1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Liệu có “thế giới ngầm” của các ông “vua sân cỏ”?

Một người dấu tên, có biệt danh là “Người quan sát” đã điện thoại cho phóng viên báo SGGP. Khác với các lần trước, lời đề nghị phỏng vấn là từ phía nhà báo. Lần này, ông muốn phát biểu điều mình vừa bức xúc. Đó chính là công tác trọng tài bóng đá ở Việt Nam.

Người quan sát: Vụ trọng tài bị kỷ luật ở trận HAGL (Hoàng Anh Gia Lai) – BD (Bình Dương) không chỉ dừng lại ở những sai lầm mang tính kỹ thuật hay nhận định. Nếu thật sự LĐBĐ  muốn đổi mới, trong sạch thì ngay bây giờ phải mời gọi các cơ quan chức năng nhập cuộc. Chúng ta có thể tìm ra cả một thế giới ngầm.

 

Phóng viên: Điều đó không đơn giản. Vì muốn phanh phui đường dây tiêu cực của trọng tài phải có bằng chứng.

 

Tôi tin vào bộ máy điều tra, an ninh của chúng ta đủ mạnh để làm tốt việc đó. Nhiều vụ án phức tạp của kinh tế, an ninh chính trị mà lực lượng của ta còn làm được thì “mấy ông bóng đá” ăn nhằm gì. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm hay không mà thôi.

 

Trở lại câu chuyện của tổ trọng tài Phạm Hữu Lộc thổi trận HAGL-BD. Ông nhận định thế nào về sai sót bỏ qua 2 quả 11 mét và những lỗi nặng khác của đội chủ nhà?

 

Tôi nghĩ đây không phải là những sơ sót ngẫu nhiên, thông thường. Các đội bóng thường nói trước khi vào giải rằng trọng tài thương đội nào thì dù có xuống hạng vẫn kéo lên trụ hạng, có kém một chút vẫn có thể vô địch, bằng ngược lại thì chỉ có… chết thôi.

 

Ông đi nhiều, thấy nhiều vậy có thêm dẫn dụ nào về trọng tài Việt Nam. Họ quá kém năng lực, quá thiếu đạo đức chăng?

 

Tôi không nói như thế và không phải trọng tài nào cũng như thế. Tôi có dịp chơi thân với một vài trọng tài. Họ thà “hưu non”, chứ không tham gia vào mấy phi vụ làm ăn bất chính trên sân cỏ, hay nói một cách khác là tham gia vào “thế giới ngầm”.

 

Chúng ta không thiếu những trọng tài giỏi, năng lực cao. Thí dụ như ai đã xem trận chung kết bóng đá SEA Games 21 giữa Malaysia và Thái Lan sẽ thấy tự hào khi trọng tài Lương Thế Tài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 90 phút. Song, không ít người không chịu rèn luyện chuyên môn, đạo đức và dễ rơi vào vòng xoáy của đồng tiền.

 

Thế còn trách nhiệm của VFF và Hội đồng trọng tài trong vấn đề này?

 

Trách nhiệm lớn nhất và nặng nhất thuộc về họ. Về phía VFF, tôi cho đây là “tàn tích” của nhiệm kỳ trước. Vì sao một ông ủy viên Hội đồng trọng tài (Đoàn Phú Tấn) lại được trao (hay giành) cái quyền quan trọng nhất là sắp xếp trọng tài, còn ông chủ tịch hội đồng (Nguyễn Ngọc Vinh) và ông ủy viên khác (Bùi Như Đức) thì bị gạt qua một bên. Vì sao ông Tấn lại có thể làm như thế, nếu không có hậu thuẫn từ phía sau. Nay VFF đã chuyển sang nhiệm kỳ mới cũng nên giải quyết tình trạng đó.

 

Tìm một con đường, tìm một hướng đi nào cho công tác trọng tài bóng đá ở Việt Nam, thưa ông?

 

Tôi cho rằng nâng bồi dưỡng, nâng thu nhập của trọng tài như kế hoạch của ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch VFF là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Vì sao vậy? Vì nếu bên trong ta nâng tiền thì “bên ngoài” sẽ nâng tiền “tiêu cực phí” lên cao hơn, mức cám dỗ không dừng lại ở đó. Bạn đã biết lòng tham của con người làm gì có đáy mà dò.

 

Theo tôi, phải nâng trình độ quản lý của các vị lãnh đạo bóng đá lên cao hơn. Công tác giám sát, thanh sát, kiểm tra và quản lý trọng tài phải làm thường xuyên và xử lý nghiêm khắc hơn. Nếu phát hiện thấy một mắt xích nào có tiêu cực thì nhanh chóng cắt đứt, gạt ra ngoài, chứ đừng sợ không đủ người cầm còi. Cần nhanh chóng chuyên nghiệp hóa công tác quản lý và hoạt động trọng tài. Đó là yếu tố hết sức quan trọng cho bóng đá Việt Nam phát triển.

 

Theo Minh Hùng (SGGP