1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

“Không lấy tiền thưởng hay thu nhập để so sánh!”

Ông Đỗ Văn Phúc, cựu đội trưởng đội Thể Công hiện sống ở Berlin (Đức) đã nói vậy trong một cuộc trò chuyện với phóng viên xung quanh vụ bán độ bóng đá tại Việt Nam thời gian vừa qua.

Vụ bán độ bóng đá hiện đang gây ra sự chú ý rất lớn của cả người VN ở nước ngoài. Vậy ông bắt đầu biết tin về vụ này từ bao giờ và qua nguồn tin nào?

 

Tôi nghe tin về vụ bán độ này vài ngày sau khi đội tuyển VN từ Philippines trở về, biết qua mạng Internet.

 

Lúc đầu tôi không tin là có bán độ vì đây mới chỉ là CQĐT mời một số cầu thủ lên làm việc, mặt khác tôi nghĩ ở cấp ĐTQG thì không thể có bán độ được.

 

Vậy theo ông thì đâu là nguyên nhân của các vụ tiêu cực như vậy? Liệu tiêu cực có phải là mặt trái “ký sinh” của bóng đá chuyên nghiệp hay không?

 

Nếu nói về nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi thấy tiêu cực trong bóng đá VN chưa quá lớn như ở các ngành khác. Nhưng vì dân ta quá yêu và rất quan tâm tới bóng đá nên “quả bom” tiêu cực của bóng đá nổ to hơn bất cứ một “quả bom” tiêu cực nào ở các ngành khác.

 

Tôi thấy không hẳn là “mặt trái” của bóng đá chuyên nghiệp. “Bóng đá chuyên nghiệp” là một cụm từ chuyên môn, trong đó hai từ cuối thường được dùng để chỉ một hoạt động nào đó đã được xã hội coi là một “nghề”.

 

Mà khi đã là một nghề thì bao giờ nó cũng có “nghiệp” của nó. Vì vậy tiêu cực trong bóng đá nói riêng và trong các nghề khác nói chung thuộc về một phạm trù chung của xã hội chứ không phải tiêu cực là một đặc thù riêng của bóng đá chuyên nghiệp.

 

Thời ông còn đá, các cầu thủ có “bán độ” không?

 

Thời tôi còn đá bóng, mục tiêu lớn nhất của các cầu thủ là được đá chính thức và được cống hiến nhiều nhất cho bóng đá. Vì vậy chúng tôi phải ra sức rèn luyện về kỹ thuật và thể lực cũng như về tư cách đạo đức để được ra sân.

 

Thời đó, chúng tôi lấy sự ngợi khen của người thân, của khán giả và sự đánh giá cao của cấp trên đối với trình độ bóng đá của mình làm niềm vinh dự tối cao và làm thước đo cho sự cống hiến của mình, chứ không lấy tiền thưởng hay thu nhập để so sánh.

 

Vì sao vậy, thưa ông?

 

Cuộc đời cầu thủ của tôi gắn liền với cuộc đời quân ngũ, mỗi cầu thủ của đội Thể Công cũng là một quân nhân nên trước khi trở thành cầu thủ bóng đá chúng tôi phải học tập và rèn luyện tư cách của một anh bộ đội cụ Hồ.

 

Ngoài ra thời đó ngoài xã hội người ta chưa biết đến từ “bán độ”. Có thể là đã có “cá độ” đối với bóng đá nhưng chỉ là lẻ tẻ giữa hai người hâm mộ với nhau cho vui chứ không có “cá độ” có tổ chức như bây giờ. “Bán độ” chỉ xuất hiện khi có “cá độ có tổ chức”.

 

Với tư cách là cựu đội trưởng đội Thể Công, cựu tuyển thủ quốc gia, một cầu thủ lừng danh của những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, ông đánh giá thế nào về lớp cầu thủ trẻ hiện nay của bóng đá Việt Nam?

 

Các cầu thủ trẻ hiện nay có nhiều cơ hội để cọ sát và thể hiện mình hơn ngày trước. Trình độ kỹ, chiến thuật và thể lực cũng tiến bộ hơn rất nhiều.

 

Thế nhưng khi người ta càng chú ý đến tài năng thì dường như lại càng sao nhãng về kỷ luật và đạo đức. Đó là một khiếm khuyết của cả hai phía: lãnh đạo và cầu thủ.

 

Tôi càng vui mừng vì lớp cầu thủ trẻ ngày nay sớm trưởng thành và thành đạt bao nhiêu thì lại càng buồn bấy nhiêu về cách sống và cách suy nghĩ của họ.

 

Tất nhiên không phải tất cả các cầu thủ trẻ là như vậy nhưng những chuyện “trốn trại” ban đêm ra ngoài ăn chơi sa đọa, trác táng, rồi gây gổ ngoài xã hội v.v… thì không thể nào tưởng tượng và chấp nhận nổi.

 

Phải chăng họ đang được “nuông chiều” quá mà thiếu đi những biện pháp quản lý và giáo dục cần thiết?

 

Tuy nhiên vẫn còn những tấm gương như Tài Em và một số cầu thủ khác. Nếu không có những người như vậy thì đã chắc gì U23 Việt Nam đoạt HCB ở SEA Games vừa qua.

 

Rất tiếc là dư luận báo chí gần đây nói quá nhiều đến những Văn Quyến, Quốc Vượng v.v… và vẫn còn nói quá ít đến những tấm gương như Tài Em.

 

Theo Nguyễn Bình

Tiền phong