1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn: Vang danh dân tộc Khmer

(Dân trí) - Trong năm 2014, Thạch Kim Tuấn (cử tạ) là một trong những VĐV gặt hái được nhiều thành công nhất của thể thao Việt Nam. Anh thực sự là niềm tự hào của người dân tộc Khmer.

Dù còn rất trẻ nhưng bảng thành tích của Thạch Kim Tuấn trong năm 2014 khiến các VĐV hàng đầu thế giới cũng phải ghen tị. Tháng 6/2014, Kim Tuấn đăng quang ở hạng cân 56 kg nam tại giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2014 tổ chức ở Nga với 3 tấm HCV, phá hai kỷ lục trẻ thế giới và là VĐV trẻ xuất sắc của giải. Tháng 9, Kim Tuấn giành HCB ASIAD, phá kỷ lục châu Á. Hai tháng sau, anh xuất sắc giành 1 HCV (cử giật) và 2 HCB (cử đẩy và tổng cử) tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2014 ở Almaty (Kazakhstan).

Với những thành tích chói lọi giành được, Kim Tuấn không chỉ mang vinh quang về cho thể thao nước nhà, cho người dân tộc Khmer, mà anh cũng đã vượt qua được hoàn cảnh nghèo khó.

Thạch Kim Tuấn đang là VĐV cử tạ số 1 của thể thao Việt Nam

Thạch Kim Tuấn đang là VĐV cử tạ số 1 của thể thao Việt Nam

Chỉ tính riêng trong năm nay, ngoài khoảng hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng cho những VĐV tài năng đặc biệt, Tuấn nhận khoảng 1,5 tỷ sau những thành tích quốc tế. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của chàng lực sĩ người Bình Thuận.

Từ một chàng trai nghèo, phải nghỉ học giữa chừng, Tuấn vươn lên để trở thành một lực sĩ hàng đầu và đang có thu nhập rất “khủng” từ tiền thưởng. Không chỉ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định Tuấn còn lo được tổ ấm khoảng 30 m2 cho cả 4 chị em mồ côi mẹ rời quê hương Bình Thuận vào đất Sài Gòn tìm kế sinh nhai.

Mỗi một thành công đều là một sự đánh đổi. Để có được thành công như ngày hôm nay, Tuấn đã phải trả giá bằng cái sự học dở dang của mình. Gần 20 tuổi, nhà vô địch thế giới Thạch Kim Tuấn vẫn chưa tốt nghiệp cấp 2. Dù bị nhiều người nói là thất học, nhưng chàng lực sĩ quê biển Bình Thuận lại đang là tấm gương cho lớp trẻ soi vào.

Tuấn đang là một trong những VĐV được đầu tư đặc biệt cho Olympic 2016. Với những gì đã làm được, cơ hội giành HCV là hoàn toàn sáng cửa với lực sĩ người Bình Thuận. Tuấn cho biết, em sẽ tiếp tục nỗ lực tập luyện để thực hiện giấc mơ HCV Olympic của mình cũng như của thể thao Việt Nam, nhưng đồng thời sẽ tiếp tục tranh thủ vừa tập luyện vừa học, để theo đuổi một giấc mơ khác lớn hơn là học Đại học.

Năm 2010, khi Tuấn đã là nhà vô địch Olympic trẻ, thầy Huỳnh Hữu Chí mới nhận ra nguy cơ lớn cho tương lai, sự phát triển của cậu học trò cưng. Từ đó, chính ông phải dành thời gian bổ túc lại kiến thức cho Tuấn, rồi đưa anh trở lại con đường học hành, bắt đầu từ lớp 6.

Chuyện tập luyện, thi đấu chiếm hầu hết thời gian, nhưng Tuấn vẫn quyết không bị tiếng là nhà vô địch thất học. Anh đặt ra mục tiêu tốt nghiệp cấp 2, học hết cấp 3 và sau đó là vào Đại học năm…30 tuổi.

“Thi đấu mãi cũng đến tuổi giải nghệ, nhưng chuyện học thì suốt đời. Em không muốn người ta nói mình là thất học”, Tuấn tâm sự. HLV Huỳnh Hữu Chí cũng hiểu được nỗi lòng của học trò mình: “Muộn còn hơn không. Đó là cách tốt nhất cho Tuấn, bởi em còn trẻ. Trong tương lai nếu không làm VĐV nữa, Tuấn muốn chuyển sang làm HLV thì bắt buộc phải có vốn kiến thức nhất định”.

Thạch Kim Tuấn, người dân tộc Khmer, tình cờ làm quen với môn cử tạ thông qua người anh trai mình từ năm 2006. Nhờ tố chất sẵn có, Kim Tuấn đã nhanh chóng thành danh ở môn cử tạ với những thành tích nổi bật trong nhiều năm qua. Anh trở thành niềm tự hào không chỉ với cử tạ Việt Nam, mà còn của người dân tộc Khmer.

Chi Chi