1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

“Không có chuyện Công Phượng bị cô lập ở Olympic Việt Nam”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của một thành viên trong ban huấn luyện đội tuyển Olympic Việt Nam, sau khi xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng tiền đạo người Nghệ An đã không thể tỏa sáng vì bị đồng đội cô lập trong trận đấu tối qua với Olympic Indonesia.

Ở đội tuyển U19 Việt Nam và CLB HA Gia Lai, Công Phượng luôn là tâm điểm, là cây săn bàn chủ lục. Anh luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của các vệ tinh, vốn cũng là những đồng đội đã từng có gần chục năm gắn bó ở học viện HA Gia Lai.

Với sự hỗ trợ ấy, thủ quân U19 Việt Nam đã có nhiều trận đấu tỏa sáng, có nhiều bàn thắng đẹp mắt, cùng lối chơi hoa mỹ, đầy ngẫu hứng.

Tuy nhiên, kể từ ngày lên tuyển Olympic Việt Nam, Công Phượng luôn lặng lẽ, ngay cả trong những buổi tập. Anh không được HLV Miura cho thể hiện nhiều và buộc phải thay đổi lối chơi phù hợp với những gì ông thầy người Nhật Bản xây dựng. Cụ thể, bất cứ cầu thủ nào cũng phải chơi đồng đội, không được ích kỷ, cá nhân. Trong lối chơi của Olympic Việt Nam, các cầu thủ cũng phải đá thật nhanh, ít chạm, hạn chế tối đa những tình huống rê dắt rườm rà không cần thiết.

Công Phượng chưa để lại ấn tượng ở trận gặp Olympic Indonesia

Công Phượng chưa để lại ấn tượng ở trận gặp Olympic Indonesia

Với cách chơi này, Công Phượng đương nhiên không có nhiều đất diễn, nhưng điều khiến nhiều người quan tâm hơn cả, là liệu anh có đang bị cô lập trên tuyển hay không?

45 phút trên sân trong trận đấu với Olympic Indonesia tối qua, Công Phượng không để lại dấu ấn đậm nét nào ngoài một vài pha đi bóng và để đối phương bắt bài. Phong độ không ấn tượng này là bởi, thủ quân U19 Việt Nam được nhận rất ít những đường chuyền của các đồng đội.

Trong đội hình U19 hay HA Gia Lai, Công Phượng thường xuyên được hỗ trợ bởi những cầu thủ từng chơi với nhau 7-8 năm trời như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Sơn…nhưng ở trên tuyển thì anh vẫn chưa tìm được “đối tác” thực sự ưng ý và sẵn sàng kiến tạo những đường chuyền đẹp để có thể tạo ra sự đột biến.

Khi Công Phượng vào sân cũng là lúc Tuấn Anh bị rút ra khỏi sân, khiến tiền đạo người Nghệ An càng gặp khó khăn. Vì thế, không ngạc nhiên khi có nhiều tình huống Công Phượng phải lui về tận sân nhà để lấy bóng. Anh thường xuyên phải đá dạt biên và thực hiện những đường chuyền cho đồng đội, thay vì thực hiện nhiệm vụ ghi bàn cho Olympic Việt Nam.

Trước biểu hiện kỳ lạ này thì nhiều người cho rằng số 10 đang bị cô lập ở đội tuyển vì sự ganh ghét, đố kỵ. Những nghi ngờ này có cơ sở, khi cuối trận đấu, người ta thấy Công Phượng rất tức giận trong một tình huống không được đồng đội chuyền bóng ở tư thế thuận lợi.

Trước những vấn đề rất nổi cộm này, một thành viên trong ban huấn luyện đội tuyển Olympic Việt Nam đã lên tiếng. Theo thành viên ban huấn luyện này, chưa bao giờ ông thấy đội tuyển Olympic Việt Nam có sự đoàn kết như hiện tại. Các cầu thủ đều còn rất trẻ và khá ngạc nhiên là họ thường xuyên giúp đỡ nhau cả trên sân lẫn ngoài đời. Với các cầu thủ, ai giành được vị trí chính thức hay suất ở lại đội tuyển Olympic Việt Nam cũng rất đáng mừng, còn người về CLB sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa trong những lần sau.

Dưới con mắt chuyên môn, theo HLV Vương Tiến Dũng, vấn đề chỉ là do các cầu thủ chưa ăn ý với nhau mà thôi. Cựu thuyền trưởng của Thể Công trước đây cho biết: “Cầu thủ nào khi không được chuyền bóng hay nhận bóng trong tư thế khó cũng sẽ phàn nàn. Với một HLV đề cao tinh thần đoàn kết và kỷ luật như ông Miura, tôi nghĩ không có chuyện Công Phượng bị cô lập ở Olympic Việt Nam”.

Cũng theo ông Dũng, việc các cầu thủ HA Gia Lai chơi quá hiểu nhau, nhưng họ sẽ bị tách ra để hòa nhập với lối chơi của Olympic Việt Nam, nên việc chưa thể hiện được hết tài năng cũng là điều dễ hiểu. Ở chiều ngược lại, các cầu thủ tuyến dưới cũng cần có thêm thời gian để hiểu cách di chuyển, nhận bóng của Công Phượng, mới có thể tung ra những đường chuyền chuẩn xác nhất.

Lê Cường