Lực lượng U22 Việt Nam có đủ sức tranh HCV với Thái Lan tại SEA Games?
(Dân trí) - Tại SEA Games 32 tại Campuchia, U22 Việt Nam sẽ đá ngang tuổi với Thái Lan. Lần này, không còn được bổ sung các cầu thủ ngoài tuổi 22, chúng ta liệu có mạnh hơn người Thái?
Khi các đội tuyển U22 và U23 Việt Nam vô địch các kỳ SEA Games 30 (năm 2019) và 31 (năm 2022), thực chất các đội tuyển nói trên có bổ sung các tuyển thủ quốc gia ngoài 23 tuổi.
Cụ thể, năm 2019 trên đất Philippines, đội U22 Việt Nam khi đó được bổ sung Trọng Hoàng, Hùng Dũng. Còn ở SEA Games năm 2022 trên sân nhà, chúng ta được bổ sung Hoàng Đức, Hùng Dũng và Tiến Linh.
Ở SEA Games 2019, U22 Thái Lan không bổ sung cầu thủ ngoài lứa tuổi 22, nên thực chất đội bóng đất Chùa Vàng đá "chấp tuổi" các đại diện Đông Nam Á. Còn ở SEA Games năm ngoái tại Việt Nam, U23 Thái Lan có bổ sung ba cầu thủ trên 23 tuổi, nhưng không phải ngôi sao lớn của bóng đá nước này (Worachit, Kawin và Weerathep).
Lần này, ở SEA Games 32, quốc gia chủ nhà Campuchia quy định các đội bóng đá nam không được đăng ký cầu thủ ngoài 22 tuổi. Vì thế, lần đầu tiên sau nhiều năm, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ đá ngang tuổi với Thái Lan ở đấu trường SEA Games.
Với đội hình gồm toàn bộ các cầu thủ trong lứa tuổi 22, các đội Việt Nam và Thái Lan có màn thể hiện khác nhau tại Doha Cup hồi cuối tháng 3 vừa rồi.
U22 Thái Lan thi đấu thành công tại giải đấu ấy, thắng 1 (trước Qatar), hòa 1 (trước Saudi Arabia) và thua 1 (trước Kuwait), trong khi U22 Việt Nam chơi không thành công, thua 2 (trước UAE và Iraq) và hòa 1 (trước Kyrgyzstan), thủng lưới đến 7 bàn, không ghi được bàn thắng nào.
Dẫu biết Doha Cup chỉ là giải đấu giao hữu, nhưng không khó để nhận ra U22 Việt Nam bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm ở giải đấu nói trên.
Sự thiếu kinh nghiệm này đến từ việc các cầu thủ trong lứa tuổi 22 của bóng đá Việt Nam ít được thi đấu tại V-League, phần do các đội ưu tiên sử dụng những gương mặt tên tuổi ở các vị trí quan trọng, phần khác do chính giải V-League ngắt quãng quá nhiều, khiến cho cơ hội được ra sân của các cầu thủ trẻ trước các giải quốc tế càng ít đi.
Đây là khác biệt rõ ràng giữa U22 Việt Nam và U22 Thái Lan. Cầu thủ xứ Chùa Vàng có nhiều cơ hội thi đấu tại Thai-League, giúp họ nâng cao trình độ, họ chỉ lên tập trung đội tuyển trong những FIFA Days, thay cho cách tập trung quá dài như đội U22 Việt Nam.
Theo quan điểm của giới bóng đá Thái Lan, không có đợt tập trung hay trận đấu thử nghiệm nào hiệu quả bằng những trận đấu thực, ở sân chơi chuyên nghiệp.
Cũng không khó để nhận ra nhóm các cầu thủ thi đấu tốt nhất, bản lĩnh nhất ở đội U22 Việt Nam thời gian qua, gồm Phan Tuấn Tài (Viettel), Lương Duy Cương (SHB Đà Nẵng), Hồ Văn Cường (Sông Lam Nghệ An) hay Lê Văn Đô (Công An Hà Nội), là những người có chỗ thi đấu thường xuyên tại V-League.
So về mặt này, các cầu thủ U22 Thái Lan cũng lợi thế hơn. Những trụ cột của đội bóng xứ Chùa Vàng, gồm thủ môn Soponwit Rakyart (Phrae United), trung vệ Jonathan Khamdee (Ratchaburi), Songchai Thongcham (Chonburi), tiền vệ Airfan Doloh (Buriram United), Teerasak Poeiphimai (Port) đều có chỗ thi đấu tại Thai-League
Những cầu thủ này quan trọng đến mức đội U22 Thái Lan muốn có sự phục vụ của họ tại SEA Games, phải thương lượng với CLB chủ quản, chứng tỏ các CLB tại Thai-League cần đến vai trò của những cầu thủ nói trên.
Ở các kỳ SEA Games gần nhất, khoảng cách về bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc giữa U22 Thái Lan và U22 Việt Nam không lớn, thậm chí U22 Việt Nam ở SEA Games 30 và 31 còn được đánh giá cao hơn về kinh nghiệm, nhờ được bổ sung các tuyển thủ quốc gia ngoài 22 tuổi, vốn quá nổi tiếng tại Đông Nam Á.
Giờ, khi đôi bên đá ngang tuổi, mọi hy vọng của U22 Việt Nam gần như tập trung vào tài cầm quân của HLV Philippe Troussier, ở kỳ SEA Games được đánh giá là khó khăn nhất với bóng đá nam Việt Nam trong vòng ít năm qua.