1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Khi đội tuyển Việt Nam mất niềm tin vào VFF

(Dân trí) - Lãnh đạo VFF không tin vào cầu thủ, còn cầu thủ cũng không tin vào đội ngũ lãnh đạo sau nghi án tiêu cực ở đội tuyển Việt Nam (ĐTVN). Người trong cuộc đánh mất niềm tin với nhau, thì chuyện người hâm mộ bị khủng hoảng niềm tin và bóng đá quốc nội cũng là điều dễ hiểu.

Tuyên bố nghi ngờ ĐTVN có tiêu cực trong trận thua Malaysia trên sân Mỹ Đình tối 11/12 của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng làm sói mòn niềm tin của người hâm mộ và các cầu thủ.

Phản ứng có phần "nhạy cảm" này đã khiến các tuyển thủ Việt Nam rất buồn. Rất nhiều cầu thủ đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề tiêu cực.

Tiền vệ Thành Lương là người đầu tiên lên tiếng. Anh nhấn mạnh chuyện bán độ liệu các cầu thủ có được nhiều tiền? Tiền đạo Lê Công Vinh-người ghi cả hai bàn thắng cho ĐTVN trong trận thua Malaysia, cũng lên tiếng: “Thắng thua là một phần của bóng đá. Khi đã xác định theo nghiệp này chúng tôi phải chấp nhận. Nhưng bóng đá cũng là sân khấu 4 mặt không che giấu được điều gì còn khán giả sẽ là những trọng tài công tâm nhất, tôi cảm thấy không hổ thẹn với lòng sau khi đã nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình”.

Cầu thủ Việt Nam bức xúc vì bị nghi ngờ bán độ

Cầu thủ Việt Nam bức xúc vì bị nghi ngờ bán độ

Trung vệ Đinh Tiến Thành-cầu thủ đã “đốt lưới” ở bàn thua thứ 3 của ĐTVN nói trong cay đắng: “Bóng đá Việt Nam đã đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ, nên cứ sau những thất bại khó hiểu là người ta lại nghĩ đến tiêu cực. Tôi và các đồng đội đã thi đấu hết sức mình, hoàn toàn không có vấn đề tư tưởng. Tôi sẵn sàng hợp tác làm việc cùng cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc”.

Thất vọng nhất có lẽ là trung vệ Phước Tứ. Anh đã phải đưa ra lời chia tay trong hoàn cảnh có nhiều người nghi nghờ mình tiêu cực. Phước Tứ thẳng thắn chia sẻ anh cảm thấy rất tiếc vì làm việc với lãnh đạo quá kém.

“Đọc được những lời phát biểu của Chủ tịch Lê Hùng Dũng trên báo, mình cảm thấy tiếc nuối. Tiếc là mình đã làm việc với lãnh đạo quá kém. Thắng thì tung hô, thua rồi thì nói là bán độ. Cả đội đã chiến đấu hết mình. Những sai sót ở trận đấu tối 11-12 đến từ việc nhiều anh em còn trẻ, lại bị tâm lý, khiến họ không còn đủ tập trung. Nghi ngờ bán độ là một điều rất nặng nề. Tôi khẳng định mình không bao giờ làm chuyện đó”.

Việc Chủ tịch VFF đăng đàn nghi ngờ một vài cầu thủ Việt Nam bán độ và cho biết sẽ nhờ công an vào cuộc để điều tra tạo nên phản ứng mạnh trong dư luận đã tạo nên những phản ứng trái chiều trong dư luận, nhưng hầu hết đều không đồng tình với cách làm của người đứng đầu VFF.

Thứ nhất, chẳng ai cấm VFF nghi ngờ cầu thủ của mình có “vấn đề” và thay vì lặng lẽ phối hợp với cơ quan công an điều tra tránh “rút dây động rừng”, thì đã vội vàng lên tiếng nghi ngờ.

Thứ 2, VFF là đàu tàu của bóng đá Việt Nam, nhưng cách hành xử lại rất thiếu công bằng. Khi ĐTVN chiến thắng ở trận lượt đi, VFF tung hô, ca ngợi và tung tiền thưởng. Nhưng khi thất bại, ĐTVN ngay lập tức bị “dìm”, bị quy chụp tiêu cực. Chuyện tiêu cực là có tiền lệ, nhưng tuyên bố quá sớm của người đứng đầu VFF là không công bằng với cầu thủ.

HLV Lê Thụy Hải là người đầu tiên phản pháo VFF và thể hiện sự không hài lòng với những tuyên bố của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Anh là lãnh đạo, anh có quyền nghi ngờ nhưng nói gì, làm gì phải tế nhị và nghĩ đến hệ lụy. Khi một người là chủ tịch VFF, đứng đầu tổ chức quản lý bóng đá mà lên báo phát biểu như vậy thì người ta sẽ nhìn cầu thủ với ánh mắt khác. Mà ở đây không chỉ một hay hai cầu thủ bị tổn thương, bị ảnh hưởng mà là toàn thể thành viên đội tuyển. Vậy thì những người đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu cho đội tuyển ở AFF Cup giờ lại bị soi xét, hoài nghi liệu có công bằng với họ?”.

Đây không phải là lần đầu tiên VFF nghi ngờ ĐTVN có biểu hiện “bất thường” sau môt thất bại. Gần nhất, tại AFF Cup 2012, ĐTVN cũng được VFF kết luận là thi đấu “không tích cực” và có hẳn một “danh sách đen”.

Một khi lãnh đạo VFF không còn tin cầu thủ, thì cầu thủ làm sao có thể cống hiến cho ĐTQG? Hậu quả từ việc đánh mất niềm tin vào nhau, sẽ vô cùng lớn!

Hà Nguyên