1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

“Tuổi thọ” ngắn ngủi của một ngôi sao

Kỳ cuối: “Không đá bóng nữa thì nó làm chi để sống, chú ơi!”

“Nguyện vọng tha thiết của gia đình tôi là mong các cơ quan chức năng và người hâm mộ mở rộng vòng tay cho Quyến có cơ hội lập công, chuộc lại lỗi lầm”- bà Niềm trầm tư. Nhẫn nhịn. Dù không cưỡng lại được số phận, người mẹ cũng phải gạt nước mắt đứng lên.

Con đường đất nhấp nhô chạy theo đường tàu sáng heo may lành lạnh. Xe dừng trước cổng nhà bà Hồ Thị Niềm. Cánh cổng sơn màu xanh khép hờ. Trong vườn, bóng người phụ nữ đang tưới rau. Tiếng sắt cọ vào bê tông ken két khi cổng mở. Kèm theo tiếng chó sủa râm ran. Nhưng chủ nhà vẫn không có phản ứng nào. Bà lầm lũi múc nước chăm chút cho từng gốc cây, chẳng buồn ngẩng đầu lên xem người vừa đến là ai.

 

Tấm ảnh chân dung của Văn Quyến choán một phần diện tích bức tường bên trái. Vẫn đôi mắt phảng phất nét buồn cố hữu khi nhìn ngang. Tôi xin phép chủ nhà dạo quanh phòng khách, ngắm nghía Quả bóng vàng 2003; phần thưởng SEA Games năm nào; những bằng khen, giấy khen mang tên Phạm Văn Quyến.

 

Kỷ niệm hiện về, rạo rực. Và giọng nói của người mẹ trong đêm hân hoan chiến thắng giải bóng đá khu vực lần trước, khi tôi gọi cho bà để chia sẻ niềm vui: “Chú thấy đá như rứa đã sướng chưa !?” “Sướng !”.

 

Tôi hét lên, nhấn mạnh chữ  sướng. Tiếng cười vỡ ra. Rồi căn nhà nghẹt thở. Người hâm mộ tung hô Văn Quyến. Người ta kéo đến chúc mừng. Đêm làng. Đêm hội.

 

Bây giờ.

 

Bà Niềm trống vắng nhìn ra khoảng sân. Ngón tay gầy guộc run run đan vào nhau. Tôi không dám nhìn lâu vào khuôn mặt của người mẹ. Nỗi đắng cay. Nhục nhằn. Như ngọn lửa âm ỉ trong lòng, chỉ cần một khơi gợi nhỏ, là nó sẽ bùng nổ.

 

Kỳ cuối: “Không đá bóng nữa thì nó làm chi để sống, chú ơi!” - 1
 

Bà Niềm (trong) và bà của Quyến  

 

Nhưng đôi mắt của người mẹ ấy đã thẫn thờ. “Khóc làm gì nhiều. Nước mắt làm con người trở nên yếu đuối, ủy mị. Mình phải gạt nước mắt mà đứng lên. Văn Quyến phải chịu trách nhiệm về việc làm sai trái nó đã gây ra. Nó chẳng trách được ai, ngoài 20 tuổi rồi còn trẻ con gì nữa đâu. Phải làm gì đó để sửa sai, chuộc lại lỗi lầm”, bà Niềm tâm sự.

 

Hồ Văn Sỹ (em trai bà Niềm) xuất hiện. Anh là người đã đưa Văn Quyến xuống Vinh “gia nhập SLNA”, tạo bước ngoặt giúp Quyến giã từ thân phận của một đứa trẻ chăn trâu để trở thành một VĐV bóng đá.

 

“Khi Quyến đã trưởng thành, xa gia đình, mọi sinh hoạt của nó, cậu và mẹ làm sao quản lý được - anh Sỹ nói - đến lúc chuyện vỡ lở ra, người trong nhà biết thì cháu tôi đã…vào khám mất rồi”.

 

Tôi hỏi mẹ Văn Quyến: “Từ hôm Quyến bị triệu tập; rồi bị bắt giam, có ai ở SLNA lên thăm gia đình không ?”. Bà Niềm đáp: “Chủ nhật vừa rồi HLV trưởng Hữu Thắng cùng mấy người ở Ban huấn luyện lên thăm. Mấy cầu thủ bạn bè của Quyến thì đưa quần áo tư trang của Quyến về”.

 

Nhưng lúc sa cơ lỡ vận, những người ruột thịt là nguồn động viên an ủi lớn nhất. Các dì, các cậu, rồi hàng xóm láng giềng, căn nhà nhỏ lúc nào cũng có vài người bên cạnh bà Niềm.

 

Trong hoàn cảnh éo le, người thân không để bà phải cô độc một mình. Chuyện làng. Chuyện xã. Chuyện đám hỏi xóm trên vừa mổ một con lợn mừng tiệc cưới. Con chó nhà bên lên dại cắn mười người rồi bị người ta đem thịt. Những câu chuyện không đầu không cuối như  thế được nhắc đi nhắc lại cả ngày không biết chán, cốt để giúp người mẹ vợi bớt nỗi cô đơn.

 

Bà Hồ Thị Điệp (77 tuổi), bà ngoại của Quyến, lò dò bước đến. Lưng bà đã còng, tóc đã bạc. Miệng móm mém nhai trầu, bà Điệp kể: “Nghe tin nó bị bắt, tôi đau từng khúc ruột. Xin các anh đừng ghét nó, 21 tuổi đời thế mà vẫn còn dại”. Chúng tôi hỏi bà Điệp: “Quyến hư như vậy, bà có giận nó không ?”.

Kỳ cuối: “Không đá bóng nữa thì nó làm chi để sống, chú ơi!” - 2
  

Ngôi nhà Quyến xây cất cho mẹ 

 

Bà nói: “Người ta giận nó một, tôi giận mười. Nhưng càng giận càng thấy thương. Nó khổ từ nhỏ. Một tuổi rưỡi, vắng cha, mẹ đưa về bà nuôi dưỡng cho đến lúc khôn lớn trưởng thành. Không ngờ bây giờ cơ sự lại như thế này, tôi đau lắm”. Ông ngoại Quyến đau nặng, không ra khỏi nhà từ 6 tháng nay. Suốt ngày, đôi vợ chồng già nua luôn miệng nhắc tên cháu.

 

Bà Hồ Thị Niềm ý thức rất rõ tính nghiêm trọng của sai phạm mà Văn Quyến đã gây ra: “Dù nó không đầu têu, nhưng làm theo kẻ khác cũng đáng tội lắm rồi. Không những nó xấu hổ với chính bản thân mình, mà chính tôi cũng cảm thấy khó xử với mọi người. Nhất là những người quen biết, từng hâm mộ Quyến”.

 

Lo lắng cho đứa con trai duy nhất, bà Hồ Thị Niềm bắt đầu nghĩ về một tương lai không mấy sáng sủa đang chờ đón: “Nếu bị treo giò vĩnh viễn, nghĩa là nó phải từ giã sân cỏ, chấm dứt cuộc đời cầu thủ. Nó sống bằng đôi chân. Không được đá bóng nữa thì mai mốt làm chi để kiếm sống đây, chú ơi!”. Lời than van của người mẹ, như  một nỗi quặn đau, nhức nhối trái tim. “Văn hóa chỉ cấp 3. Không bằng cấp. Rồi đây, sẽ không nghề nghiệp ? Quyến đi về đâu?”.

 

Người mẹ lau nước mắt, nói như độc thoại: “Nó là đứa chịu khó chịu khổ. Tôi tin nó sẽ không sa ngã thêm một lần nào nữa. Nguyện vọng thiết tha của tôi là mong các cơ quan chức năng và người hâm mộ rộng lòng tha thứ, cho Quyến có cơ hội chuộc lại lỗi lầm sai phạm. Nó còn trẻ mà, 21 tuổi đời”.

 

Chuông điện thoại đổ liên hồi. Bà Niềm miễn cưỡng đứng dậy đi vào gian nhà trong, cầm máy. Trên giường, người em trai của bà Niềm bó gối ngồi một mình, đôi mắt nhìn đăm chiêu ra cửa sổ. Ngoài trời, mưa lất phất bay.

 

Bà Niềm nghe xong điện thoại. Nước mắt lại tuôn trào…

 

Theo Quang Long

Tiền phong