1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Khi ông trưởng giải người Nhật… chê V-League

(Dân trí) - Không còn những bản báo cáo màu hồng, cuộc họp trao đổi thông tin với báo chí mới đây của VPF chỉ thẳng những vấn nạn tồn tại ở V-League. Đấy cũng là lúc mà ông trường giải người Nhật Tanaka Koji thẳng thắn nhìn nhận những tồn đọng của giải đấu này…

Cả trưởng giải lẫn VPF liệt kê hàng loạt điều chưa chuyên nghiệp

Ông trưởng BTC giải V-League Tanaka Koji chỉ ra hàng loạt vấn đề chưa chuyên nơi làng cầu nội. Đấy là một giải đấu mà sân bãi quá tệ, không giống như sân bãi mà lẽ ra một giải đấu mang danh chuyên nghiệp phải có.

Đấy còn là giải đấu mà người tham gia cuộc chơi xem thường đồng nghiệp, xem thường khán giả với lối đá bóng đầy bạo lực, cùng những trò câu giờ thô thiển, dù nhiều khi một số màn câu giờ ấy chẳng biết để làm gì?

Có những trận đấu thuộc vào loại không còn giàu tính cạnh tranh, nhưng bạo lực thì vẫn nhan nhản, như thể đấy đã là thói quen của các cầu thủ Việt Nam, hễ cứ ra sân là đá dữ.

Trưởng BTC V-League Tanaka Koji chỉ ra hàng loạt bất cập của chính giải đấu này
Trưởng BTC V-League Tanaka Koji chỉ ra hàng loạt bất cập của chính giải đấu này

Trong khi đó, cấp trên của ông trưởng giải là VPF tiếp tục than thở về vấn nạn trọng tài (phải khẳng định trọng tài đã là vấn nạn vì chữa mãi không hết bệnh), là tiêu cực và bạo lực sân cỏ…

VPF còn chỉ ra rằng có một thực tế khác ở chỗ số lượng cầu thủ trẻ ở các giải đấu trong nước đang giảm sút. Thậm chí, với những đội bóng không có động lực rõ ràng, họ cũng không mấy khi xài cầu thủ trẻ.

Riêng vấn nạn trọng tài và bạo lực sân cỏ, dù đã có những án phạt mạnh tay, nhưng xem ra những án phạt đó vẫn chưa ăn thua. Người ta than phiền về số thẻ phạt tăng cao, nhưng kỳ thực, nếu các trọng tài xử nghiêm ngay trên sân bóng, số thẻ phạt còn cao hơn nữa.

Người ta cũng đã bàn đến câu chuyện giáo dục đạo đức cho cầu thủ, trong mục tiêu ngăn chặn bạo lực, nhưng người ta dường như không lý giải nổi vì sao có đội như Hải Phòng, 2 vòng liền đều có cầu thủ dính thẻ đỏ vì đá theo kiểu triệt hạ đối phương, dù bản thân đội bóng đất Cảng đâu thuộc diện trong vùng nguy hiểm, cũng đâu phải dạng đội đá để tranh chấp ngôi cao?

Càng muốn tiến lại càng thụt lùi

Có một thực tế khá nực cười là hơn chục năm qua, người ta đua nhau làm bóng đá chuyên nghiệp, người ta đua nhau lập nên những đội bóng được gắn với chữ chuyên. Nhưng kỳ thực là có những điều hết sức nhỏ nhặt, ngót ngét cả chục năm trời vẫn chưa được giải quyết.

Ví như câu chuyện sân bãi của các đội bóng. Hầu hết các sân bóng trong nước đều rất tệ, từ chất lượng mặt sân, khán đài cho đến khu vực vệ sinh. Đơn cử là trường hợp của CLB V.Ninh Bình, tính từ thời điểm bầu Trường mua lại đội bóng này từ Sơn Đồng Tâm Long An, rồi đá ở giải hạng Nhất 2008, V.Ninh Bình cho đến nay đã có 7 năm đá bóng chuyên nghiệp.

7 năm trời ông Trường đổ không biết bao nhiều tiền để sắm cầu thủ tỷ này tỷ nọ, nhưng cái sân Ninh Bình từ đó đến nay vẫn không được cải thiện, còn khán giả thậm chí không có nơi đi vệ sinh mỗi khi có nhu cầu.

Hay như sân Long An suốt từ thời ĐT Long An đá bóng chuyên nghiệp cách nay những 13 năm, khu vực vệ sinh của CLB này mỗi khi đá trên sân nhà vẫn cứ là nỗi ám ảnh của khán giả.

Ngay cái chuyện nhỏ nhặt nhất ấy mà người ta còn chưa giải quyết, huống hồ gì là những điều kiện to tát hơn, tốn nhiều thời gian và công sức hơn, trong việc tạo thành một CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Có lẽ không đâu mà người ta có thể hình thành một CLB chuyên nghiệp dễ như ở Việt Nam. Người ta không cần phải qua những đợt sát hạch từ năng lực tổ chức, cho đến năng lực chuyên môn, người ta cũng không cần phải chứng minh mình đủ điều kiện cơ sở vật chất để hình thành một CLB chuyên nghiệp, mà đơn giản người ta chỉ cần có tiền và chỉ cần vung tiền mau sắm một nhóm cầu thủ, mua lại suất của đội này đội kia trong một khoảng thời gian nhất định.

Để bây giờ, V-League đụng đâu cũng thấy rối. Những điều ông trưởng giải người Nhật chỉ ra về các bất cập của V-League không mới, nhưng ai sẽ là người đi dọn dẹp những bất cập ấy mới là vấn đề, hay lại thả nổi như bao năm qua vẫn thế?!

Kim Điền