1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Giải quần vợt phong trào

“Mua danh ba vạn…” - Nên chăng?

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, phong trào chơi quần vợt trở nên phổ biến khắp các địa phương trong cả nước. Phong trào càng phát triển, các giải đấu do các các cơ quan, đơn vị, địa phương đứng ra tổ chức ngày càng nhiều. Nhưng xung quanh các giải đấu “nghiệp dư” này có nhiều chuyện cười ra nước mắt…

Những giải quần vợt… cơ cấu

 

“Thủ trưởng nào, phong trào đấy” là hiện tượng phổ biến ở các cơ quan, đơn vị hiện nay. Nếu như lãnh đạo mê bóng đá thì đương nhiên phong trào bóng đá ở đó sẽ phát triển. Còn nếu như sếp mê trái banh nỉ thì đương nhiên trong cơ quan sẽ có nhiều người chơi quần vợt, thậm chí nếu đất đai rộng rãi họ còn gợi ý với sếp là “xây cái sân nhà cho tiện giao lưu”.

 

Hiện nay phần lớn lãnh đạo của các đơn vị đều thích chơi quần vợt vì đây là môn thể thao đã trở nên khá bình dân, phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi nhưng cũng không kém phần sang trọng, chỉ sau môn golf mà thôi. Chơi quần vợt mà chỉ với mục đích duy nhất là “ra mồ hôi cho khoẻ” và chỉ quanh quẩn mấy “thầy”, “trò” quần với nhau thì thật là nhàm chán.

 

Vậy là các “đệ tử” lại tham mưu cho sếp rằng, phải giao lưu với các sân, các CLB khác để thưởng thức những đường banh mới lạ và cũng mở rộng các mối quan hệ. Dần dần, khi trình độ đã được nâng lên thì các sếp lại được tham mưu: nên tổ chức các giải đấu giao hữu cho thêm phần long trọng.

 

Thực tế, trong thời gian gần đây nhiều tỉnh, cơ quan, tổng công ty, ngành hàng năm đều đứng ra tổ chức các giải tennis phong trào rất rầm rộ. Tuy nhiên, “các nhà tổ chức” tỏ ra rất khéo léo khi lắp ghép, bốc thăm sao cho sếp càng cao thì phải giành được giải càng lớn.

 

Một Tổng giám đốc hay giám đốc mà dự giải của Công ty thì không thể không lọt vào trận CK và gần như chắc chắn đoạt ngôi vô địch vì “nhà tổ chức” đã cơ cấu như vậy rồi. Nhưng không phải bao giờ mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ, theo đúng “cơ cấu” của “các nhà tổ chức”. 

 

Và những chuyện cười ra nước mắt…

 

Tỉnh V có phong trào quần vợt phát triển chậm, ông Chủ tịch tỉnh chỉ mới cầm vợt vài năm trở lại đây và với năng khiếu thể thao có hạn thì trình độ đánh thế nào ai cũng biết. Thế nhưng, ông vừa giành ngôi vô địch tỉnh nội dung đôi nam giành cho cấp lãnh đạo. Thì ra, ông Chủ tịch được “cơ cấu” đứng cặp với một “tay vợt phủi” có tay nghề nhất tỉnh và có thể chạy cả ngày không biết mệt.

 

Từ vòng loại đến CK “cặp lãnh đạo” này đều thắng giòn giã mà vị Chủ tịch chẳng mất tý mồ hôi nào. Một số khán giả ngồi xem thì thầm với nhau: “Ông kia đứng làm bù nhìn à…”. Ôm cúp vô địch, trước ống kính truyền hình và dưới con mắt bàn dân thiên hạ thì vị chủ tịch tỉnh vừa giỏi lãnh đạo lại vừa giỏi thể thao-văn võ song toàn.

 

Một lần khác, công ty B tổ chức giải quần vợt “mở rộng”, nghĩa là ngoài một số CBCNV của công ty thì họ còn mời thêm vài đơn vị khác tham dự. Bà Tổng giám đốc ngoài 50 tuổi chơi đã dăm năm nay được “đệ tử” sắp xếp đứng đôi với một tay vợt “cứng” nhất Tổng và theo “cơ cấu” thì đôi này sẽ lọt vào CK và lên ngôi vô địch.

 

Sau 3 trận từ vòng loại rồi BK, đôi nam nữ của bà Tổng tỏ ra không có đối thủ (vì toàn gặp các đôi cùng đơn vị) và vào gặp một đôi khác của đội khách. Không ngờ, đôi của khách lại tỏ ra máu ăn thua và quyết lên ngôi nên đánh ầm ầm khiến đôi chủ nhà thất thủ.

 

Không những thế bà Tổng bị cài cắm chạy quá nhiều để cứu bóng bị ngã sóng xoài trầy xước cả cặp giò trắng nõn. Buổi lễ trao giải trở nên kém vui, các nhân viên dưới quyền không dám nhìn thẳng lên bục trao thưởng vì sợ gặp phải ánh mắt của bà Tổng. Thì ra, họ đã thống nhất với nhau là bất kể đôi nào lọt vào CK cũng phải được rỉ tai để sao cho “kết cục có hậu”, để bà Tổng phải vui.

 

Chẳng may, tay đệ tử không hiểu sao lại mời phải một đôi quá mạnh lại quên không rỉ tai làm công tác “dân vận” để thủ trưởng buồn. Tuy chưa đến nỗi bị sa thải nhưng nghe nói sau lần đó tay đệ tử kia liên tục bị nhắc nhỏ và oán trách mãi. Còn đôi khách vô địch khi biết chuyện thì ân hận mãi.

 

Phong trào chơi tennis phát triển rầm rộ, việc tổ chức các giải phong trào để giao lưu và học hỏi là cần thiết. Tuy nhiên, tổ chức các giải tennis theo dạng “cơ cấu” để mua danh cho sếp như vậy thật chẳng hay ho chút nào. Trước đây, từng có chuyện “mua thơ”, “mua chức”, nhưng nay còn thêm một kiểu “mua vô địch thể thao” thì quả là hết nói.                                                 

Chính Nhân