vào VCK World Cup 2018. Nhưng không giống như bóng đá Thái, đấy là mục tiêu mà chúng ta chỉ nói khơi khơi, chứ không thay đổi về bản chất để có cách tiếp cận mục tiêu.
Chúng ta không cụ thể hóa mục tiêu bằng khâu đào tạo trẻ, càng không chăm chút tốt khâu nền tảng là các CLB. Có cảm giác nhiều CLB trong nước chỉ biết xài tiền, thậm chí là tiền ngân sách của địa phương, chứ không hề có giải pháp tự kiếm tiền, theo đúng bản chất của chữ chuyên.
Toàn bộ nền bóng đá Việt Nam càng không chuyên nghiệp. Ở nơi ấy, các đội bóng không có lộ trình hoạt động lâu dài, không quan tâm đến cơ sở vật chất phục vụ bóng đá, càng không quan tâm đến tương lai của nền bóng đá, thể hiện qua việc bỏ lỏng khâu đào tạo.
Nhiều người tiếc cho tiền tấn đổ vào loại hình bóng đá nghiệp dư lãnh lương cao ở Việt Nam hơn chục năm qua, nhưng kết quả thu về lại không hơn ngày trước, thậm chí còn có dấu hiệu thụt lùi về mặt chất lượng con người, chất lượng đào tạo và sức hút đối với người hâm mộ.
Bóng đá Việt Nam khó nghĩ đến World Cup giống Thái Lan, nếu vẫn còn nhiều người làm bóng đá từ cả cấp CLB cho đến cấp hoạch định chiến lược không vì bóng đá, mà vì những khoản tư lợi do bóng đá mang về.
Trọng Vũ