Mức lương của HLV Park Hang Seo cao hay thấp so với các đồng nghiệp ở Đông Nam Á?
(Dân trí) - Theo báo chí khu vực, mức lương của HLV Park Hang Seo chỉ đứng hàng thứ 4-5 tại Đông Nam Á. Dù vậy, đây cũng không phải là điều bất ngờ, bởi so với các đồng nghiệp Luis Milla (Indonesia) và Milovan Rajevac (Thái Lan), HLV Park Hang Seo không nổi tiếng bằng.
Báo Hàn Quốc tiết lộ, mức lương của HLV Park Hang Seo khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vào khoảng 22.000 USD tháng, thấp hơn lương của các HLV Luis Milla (người Tây Ban Nha – dẫn dắt đội tuyển Indonesia) là 160.000 USD/tháng, Milovan Rajevac (Serbia – nắm đội Thái Lan) lương 100.000 USD/tháng, và gần ngang với với HLV Tan Cheng Hoe (Malaysia).
Dù vậy, đây là điều không quá bất ngờ, bởi trước khi thành công tại các kỳ giải U23 châu Á hồi đầu năm nay và tại Asiad vừa kết thúc, HLV Park Hang Seo không phải là nhân vật nổi tiếng ở cấp độ quốc tế, ông cũng không sở hữu bản thành tích đẹp như những đồng nghiệp đang dẫn dắt các đội Indonesia và Thái Lan.
Cụ thể, HLV Luis Milla vốn đã là nhà chuyên môn có tiếng ở châu Âu. Ông này từng dẫn dắt CLB Zaragoza, đội tuyển U21 Tây Ban Nha trong giai đoạn từ 2010 – 2012, vô địch U21 châu Âu – giải vô địch lứa tuổi được cho là gây cấn nhất thế giới. Chưa hết, ông Luis Milla còn nắm đội tuyển U23 Tây Ban Nha tham dự Olympic London 2012.
Với một HLV cỡ đó, chắc chắn không bao giờ có thể mời được ông ấy làm việc với mức lương thấp. Nên cũng không khó hiểu khi HLV Luis Milla hiện là HLV được trả lương cao nhất trong làng cầu Đông Nam Á, có mức lương hơn gấp 7 lần so với lương mà HLV Park Hang Seo đang nhận ở đội tuyển Việt Nam.
Tương tự như thế là trường hợp của HLV Milovan Rajevac ở đội tuyển Thái Lan. Theo tiết lộ của báo chí Đông Nam Á, lương mà HLV Rajevac nhận từ Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) vào khoảng 100.000 USD/tháng.
Rajevac cũng không phải là cái tên xa lạ trong hàng ngũ các chuyên gia tầm trung của bóng đá thế giới. Năm 2010, vị HLV người Serbia từng đưa đội tuyển Ghana vào đến tứ kết World Cup trên đất Nam Phi. Thậm chí, nếu không có pha cứu thua đầy tai tiếng bằng tay của tiền đạo Luis Suarez bên phía Uruguay ngay trước vạch vôi khung thành đội bóng Nam Mỹ, Ghana của HLV Rajevac khi đó đã vào đến tận bán kết giải vô địch thế giới.
Ông Rajevac được đánh giá là chuyên gia nâng tầm các đội bóng ít tên tuổi, cho mục tiêu vào VCK World Cup. Và bóng đá Thái Lan khi “đuổi khéo” tượng đài Kiatisuk, để mời về HLV Rajevac cũng với mục tiêu nhắm đến vé dự VCK giải vô địch bóng đá thế giới trong tương lai gần.
Dù vậy, báo chí Thái Lan cho hay, trong 100.000 USD/tháng mà HLV Rajevac nhận từ FAT, ông không hưởng toàn bộ 100% số tiền trên, mà sẽ tự trả lương cho các trợ lý.
Phần mà HLV Rajevac trả cho ê-kíp giúp việc cho mình ở đội tuyển Thái Lan không được tiết lộ, nhưng vào khoảng 30 – 50% tiền lương mà vị HLV người Serbia nhận từ FAT. Tức mức lương thực lãnh của HLV Rajevac ở đội bóng đất Chùa Vàng chỉ vào khoảng 50.000 – 70.000 USD/tháng.
Riêng trường hợp của HLV Tan Cheng Hoe ở đội tuyển Malaysia hơi khác. Tan Cheng Hoe không phải là HLV tên tuổi trên bình diện quốc tế. Nhưng Malaysia lại là một trong những nền kinh tế mạnh hàng đầu tại Đông Nam Á, nên chuyện họ trả lương cao (23.000 USD/tháng) cho HLV của đội tuyển quốc gia nước họ cũng là điều không gây ngạc nhiên.
Vả lại, ghế HLV ở đội tuyển Malaysia có lẽ là một trong những chiếc ghế bấp bênh nhất Đông Nam Á. Những rối ren và bất đồng ở thượng tầng bóng đá Malaysia vài năm trở lại đây khiến cho người nắm đội tuyển quốc gia Malaysia chịu khá nhiều rủi ro, và các HLV làm việc ở đội tuyển Malaysia cần có mức lương cao để đánh đổi với nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào.
Riêng chuyện mức đãi ngộ, tên tuổi có đi kèm với khả năng thành công hay không lại là những vấn đề khác xa nhau, còn tuỳ thuộc vào mức độ phù hợp của từng HLV với các nền bóng đá và các đội tuyển mà HLV đấy dẫn dắt nữa. Điều này thì phải có thời gian để cho ra đáp án, trong khi mức lương vốn là điều khoản mà các bên phải chốt ngay từ đầu!
Thiện Nhân