Kỳ 2: Lịch sử World Cup (từ 1966 đến 1986)

(Dân trí) - Brazil đoạt Cup Jules Rimes vĩnh viễn, Hà Lan với lối chơi bóng đá tổng lực trứ danh hai lần lỡ hẹn với đỉnh cao của thế giới, còn “cậu bé vàng” Maradona cho thấy chiều cao tính từ “bàn tay” lên trời khi biến cả một kỳ World Cup thành của riêng mình.

 

World Cup Anh 1966: Bóng đá trở về cội nguồn

 

Bắc Triều Tiên gây chấn động khi vượt qua Italia với tỉ số 1-0, kết thúc một trong những kỳ WC tồi tệ nhất của Azzurri đồng thời trở thành đội bóng châu Á đầu tiên lọt vào vòng tứ kết. Triều Tiên còn suýt chút nữa gây tiếp một cơn địa chấn lớn khi vượt lên dẫn Bồ Đào Nha 3-0 ở trận tứ kết, tuy nhiên “Brazil châu Âu” sở hữu một trong những tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại và là vua phá lưới World Cup 1966 Eusebio. Tiền đạo gốc Mozambique đã kịp thời tỏa sáng khi ghi đến 4 bàn thắng giúp cho BĐN lội ngược dòng thắng 5-3.

 
 
Kỳ 2: Lịch sử World Cup (từ 1966 đến 1986) - 1

Đất nước khai sinh ra bóng đá lần đầu tiên lên ngôi

 

Đến vòng bán kết thì Bồ Đào Nha đã phải chịu thúc thủ 1-2 trước chủ nhà Anh, “báo đen” Eusebio không được công nhận đến 4 bàn thằng vì lỗi việt vị và chỉ ghi được 1 bàn trên chấm phạt đến. Đội tuyển Anh tiếp tục vượt qua Tây Đức trong trận chung kết để lần duy nhất cho đến nay lên ngôi vô địch thế giới. Tiền đạo Geoff Hurst của “tam sư” đã đi vào lịch sử khi là cầu thủ duy nhất lập một hattrick trong trận chung kết, trong đó bàn thắng nâng tỉ số lên 3-2 là một trong những bàn thắng gây tranh cãi nhất lịch sử. Người xuất sắc nhất World Cup 66 và góp công lớn vào chiếc cúp vô địch của “tam sư” là huyền thoại của Old Trafford, Bobby Charlton.

 

World Cup Mexico 1970: “Nữ thần vàng” vĩnh viễn thuộc về người Brazil

 

Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1970 được đánh giá là kỳ World Cup hay nhất từ trước đến nay với rất nhiều trận đấu đã đi vào lịch sử. Trận chung kết chứng kiến sự đụng độ của hai nền bóng đá mạnh nhất thế giới, hai hệ thống tư tưởng bóng đá đối lập nhau hoàn toàn. Brazil là biểu tượng cho lối chơi tấn công đầy ngẫu hứng với “thế hệ vàng” Pele, Jairzinho, Gerson, Carlos Alberto. Trong khi đó Italia đại diện cho lối chơi khoa học, thực dụng với bức tường phòng ngự huyền thoại Catenacico mà hạt nhân là huyền thoại Giacinto Facchetti.

 

Mexico 70 là của những người yêu bóng đá đẹp và lối chơi tấn công quyến rũ của Pele và Brazil. Selecao bước lên đỉnh vinh quang lần thứ 3 và vĩnh viễn đoạt cup “nữ thần chiến thắng”  sau khi “vùi dập” Italia trong trận chung kết. Pele mở tỉ số của trận đấu còn đội trưởng Carlos Alberto ấn định tỉ số 4-1 bằng một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử thế kỉ. Một cái kết ngọt ngào cho lần tham dự World Cup cuối cùng “vua bóng đá” Pele, giải đấu này cũng đánh dấu sự xuất hiện của “kẻ dội bom vĩ đại” Gerd Muller vua phá lưới Mexico 70, người giành ngôi vua phá lưới với 10 bàn thắng.

 
 
Kỳ 2: Lịch sử World Cup (từ 1966 đến 1986) - 2

Sau World Cup 1970, Pele đã thực sự trở thành ông vua của bóng đá

 

World Cup Tây Đức 1974: Sau “vua” là “hoàng đế”

 

Tại Mexico đã chứng kiến cặp đấu kinh điển Brazil và Italia trong trận chung kết thì ở Tây Đức 4 năm sau đó cũng có một cuộc đụng độ “kinh thiên động địa” trong trận đấu cuối cùng. Trận chiến giữa bóng đá tổng lực trứ danh của Hà Lan và lối chơi khoa học Đức, cuộc đối đầu của “thánh” Johan Cruyff và “hoàng đế” Beckenbauer.

 

Khác với Mexico 70, World Cup 1974 chứng kiến sự lên ngôi của bóng đá thực dụng, của tinh thần Đức và của “hoàng đế” Beckenbauer, người được xem là đã khai sinh ra vị trí libero trong bóng đá. Mặc dù để cho Hà Lan mở tỉ số từ rất sớm nhờ công của Johan Neeskens nhưng Paul Breitner, Gerd Muller đã kịp thời nổ súng đem chiếc cúp vô địch thế giới về cho “cỗ xe tăng” Đức.

 

World Cup Argentina 1978: Argentina lần đầu bước lên đỉnh thế giới

 

Ảnh hưởng của việc thiếu vắng linh hồn Johan Cruyff, “thế hệ vàng” của bóng đá Hà Lan một lần nữa lỡ hẹn với chiếc cúp vô địch khi bị Argentina vượt qua trong trận chung kết với tỉ số 3-1. Mario Kempes đã có một kỳ World Cup rực sáng, “El Matador” chính là cầu thủ xuất sắc nhất, đồng thời là vua phá lưới (6 bàn), quả không sai nếu nói rằng chính “El Matador” đã đưa Argentina lên bản đồ bóng đá thế giới.

 

World Cup Tây Ban Nha 1982: Scandal bán độ, Paolo Rossi, Italia và chức vô địch thế giới

 
 
Kỳ 2: Lịch sử World Cup (từ 1966 đến 1986) - 3

Paolo Rossi và Italia lên ngồi trong sự ngỡ ngàng của tất cả

 

Italia vừa trải qua những năm tháng đen tối nhất lịch sử khi scandal bán độ bị phanh phui, Paolo Rossi vừa trở lại sau 2 năm bị treo giò vì bán độ. Có lẽ sẽ không ai nghĩ đến chuyện Rossi sẽ là vua phá lưới còn Azzurri sẽ vô địch thế giới trước khi giải đấu diễn ra. Sau vòng bảng, câu chuyện đó nếu nói ra chẳng khác gì một câu nói đùa, Italia “lết” qua vòng bảng một cách may mắn với 3 trận hòa, còn tiền đạo Paolo Rossi thậm chí còn chưa ghi được dù chỉ một bàn. Có lẽ cuộc chơi sẽ kết thúc ở lượt vòng bảng thứ 2, khi Italia nằm cùng bảng với ĐKVĐ Argentina với sẽ xuất hiện của “cậu bé vàng” Maradona và Brazil của Zico.

 

Argentina nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi khi thua cả hai lượt trận, Brazil và Italia bước vào trận đấu sống còn cho suất duy nhất vào bán kết. Paolo Rossi bắt đầy nổ súng, không phải 1 bàn mà là một hattrick, Italia và Rossi vượt qua Brazil với tỉ số 3-2. Lọt vào bán kết, vẫn là người hùng Rossi với cú đúp nhẹ nhàng đưa Italia vượt qua Ba Lan. Trong trận đấu cuối cùng, Paolo Rossi đóng góp bàn mở tỉ số trong chiến thắng 3-1 của Azzurri trước Tây Đức tại Bernabeu. Italia lên ngôi vô địch sau 44 năm chờ đợi, còn người hùng Paolo Rossi giành cú đúp danh hiệu vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc nhất chỉ trong 3 trận đấu cuối cùng.

 

World Cup Mexico 1986: Và chúa đã sinh ra Maradona

 

Mexico 1970 là giải đấu tôn vinh “thế hệ vàng” Brazil, khi các vũ công Samba lên ngôi vô địch thế giới một cách tuyệt đối bằng lối chơi quyến rũ bậc nhất thế giới với đầu tàu là vua bóng đá “Pele”. Đúng 16 năm sau, vẫn tại Mexico nhưng chức vô địch thuộc về những vũ công Tango hay nói đúng hơn là World Cup của riêng Maradona. Chỉ cao 1m66 nhưng “cậu bé vàng” đã buộc cả thế giới phải ngước nhìn bằng những kỹ năng xử lý bóng bậc thầy và sự khôn ngoan, lọc lõi của một cậu bé sinh ra ở khu “ổ chuột” Villa Fiorito, Buenos Aires.

 

Tất cả tài năng, sự khôn ngoan và mọi cung bậc cảm xúc đều được Maradona thể hiện ở trận tứ kết gặp ĐT Anh, trận đấu đã đi vào lịch sử chỉ vì có “số 10” của Argentina ở đó. Phút 51 của trận đấu, “thiên thần” Maradona xuất hiện và dắt bóng trong khoảng 60m, lừa qua 6 cầu thủ đối phương rồi nhẹ nhàng đưa bóng vào lưới, một kiệt tác hay đơn giản là bàn thắng đẹp nhất thế kỉ XX.

 
 
Kỳ 2: Lịch sử World Cup (từ 1966 đến 1986) - 4

Mexico 70 là của Pele và các đồng đội còn Mexico 86 là của riêng Maradona

 

Nhưng cũng chỉ 4 phút sau đó, “ác quỷ” Maradona cũng có mặt, sau pha bật tường bị đập chân hậu vệ ĐT Anh, thủ thành Peter Shilton (1m85) và Maradona (1m66) cùng nhảy lên tranh bóng, trong một tích tắc không phải ai cũng nhìn thấy, bóng từ từ lăn vào lưới. Người chiến thắng là “số 10” của Albicelestes nhờ “bàn tay của chúa và cái đầu của Maradona”.

 

Vượt qua “tam sư”, Argentina tiếp tục hạ gục “quỷ đỏ” Bỉ một cách dễ dàng nhờ 2 bàn thắng đẹp mắt của Maradona để hiên ngang bước vào trận chung kết với đội tuyển Đức của HLV Beckenbauer. World Cup 86 là của Maradona, mặc dù phải đối mặt với “cỗ xe tăng” Đức gồm 9 “hậu vệ” và tiền đạo Rummenigge, nhưng “cậu bé vàng” và các đồng đội vẫn có được chiến thắng 3-2. Albicelestes lần thứ 2 bước lên đỉnh thế giới chỉ trong vòng 8 năm, còn Maradona đã đi vào lịch sử cùng Mexico 86.

 

Ngọc Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm