Man Utd ngược dòng ấn tượng: Không thể sống thiếu Bruno Fernandes
(Dân trí) - Bruno Fernandes thực sự là "linh hồn" của Man Utd. Thời điểm ngôi sao người Bồ Đào Nha ngồi dự bị và được vào sân là hai câu chuyện hoàn toàn khác hẳn với Man Utd...
Không thể phủ nhận thực tế rằng HLV Solskjaer đã "có ý thức" trong việc phân phối sức của Bruno Fernandes trong giai đoạn cày ải căng thẳng. Việc ông sẵn sàng để nhạc trưởng người Bồ Đào Nha dự bị trước thềm trận đấu với Leipzig cho thấy điều đó.
Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, Man Utd lại không thể sống thiếu Bruno Fernandes. Hiệp 1 trận đấu với West Ham chính là ví dụ điển hình nhất. Hàng tiền vệ của Man Utd với Paul Pogba, Van De Beek dễ dàng bị bẻ gãy và không tạo nên nhiều đột biến trước đối thủ chủ trương tử thủ như West Ham.
Và sau đó, HLV Solskjaer buộc phải tung Bruno Fernandes vào sân ngay đầu hiệp. Sau đó là câu chuyện mà ai cũng rõ...
Có một vài con số cho thấy sự khác biệt. Trong hiệp 1, cả đội Man Utd chỉ tạo ra 3 cơ hội. Sau khi vào sân, một mình Bruno Fernandes đã tạo ra... 8 cơ hội. Nếu tính cả trận (không tính Bruno Fernandes), các cầu thủ khác của Man Utd chỉ tạo ra 6 cơ hội.
Nếu cần con số để thấy chặng đường dài hơn thì từ đầu mùa, Bruno Fernandes đã tạo ra 35 cơ hội, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Sau 38 trận thi đấu cho Man Utd (kể từ khi chuyển tới CLB vào tháng 2/2019), ngôi sao sinh năm 1994 đã đặt dấu giày vào 36 bàn thắng.
Tờ Squawka đã có nhận định khá đầy đủ về Bruno Fernandes: "Kể từ khi Bruno Fernandes vào sân, Man Utd đã có thủ lĩnh thực sự. Man Utd quá thiếu ý tưởng tạo báo để xoay chuyển cục diện".
Thực tế, nhận định này đã xuất hiện từ lâu. Hầu hết những cầu thủ Man Utd (kể cả Pogba) luôn nằm trong vùng an toàn trong những tình huống tổ chức tấn công. Họ như cỗ máy được lập trình, để hạn chế sai lầm. Nhưng Bruno Fernandes là mẫu cầu thủ chưa bao giờ ngại đương đầu với cái khó. Cầu thủ người Bồ Đào Nha luôn tìm cách phá vỡ vùng an toàn ấy, bằng việc đưa ra những quyết định mạo hiểm, sát thương cao hơn. Chỉ có như vậy, Man Utd mới xuyên thủng được khối bê tông của West Ham.
Bình luận trên sóng truyền hình Sky Sports, Evra không có quá nhiều điều để nói ngoài việc nhấn mạnh: "Câu chuyện của Man Utd vẫn vậy mà thôi!". Chữ vẫn vậy ở đây có thể hiểu là sự phụ thuộc vào linh hồn Bruno Fernandes.
Cách đây không lâu, HLV Solskjaer từng thành công khi cất Bruno Fernandes trong trận gặp Leipzig (Man Utd thắng 5-0) nhưng bản chất của hai trận đấu khác nhau. Ở trận gặp Leizpig, Man Utd chơi thiên về phòng ngự phản công. Paul Pogba và Van De Beek đã làm quá tốt nhiệm vụ của mình. Dù vậy, trước đối thủ chủ trương tử thủ, hàng tiền vệ Man Utd "không Bruno Fernandes" lại bế tắc và thiếu tính sáng tạo.
Paul Pogba là mẫu cầu thủ chơi hay, khi... không được đặt vào nhiệm vụ cụ thể nào (kể cả là sáng tạo). Vì vậy, không ngạc nhiên khi cầu thủ này "tắt ngóm" khi bị đặt vào vai trò nhạc trưởng ở trận đấu gặp West Ham. Và khi nhiệm vụ ấy được chuyển sang Bruno Fernandes, ngôi sao người Pháp đã mang bộ mặt mới.
Trái ngược lại, Bruno Fernandes là mẫu cầu thủ phải đặt vào trung tâm đội hình mới tỏa sáng, tức là toàn đội phải chơi theo cách của cầu thủ này. Điều đó lý giải vì sao Man Utd trở nên linh hoạt hơn khi ngôi sao người Bồ Đào Nha xuất hiện. Bởi lẽ, tập thể Man Utd sẽ phải di chuyển để thích nghi với điều đó.
Nói vậy để thấy, vấn đề giải bài toàn phụ thuộc vào Bruno Fernandes không phải đơn giản bởi ở Man Utd, chỉ có duy nhất ngôi sao sinh năm 1994 mới thi đấu như vậy. Chỉ cần Bruno Fernandes không ra sân, nỗi nhớ ấy ngay lập tức ùa về.
Hay như nhà báo Michael Cox đúc kết: "Man Utd chỉ là tập thể vô tổ chức khi thiếu vắng Bruno Fernandes. Khi cậu ấy vắng mặt, người ta không hiểu Quỷ đỏ thi đấu như thế nào".
Nhưng vấn đề của sự phụ thuộc luôn có hai mặt. Giả sử một ngày Bruno Fernandes vắng mặt vì chấn thương (hoặc bị đối thủ phong tỏa) thì Man Utd sẽ ra sao?
Có lẽ, những người Man Utd đang cầu mong cho Bruno Fernandes trở thành "vị thần sức mạnh"...