Năm kỳ diệu với những tân binh đội tuyển quốc gia
(Dân trí) - Nguyễn Hai Long có 1 năm như cổ tích, từ đội trẻ Than Quảng Ninh, lên đội một, khoác áo đội tuyển U22 Việt Nam và giờ được gọi vào đội tuyển quốc gia. Một số gương mặt khác cũng có một năm như vậy.
Và thành công của Nguyễn Hai Long trong năm 2020 chính là chất xúc tác để nhiều đội bóng trong nước hiện tại đặt thêm niềm tin vào thế hệ kế cận.
Than Quảng Ninh chẳng hạn, đội bóng vùng mỏ giờ tính đến chủ trương sử dụng cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo, chinh chiến tại giải V-League năm sau.
Đây là chủ trương đã từng được HA Gia Lai sử dụng cách nay 6 năm, khi lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… lần đầu bước lên sân chơi V-League.
Hiện tại, trong bối cảnh nhiều đội khó khăn vì dịch Covid-19, chính sách sử dụng cầu thủ do chính mình đào tạo, được xem là chính sách hợp lý, hợp hoàn cảnh, vì vừa tiết kiệm (giảm quỹ lương, giảm chi phí chuyển nhượng), vừa tạo sân chơi cho các cầu thủ trẻ.
HA Gia Lai cách nay 6 năm cũng có một số sai lầm, ví dụ như xóa trắng lứa cầu thủ giàu kinh nghiệm khỏi đội bóng, ngay sau khi Công Phượng và các đồng đội cùng trang lứa được đôn lên đội một.
Than Quảng Ninh hiện tại rút kinh nghiệm từ chính bài học đấy, để xử lý một cách khôn ngoan hơn. Họ tin dùng nhiều cầu thủ trẻ, trong năm qua và ở năm sắp tới, nhưng vẫn giữ lại trục xương sống gồm các cựu binh như Hồng Quân, Xuân Tú, Hải Huy…
Câu truyện cổ tích mang tên Hai Long vì thế ghi dấu ấn lớn của CLB chủ quản, đội bóng đã mạnh dạn trao cơ hội cho cầu thủ trẻ măng này, giúp anh tỏa sáng tại V-League, từng bước leo lên đội tuyển U22 Việt Nam và giờ là đội tuyển Việt Nam.
Hai Long được đánh giá là phiên bản tương lai của Quang Hải, Hoàng Đức, và thật hạnh phúc với cầu thủ đến từ vùng mỏ, khi được khoác áo đội tuyển quốc gia, ngay bên cạnh 2 đàn anh rất nổi tiếng.
Tương tự như thế là trường hợp của Bùi Hoàng Việt Anh (CLB Hà Nội). Cứ cho rằng chấn thương của Trần Đình Trọng và Đỗ Duy Mạnh khiến đội bóng thủ đô không còn nhiều lựa chọn ở vị trí trung vệ.
Nhưng ở một mặt nào đó, cũng phải thấy rằng CLB Hà Nội rất kiên trì trong việc sử dụng Việt Anh, vì từng có lúc cầu thủ này thi đấu khá tầm thường ở giai đoạn đầu V-League 2020.
Đặt trường hợp lúc đó CLB Hà Nội mất kiên nhẫn và thay Việt Anh bằng một trung vệ khác có kinh nghiệm hơn, có lẽ Việt Anh đã không thể trở thành cầu thủ trẻ hay nhất mùa giải vừa qua.
Cũng từng có thời điểm, người ta nghĩ đến viễn cảnh Việt Anh sẽ hợp cùng Đoàn Văn Hậu, tạo thành bức tường thép ở hàng hậu vệ của đội tuyển Việt Nam, dựa vào thể hình cao lớn (cả hai cùng cao 1m85) và lối chơi mạnh mẽ của các cầu thủ này.
Nay, viễn cảnh đó đến sớm hơn cả sự chờ đợi, khi cả Việt Anh lẫn Đoàn Văn Hậu đều có tên trong danh sách tập trung đội tuyển quốc gia.
Ở thái cực khác, 2 tân binh Cao Văn Triền (Sài Gòn FC) và Giang Trần Quách Tân (Than Quảng Ninh) không còn trẻ, nhưng họ là minh chứng cho sự bền bĩ của chính họ và cho niềm tin của đội bóng chủ quản, cùng năng lực nhìn người của những nhà chuyên môn ở CLB.
Trên hành trình từ chốn vô danh trở thành ngôi sao tại V-League của Cao Văn Triền và Giang Trần Quách Tân, dấu ấn của các HLV Vũ Tiến Thành (Sài Gòn FC) và Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) rất lớn.
Có lẽ trước khi mùa giải 2020 diễn ra, ngay đến chính bản thân Cao Văn Triền và Giang Trần Quách Tân cũng không ngờ được rằng họ sẽ được khoác áo đội tuyển Việt Nam trước khi năm 2020 khép lại.
Một năm thành công với các cầu thủ này, góp phần tạo nên nhân tố mới, sức sống mới cho đội bóng của HLV Park Hang Seo.