Tản mạn thể thao VN:
Kỳ 1: Chuyện môn thể thao vua
(Dân trí) – Đón nhận tin Gạch Đồng Tâm-Long An và Đà Nẵng thất trận trước các đội bóng Trung Quốc trong khuôn khổ AFC Champions League, nhiều người tặc lưỡi: “Đẳng cấp ta còn thấp quá!”. Nhưng nghĩ lại, chuyện hôm nay nào phải cá biệt gì …
Đà Nẵng thua, đúng. Tiếp một đối thủ vượt trội đến từ nền bóng đá hàng đầu châu lục, lại đưa ra sân đội hình dự bị, thắng mới là khó hiểu.
Gạch thúc thủ, có gì lạ đâu. Đi làm khách, nhưng lòng dạ còn rối bời bời với cái vị trí bét bảng ở V-League; người sang Trung Quốc, hồn ở VN, đá làm sao nổi.
Mấy năm trước, các đội bóng VN có xu hướng thích về nhì ở giải trong nước, còn chiếc Cúp vô địch thì xin chuyền tay nhau. Nghe thì nực cười nhưng mà thật, chẳng ai dại tham thêm mấy đồng tiền thưởng mà khốn đốn về sau.
Nào sợ chuyện bị “đánh hội đồng”, nào lo “kiêu binh nổi loạn”, nhưng cái ngán nhất là nếu vô địch thì lại phải đi đá giải châu lục. Thắng thì khó, thua thì đã đành, nhưng mà hao tiền tốn của, nguồn kinh phí các sở TDTT kham làm sao nổi. Đi cũng dở, ở cũng không yên với AFC, cho nên thôi về nhì là thượng sách.
4 năm trước, SLNA vượt qua Nam Định phút chót để giành chức vô địch V-League (chuyện có mua chức vô địch hay không thôi tạm không bàn), nhưng sau đó lại chấp nhận nộp phạt để xin rút lui khỏi cuộc chiến châu lục. Đúng hay sai chuyện cũng đã rồi.
2 năm sau, người ta đã hy vọng không ít khi ông Đoàn Nguyên Đức thề quyết đem binh hùng tướng mạnh để đưa HA.GL ra khỏi biên giới VN. Nhưng đâu lại vào đấy, những chiến thắng vang dội trong nước là chưa đủ để đội bóng phố núi cất tiếng nói ngoài lãnh thổ VN.
5 năm làm chuyên nghiệp, chúng ta mới giật mình nhìn lại chính ta khi thấy những gì mà các đội bóng ĐNÁ như BEC Tero (Thái Lan) hay Perak (Malaysia) làm được ở các Cup châu Á. Được đầu tư hàng đống tiền của, bóng đá nước nhà đã tiến đến đâu?
Về chất lượng các giải đấu trong nước, đúng là có tăng lên đôi chút, nhưng nếu đem rút hết các ngoại binh, còn lại bao nhiêu cầu thủ trong nước có thể so sánh với “thế hệ vàng” vừa qua?
Các lò đào tạo cầu thủ trẻ có truyền thống trong nước thì đều ít nhiều lâm vào khủng hoảng. Thể Công đang vật lộn ở giải hạng nhất, Đồng Tháp đang chững lại sau sự ra đi của HLV Trần Công Minh, P.SLNA cũng khốn đốn với ấn nạn tiêu cực và chảy máu tài năng.
Có thể nói, cái mặt trái của áp lực thành tích tức thời chính là việc các CLB lơ là chuyện đào tạo cầu thủ trẻ. Thay vì đó, tuỳ vào cái hầu bao mà tậu về những “món hàng ngoại” với chất lượng và giá cả khác nhau.
Sau vài năm đầu, biết không thể hoàn toàn trông cậy được vào sức mạnh bên ngoài, vốn quá phập phù và rủi ro cao, các CLB mới quay lại với thị trường trong nước thì mới hay, “nguồn cung hàng nội” cũng đã trở nên khan hiếm từ bao giờ.
Những cầu thủ “nhàng nhàng” thì cũng ngốn mất vài trăm triệu trong ngân khố của đội, còn để có được cái gật đầu của những “ông sao”, đừng tiếc những khoản tiền tỷ.
Nửa thập kỷ chuyên nghiệp hoá, thành quả chưa nhiều, nhưng rõ ràng BĐ VN đang đứng trước một bước lùi trong công tác đào tạo và phát triển tài năng.
Cũng có lẽ vì thế mà mỗi khi có một đội bóng VN tham dự một giải tầm châu lục, những mỹ từ như “cọ xát”, “học hỏi” hay “không đặt chỉ tiêu thành tích” được nhắc đi nhắc lại như một quan niệm đã ăn sâu vào máu thịt.
Chuyện CLB là vậy, chuyện ĐTQG cũng chẳng sáng sủa gì hơn.
Bóng đá nữ VN đã mấy năm liền thống trị khu vực. Trong các giải trong nước, không năm nào không có những cầu thủ trẻ giàu tiềm năng.
Nhưng không hề thấy ai đả động gì đến những thử thách mới hoặc tiếp tục phát triển dài hạn, chứ chưa nói gì đến việc nâng bóng đá nữ VN lên tầm châu lục và thế giới.
Và đằng sau những tấm HCV khu vực, các cô gái lại trở về với mối lo cơm áo gạo tiền trong cuộc sống thường nhật, hoặc từ bỏ niềm đam mê để xuôi lái theo chồng.
Với bóng đá nam thì khác, vì sự tự ái dân tộc, thỉnh thoảng cũng có người nhắc đến những mục tiêu ngoài ĐNÁ. Mấy năm trước, Edson Dido đến VN và ngay lập tức lập ra một kế hoạch 10 năm đưa VN vào VCK World Cup, người ta chỉ cười và hy vọng ông sẽ làm được một vài việc nhỏ hơn nhưng thiết thực hơn. Quả thật, chẳng được mấy tháng, Dido ra đi, mang theo luôn cả cái kế hoạch … viễn tưởng của mình.
Nay, các nhà hoạch định bóng đá VN cũng mới công bố chiến lược phát triển bóng đá nước nhà đến năm 2020. Vẫn chưa nhắc đến 2 chữ “thế giới”, chỉ đặt mục tiêu lọt vào hàng top ở châu Á. Nếu chỉ có thế thì không sao, nhưng mà lại còn thêm một dòng: phải giữ vững một trong 3 đội bóng hàng đầu ĐNÁ.
Khổ thật, trong cái “ao làng” ĐNÁ này, khi mà chất lượng các đội bóng đang tụt dốc không phanh, việc từ chiếc HCB lại đặt mục tiêu “1 trong 3” thì có phải là một bước thụt lùi?. Không vượt qua được cái bóng của Thái Lan, e rằng đến cái đích châu Á cũng khó mà đạt được.
Với chiếc HCB ở SEA Games 18, người VN hiểu rằng đã đến lúc BĐ nước nhà có thể làm được một điều gì đó lớn lao hơn. Nhưng đã 10 năm trôi qua, “cái gì đó” vẫn chỉ là những mong ước xa xôi. Ngay cả cái mong ước thiết thực nhất là một lần “bước qua xác” Thái Lan ở một giải đấu chính thức cũng vẫn là một điều xa xỉ.
Đó là cả một nghịch lý nếu biết rằng trong khoảng 5 năm qua, nguồn tiền đổ vào bóng đá VN đã tăng lên đột biến từ những hợp đồng tài trợ, những vụ mua bán, những khoản tiền thưởng, đến thu nhập của cầu thủ và những người liên quan đến bóng đá.
Ngoài những khoản tiền phải chi trong cơ chế chuyên nghiệp, BĐ VN còn bị vướng vào vòng quay nghiệt ngã của những đồng tiền “ngoài ý muốn”. Từ những khoản tiền phải trả cho sự ngu dốt và thờ ơ (như vụ thua kiện HLV Letard), đến cái giá của bệnh thành tích (đút lót trọng tài, dàn xếp tỷ số) và cả những đồng bạc để thoả mãn lòng tham cá nhân (bán độ).
“Cái ao nhà” đã đục ngầu vẫn chưa thoát ra khỏi những vòng quay luẩn quẩn, nếu người ta không nuôi một quyết tâm thoát ra, thử hỏi đến bao giờ bóng đá VN mới ngóc đầu lên nổi?
Hồng Kỹ