Malaysia tự chọn bảng đấu bóng đá nam SEA Games: Lộ tính chất “ao làng”

(Dân trí) - Việc nước chủ nhà luôn có quá nhiều lợi thế vốn là đặc thù của các kỳ SEA Games. Lần này, đội tuyển bóng đá U23 Malaysia thậm chí có quyền chọn bảng sau khi có kết quả bốc thăm càng phản ánh tính chất… “ao làng” của sân chơi này.

Ở các kỳ giải trước, chuyện nước chủ nhà được ưu tiên nằm trong bảng có ít đội (với 11 nước Đông Nam Á tham dự đại hội, thì môn bóng đá nam luôn có 2 bảng với số lượng đội khác nhau: 1 bảng 6 đội và 1 bảng chỉ 5 đội), thi đấu ít trận hơn, luôn được xem là điều không cần bàn cãi.

Năm nay, trước thềm SEA Games 29, nước chủ nhà Malaysia tiến thêm một bước nữa trước giờ bốc thăm chia bảng, đó là họ… nhường cho các quốc gia khác bốc thăm trước, sau đó chọn bảng nhẹ hơn, ít đội hơn.

Trước đó, từng có chuyện chủ nhà Malaysia đột ngột đòi hạn chế độ tuổi của các đội bóng đá nam dự Đại hội thể thao Đông Nam Á, từ lứa tuổi 23, xuống lứa tuổi 21. Chỉ đến giờ chót, khi các quốc gia khác đấu tranh mạnh mẽ, giải pháp chung mới được đưa ra là lứa tuổi 22 sẽ tham dự môn bóng đá nam SEA Games như hiện nay.

Các quy tắc bốc thăm càng dễ bị thay đổi, thì SEA Games càng lộ tính chất ao làng (ảnh: Trọng Vũ)
Các quy tắc bốc thăm càng dễ bị thay đổi, thì SEA Games càng lộ tính chất "ao làng" (ảnh: Trọng Vũ)

Động thái giảm độ tuổi dự SEA Games của Malaysia được xem là hạn chế sức mạnh của cường quốc bóng đá số 1 trong khu vực Thái Lan, bởi độ tuổi càng nhỏ thì tính ổn định của các đội bóng càng thấp, cơ hội tranh HCV SEA Games của Malaysia sẽ cao hơn.

Hiện tại, thêm việc “chơi chiêu” trước giờ bốc thăm chia bảng, chủ nhà Malaysia càng chứng minh tính chất “ao làng” của Đại hội thể thao khu vực, nơi mà điều lệ và các quy tắc thiếu thống nhất, có thể thay đổi theo từng kỳ giải, tuỳ vào từng nước chủ nhà.

Một số uỷ viên BCH Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) khi được tham khảo ý kiến, cho biết đề xuất của Malaysia trong môn bóng đá nam, về quy tắc bốc thăm chia bảng với quá nhiều lợi thế cho họ khó thay đổi. Tức là Malaysia sẽ hưởng lợi thế tuyệt đối ở vòng bảng.

Khó thay đổi là bởi môn bóng đá nam giống như tất cả các môn thể thao khác ở SEA Games, không thuộc quyền quản lý của AFF, mà thuộc quyền quản lý của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, nơi luôn tôn trọng rất cao các nguyện vọng của quốc gia chủ nhà.

Đấy cũng chính là lý do mà một số nước trong khu vực không còn xem trọng đấu trường SEA Games, không chạy đua thành tích ở Đại hội này bằng mọi giá, kể cả trong môn bóng đá nam, như Thái Lan, Singapore hay Philippines.

Thái Lan nhiều khả năng sẽ không sử dụng HLV Milovan Rajevic (HLV của đội tuyển quốc gia xứ Chùa Vàng) cho chiến dịch SEA Games 29, như từng không xài HLV Kiatisuk 2 năm về trước, mà giao quyền điều khiển đội tuyển U23 cho các trợ lý của ông này. Singapore và Philippines thì cũng không dùng quá nhiều cầu thủ trưởng thành ở nước ngoài.

Họ không còn chạy đua hướng đến thành tích ở SEA Games bằng mọi giá, vì thành tích đấy cuối cùng vẫn chưa chắc phản ánh đúng sự phát triển của nền bóng đá, do sự thiếu ổn định và tính chất “ao làng” vừa nêu!

Kim Điền

Malaysia tự chọn bảng đấu bóng đá nam SEA Games: Lộ tính chất “ao làng” - 2