1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Nelson Mandela qua đời: Thế giới bóng đá mất đi “người hùng”

(Dân trí) - Dù không phải là cầu thủ bóng đá nhưng Tổng thống Nelson Mandela lại có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp túc cầu giáo. Ngày hôm qua, thế giới bóng đá đã vừa chia tay “người hùng” ấy, về với cõi vĩnh hằng ở tuổi 95.

Hôm qua là ngày buồn đối với những người dân Nam Phi, nền bóng đá nước này cũng như cả làng túc cầu thủ giới. Cựu Tổng thống Nelson Mandela, người cha của người dân Nam Phi, người hùng của nền túc cầu giáo đã về với cõi vĩnh hằng ở tuổi 95.

Nelson Mandela trong ngày trao chức vô địch CAN 1996 cho Nam Phi

Nelson Mandela trong ngày trao chức vô địch CAN 1996 cho Nam Phi


Mặc dù không phải là cầu thủ bóng đá, cũng không tham gia quá nhiều hoạt động ở làng túc cầu nhưng vị chính trị gia lỗi lạc này vẫn được làng túc cầu nhắc đến ở vị trí trang trọng nhất.

Có một thực tế ít ai biết rằng, dù lo trăm công nghìn việc nhưng cựu Tổng thống Nelson Mandela có niềm đam mê cháy bóng khác, đó là bóng đá. Trong hơn 20 năm bị giam cầm trên đảo Robben, ông và các bạn tù của mình thường xuyên “cháy” cùng trái bóng như niềm vui duy nhất để “tồn tại”. Sau này, đích thân Nelson Mandela đã chia sẻ rằng: “Trong những ngày trên đảo Robben, niềm vui duy nhất của những tù nhân chính là bóng đá”.

Nelson Mandela ra tù năm 1990, góp công lớn giúp Nam Phi dẹp bỏ chế độ Apartheid và sau đó, trở thành Tổng thống da màu đầu tiên ở đất nước này. Chính ông là người đã mang tới sự kiện lớn đầu tiên cho Nam Phi trong “buổi bình minh”.

Năm 1995, Nam Phi đăng cai giải Rugby World Cup nhưng có lẽ, “chiến thắng” lớn nhất chính là việc đất nước này đã trở thành nước chủ nhà của giải vô địch quốc gia châu Phi (CAN 1996). Giải đấu mà Nam Phi đã lên ngôi vô địch theo cách “không tưởng”, ở thời điểm mà đội tuyển quốc gia nước này mới được xây dựng trở lại sau 4 năm (sau lệnh cấm dài hạn của FIFA).

Ông là người có công lớn đưa World Cup 2010 về Nam Phi

Ông là người có công lớn đưa World Cup 2010 về Nam Phi


Những người dân Nam Phi khi ấy không thể nào quên được nụ cười đầy ấm áp, đầy mãn nguyện của vị Tổng thống ấy khi trao cúp vô địch cho đội trưởng Neil Tovey. Tới nay, đó vẫn là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong lịch sử bóng đá nước này. 2 năm sau, Nam Phi lên đường sang Pháp dự World Cup 1998, kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước này.

8 năm sau sự kiện “chấn động” ấy (ngày 15/5/2004), vị cha già Nelson Mandela lại mang tới “món quà” khác cho dân tộc Nam Phi. Sau khi thất bại trước Đức ở cuộc vận động đăng cai World Cup 2006, ông đã mang World Cup 2010 về cho Nam Phi, kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại lục địa đen.

Chủ tịch Sepp Blatter đã gọi Nelson Mandela là “vị kiến trúc sư vĩ đại của công trình World Cup 2010” của đất nước Nam Phi. Rõ ràng, uy tín, tầm ảnh hưởng của vị chính trị gia lỗi lạc này chính là “chiếc chìa khóa” giúp đất nước của ông chiến thắng, “mở đường” cho bóng đá tới với châu Phi.

Rất nhiều danh thủ hàng đầu làng túc cầu yêu mến, kính trọng ông

Rất nhiều danh thủ hàng đầu làng túc cầu yêu mến, kính trọng ông


“Tôi như trẻ ra 15 tuổi” - cựu Tổng thống Nelson Mandela đã không thể giấu được niềm vui sau khi mang World Cup về Nam Phi. Những người dân đất nước này đã để đổi tên SVĐ Port Elizabeth thành Nelson Mandela Bay để ghi nhớ công ơn của vị cha già vĩ đại.

Trong đêm khai mạc World Cup 2010, Nelson Mandela không thể tới dự sau cái chết của cháu gái Zenani nhưng trong đêm Chung kết, ông đã xuất hiện, nở nụ cười đầy hạnh phúc cùng người vợ thứ 3, Graca Machel. Đó cũng là một trong những sự kiện lớn cuối cùng ông góp mặt.

Thế giới bóng đá ghi nhận những đóng góp của “người hùng” Nelson Mandela. Ngay sau khi ông qua đời, rất nhiều nhân vật hàng đầu đã bày tỏ sự tiếc thương vô hạn. Hôm qua là khoảng lặng của làng túc cầu…

H.Long