1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

“Một số trọng tài trong nước thường sớm tự bằng lòng!”

(Dân trí) - Sau hàng loạt sự cố liên quan đến giới trọng tài trong thời gian gần đây, cựu Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của giới trọng tài nội.

Quay trở lại với các sự cố xung quanh các trận Thanh Hoá – SL Nghệ An ở V-League và Viettel – Phú Yên ở giải hạng Nhất, theo ông công tác trọng tài nội hiện như thế nào?

Đầu tiên, chưa bàn đến những chuyện khác thì đấy rõ ràng là lỗi về chuyên môn. Xung quanh “sự cố Hà Anh Chiến”, thấy rõ là trọng tài này đã di chuyển tít ở phía xa, sau lưng pha va chạm dẫn đến quả phạt đến trong trận Thanh Hóa – SL Nghệ An. Về mặt nghiệp vụ trọng tài đã là không hoàn thành, không theo kịp tình huống và không chiếm được góc quan sát tốt. Lỗi ở trận Viettel – Phú Yên tại giải hạng Nhất cũng do trọng tài thứ 4 không quan sát, không hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng nhân nói về chuyên môn trọng tài, ở đầu và giữa mỗi mùa giải đều có các lớp tập huấn, sao lại “lọt” những trọng tài có chuyên môn kém đến thế điều hành các giải đấu chính thức?

Cựu trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm chỉ ra những hạn chế của trọng tài nội
Cựu trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm chỉ ra những hạn chế của trọng tài nội

Tôi cho rằng chủ yếu một số anh em không đạt yêu cầu về mặt thể lực. Ví dụ như trọng tài Hà Anh Chiến, nếu thể lực tốt và di chuyển tốt thì đã không bị tụt lại phía sau so với pha bóng trong trận Thanh Hoá – SL Nghệ An. Việc tập thể lực của giới trọng tài không đơn giản. Người tốt nhất về phương tập và sự chuyên cần theo tôi là trọng tài Võ Minh Trí.

Chuyện duy trì thể lực là chuyện nên thực hiện hàng ngày đối với trọng tài đỉnh cao. Ví dụ như trọng tài Trí tập khi đi dạy học, tranh thủ tập mỗi khi đến sân Thống Nhất. Nhiều anh em khác chưa được như vậy, có một số người đến gần giải, gần ngày kiểm tra mới bắt đầu “nhồi” thể lực.

Nói về thể lực của trọng tài, dư luận thắc mắc rằng cũng bài kiểm tra đấy khi xét tuyển ở trong nước thì trọng tài đạt, nhưng ra quốc tế đăng ký FIFA thì lại không đạt, vì sao thưa ông?

Nhắc đến chuyện này rất nhiều vấn đề. Có một vài trọng tài nổi tiếng hẳn hoi nhưng cứ hễ đăng ký FIFA là rớt, về sau không dám đăng ký nữa. Tôi từng tiếp xúc với các trọng tài đấy hỏi nguyên nhân thì thấy rằng họ sớm bằng lòng với việc thổi giải trong nước. Với một số người đấy, thổi giải trong nước là đủ rồi, đủ cả về thu nhập lẫn sự nghiệp, họ chưa có ý thức phấn đấu lên nữa.

Nếu so sánh giữa trọng tài Việt Nam, với trọng tài Thái Lan hay Malaysia và một vài nước trong khu vực, ngoài Võ Minh Trí, tôi cho rằng mặt bằng chung của giới trọng tài trong khu vực tốt hơn.

Sau các sự cố lớn liên quan đến công tác trọng tài nội, đã có ý kiến, từ chính VPF hẳn hoi xin lỗi về chuyện đã để cho một vài trọng tài có chuyên môn kém điều hành giải đấu, đấy có phải là nghịch lý của giới trọng tài, theo kiểu “con voi chui qua lỗ kim”?

Tôi không còn điều hành Ban trọng tài nữa nên không tường tận vấn đề, nhưng trước đây, thời tôi còn làm, quan điểm của tôi là tôi không có dây, ai sai tôi xử lý, ai làm tốt được phân công những trận đấu gai góc. Thật ra thì nhiều nước trên thế giới, người điều hành Ban trọng tài không nhất thiết là người xuất thân từ giới trọng tài, miễn người đấy có khả năng quản trị và điều hành.

Ngay đến AFF cũng đâu nhất thiết phải dùng người từ giới trọng tài ngồi ghế trưởng Ban đâu, quan trọng là phải công tâm. Ví dụ như tôi từng là Trưởng Ban trọng tài AFF trước đây, và ban này hồi đấy vẫn hoạt động tốt. Nhưng ở bóng đá nội thì khác, cũng vì tôi hay nói thẳng, nói thật nên nhiều người không thích. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng phải nói, các trọng tài Việt Nam cần phải rèn luyện nhiều hơn nữa, phải có chí cầu tiến hơn nữa thì chúng ta mới hy vọng có được Võ Minh Trí thứ 2, trọng tài Việt Nam duy nhất cho đến thời điểm này mà tôi cho rằng ở đẳng cấp châu Á.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

“Một số trọng tài trong nước thường sớm tự bằng lòng!” - 2