Navibank SG: Khi hết đời “thiếu gia”

(Dân trí) - Vài năm qua, nhắc đến Navibank SG là người ta nhắc đến một đội bóng chi tiền như nước. Cũng bằng cách ấy, đội bóng thành phố từ chốn vô danh trở thành thế lực mới. Tuy nhiên, có vẻ như ở thời điểm hiện tại Navibank SG chẳng còn đáng sợ…

Thời gian vừa rồi, Navibank SG xuất hiện trên các phương tiện truyền thông theo cách chẳng vui chút nào. Có không ít thông tin cho rằng đội bóng thành phố đã nợ lương cầu thủ.

 

Lãnh đạo đội bóng không đồng tình với thông tin dạng trên, nhưng chuyện Navibank SG giờ chẳng còn tiềm lực tài chính hùng hậu như trước là điều có thật. Trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, Navibank SG giống như khá nhiều đội bóng khác ở Việt Nam chẳng thể đứng ngoài vòng xoáy ấy.

 

Navibank SG so với chính họ 1 – 2 năm về trước chẳng còn dồi dào tiền đến mức hàng năm chi hàng trăm tỷ đồng để đánh bóng đội hình, mưu cầu thành công. Riêng ở giai đoạn 2 mùa giải năm nay, nếu để ý kỹ sẽ thấy đội bóng thành phố chi tiêu khá dè xẻn trên thị trường chuyển nhượng.

 
Nụ cười chiến thắng không đồng hành nụ cười bên ngoài sân cỏ, ảnh: Sơn Dũng
Nụ cười chiến thắng không đồng hành nụ cười bên ngoài sân cỏ, ảnh: Sơn Dũng
 

Người ra đi thì nhiều, nhưng người về hầu như không có mấy tên tuổi nổi bật. Navibank SG may mắn tìm được chân sút ngoại đáng giá là Deon, người đã ghi khá nhiều bàn thắng cho đội bóng thành phố từ đầu giai đoạn 2 đến nay, nhưng chừng đó chưa đủ để Navibank SG vươn lên nhóm đầu giải như kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá thành phố.

 

Nhưng có một vấn đề với Navibank SG đáng bận tâm hơn cả chuyện có hay không có thứ hạng cao ở mùa giải năm nay. Đội bóng này được vun đắp trên rất nhiều tiền, cầu thủ đến với đội bóng ngành ngân hàng chủ yếu vì họ được chi nhiều tiền lót tay.

 

Trong bối cảnh hiện nay, điều đó rất khó tìm thấy từ thời điểm mùa bóng tới. Khi đó, chưa biết lực lượng của Navibank SG còn sức mẻ ra sao nữa. Trong khi đó, đội bóng thành phố cho đến giờ hầu như vẫn chưa có lực lượng trẻ đúng tầm, chí ít là đủ sức để những người làm chuyên môn của CLB này có thể đôn các cầu thủ trẻ lên đá cho đội một như cách mà CS.Đồng Tháp, hay SL Nghệ An vẫn thường làm khi cần chắp vá lực lượng.

 

Những bản hợp đồng đắt giá của Santos, Tài Em, Quang Hải, Nirut, Thế Anh, Long Giang, Được Em… rồi cũng sẽ đến lúc hết hạn. Vậy nên, năm tới hay năm tới nữa, người ta đang tự hỏi liệu Navibank SG có còn đủ người tốt để đá, trong bối cảnh mà chắc chắn họ không còn nhiều tiền để gom cầu thủ tốt nữa rồi.

 

Với dàn HLV cũng vậy, ở SL Nghệ An, Nguyễn Văn Thịnh nghỉ đã có ngay Nguyễn Hữu Thắng, ở CS.Đồng Tháp, Lai Hồng Vân hay Phạm Anh Tuấn từ chối ghế HLV trưởng thì người Đồng Tháp vẫn còn có cố nhân Trần Công Minh.

 

Nhưng với Navibank SG, giải sử họ không hài lòng với HLV Phạm Công Lộc, hoặc vì lý do nào đó ông Lộc không còn cảm thấy hạnh phúc khi ở Navibank SG, thật khó để hình dung đội bóng thành phố sẽ tìm đâu ra người kế thừa vị trí HLV, trong bối cảnh mà họ không còn là cái tên thu hút những nhà chuyên môn, chí ít là thu hút về mặt tài chính.

 

Navibank SG là một đội bóng doanh nghiệp. Như rất khá nhiều đội bóng doanh nghiệp khác ở Việt Nam. Khi công ty mẹ ăn nên làm ra, tiền chi cho đội bóng được ngầm hiểu là khoản đầu tư cho quảng cáo, đánh bóng thương hiệu.

 

Nhưng ở thời điểm mà sản phẩm không dễ tiêu thụ, thị trường gặp nhiều khó khăn, đôi lúc người ta chẳng có nhu cầu để quảng cáo nữa. Khi đó, đội bóng vô hình chung trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

 

Cái khó của nhiều đội bóng đang kêu khổ ở Việt Nam nói chung và của Navibank SG nói riêng là ở điểm ấy. Navibank SG từng mang danh “thiếu gia” là nhờ họ có tiền, từng là điểm đến thu hút nhân tài nhờ tiền, từng được xây dựng dựa trên sức mạnh đồng tiền, rồi khi chẳng còn dư tiền, đội này khó giữ nổi sức mạnh, khó thu hút cầu thủ tốt và thậm chí còn chưa biết con đường phía trước của mình.

 

Kim Điền