K.Kiên Giang tồn tại để làm gì?
(Dân Trí) - Lần thứ 3 trong vòng chưa đến 1 tháng, K.Kiên Giang bị đòi tiền, mà mức đội khẩn thiết của lần đòi nợ sau luôn lớn hơn lần trước. Chưa chắc công văn đòi nợ mới nhất là cuối cùng, bởi cơ bản người đòi cứ đòi, còn người nợ không có tiền để trả
Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, một đội bóng “3 không” như K.Kiên Giang không nên và không đáng để tồn tại trong bóng đá đỉnh cao. Một đội bóng phải vay nợ mới có thể đá bóng như họ nếu tồn tại chỉ tạo thêm gánh nặng cho địa phương và cho chính những ai gắn bó với đội bóng miền Tây Nam bộ.
Những người đang ngồi ở các vị trí lãnh đạo của CLB K.Kiên Giang vốn là dân chuyên môn và dân kinh doanh, không phải không biết chuyện này. Như GĐĐH Trương Thanh Hồng tiết lộ ông phải đôi ba lần đem cầm cố tài sản cá nhân để kiếm tiền duy trì hoạt động cho đội bóng đấy thôi.
Tức là về lý thuyết, K.Kiên Giang còn tồn tại ngày nào thì số nợ mà đội bóng này nói chung và những con người liên quan đến đội bóng nói riêng sẽ tăng lên ngày đó. Vậy thì tại sao họ biết thế nhưng vẫn cứ muốn K.Kiên Giang tồn tại? Thậm chí lãnh đạo đội bóng từng gây áp lực với BTC V-League, VPF và VFF để đảm bảo rằng K.Kiên Giang không bị đánh rớt hạng.
Mới đây, một chuyên gia môi giới có tiếng trong làng bóng đá Việt Nam tiết lộ rằng sở dĩ K.Kiên Giang quyết giữ lại suất đá V-League, bởi trước đó đã có một anh nhà giàu thuộc khu vực miền Tây Nam bộ vốn trước đó không thể giành suất lên hạng, ngấm nghía đến việc mua suất V-League K.Kiên Giang (giống như việc V.Hải Phòng mua lại suất của K.Khánh Hòa cách nay 1 năm).
Nhưng quả thật người tính không bằng trời tính. Sau chuyện hàng loạt đội bóng giải tán hoặc dọa giải tán, bản thân những nhà điều hành bóng đá Việt Nam như VFF và VPF giờ đã quá ngán kiểu mua bán, sang tên các CLB.
Bởi, khi người ta mua một thương hiệu đội bóng dễ như mua một mớ rau, con cá ngoài chợ, khi người ta dễ dàng sang tên một CLB như sang tên một chiếc xe máy, thì người ta bỏ nó cũng dễ không kém.
Đấy là bài học mà những người điều hành bóng đá nội đã nhìn thấy thông qua Navibank SG (mua lại suất V-League từ đội QK4) và XM Xuân Thành Sài Gòn (xuất thân là Hòa Phát V&V, rồi XT Xuân Thành Hà Tĩnh). Họ là những người đến với bóng đá quá dễ và bỏ bóng đá không chút đắn đo.
Trước nữa là câu chuyện xảy ra với Thành Nghĩa Quảng Ngãi, Ngân Hàng Đông Á, rồi Tôn Hoa Sen Cần Thơ…
Thương hiệu của một đội bóng không phải là món hàng hóa đơn thuần mà người ta nói bán là bán, nói mua là mua. Bản thân VFF và VPF cũng đang đứng trước làn sóng chỉ trích quá lớn từ phía người hâm mộ, nên bản thân những người điều hành bóng đá Việt Nam hiểu rằng họ không thể dễ dãi trong chuyện này mãi.
Đấy chính là lý do mới đây VPF trong cuộc họp HĐQT của mình đã nêu cao quyết tâm không chạy theo số lượng bằng mọi giá, thậm chí còn bao nhiêu đá bấy nhiêu. Họ đưa ra những tiêu chuẩn và những quy định mạnh mẽ hơn để đảm bảo sự tồn tại của các CLB.
Trước nữa, VFF đã có quy chế một đơn vị nếu muốn mua lại suất đá V-League của một CLB, phải giữ tên CLB ấy và không được “dời đô” trong vòng ít nhất một mùa giải.
Những động thái này từ phía những người điều hành bóng đá nội có thể là rào cản kỹ thuật khiến cho nơi muốn mua suất của K.Kiên Giang nản chí, trong khi bản thân K.Kiên Giang cũng không dễ chuyển nhượng suất V-League.
Có thể những quy định và quy chế dạng này triệt tiêu những cái lợi trước mắt của một bộ phận. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng thương hiệu và niềm tự hào của mỗi CLB không phải là nơi để người ta mua bán – đổi chác.
Một đội bóng nay xuất hiện ở nơi này, mai mang tên khác và đá ở nơi khác chắc chắn cũng chẳng giúp gì cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, chắc chắn cũng khó được người hâm mộ chấp nhận!
Kim Điền