Khi bóng đá Pháp không “đầu hàng” trước khủng bố
(Dân trí) - Sau trận đấu với Đức, những CĐV Pháp vẫn hát vang quốc ca bất chấp thảm họa kinh hoàng. LĐBĐ Pháp vẫn quyết tới Anh tham dự trận giao hữu dù sau lưng họ là rất nhiều những giọt nước mắt đau thương. Đó là những ví dụ cho thấy thế giới bóng đá không khuất phục trước những “bóng ma”.
Trên đường rời khỏi Stade de France, những CĐV Pháp đã hát vang bài quốc ca La Marseillaise. Chi tiết ấy cực đắt. Nó phác họa sự kiên cường của người hâm mộ trước những “bóng ma”.
Nên nhớ, chỉ trước đó vài phút, họ đã tràn ngập trong nỗi sợ hãi. Họ bước xuống sân Stade de France với hy vọng tìm được nơi an toàn trong tiếng bom. Không ít trong đó đã rơi những giọt nước mắt vì hoảng loạn, vì lo lắng cho những người thân đang ở ngoài SVĐ Stade de France.
Những gì diễn ra ở bên trong và ngoài sân SVĐ Stade de France thực sự là hai thế giới đối lập. Theo báo cáo, đã có hai vụ xả súng, một vụ nổ bom ở ngay bên ngoài SVĐ. Những nơi khác ở Paris chìm trong biển máu. Tuy nhiên, ở Stade de France, mọi việc vẫn… yên bình.
Bất chấp hai tiếng nổ ở phút 17, 19, những cầu thủ vẫn “mải mê” chơi bóng và cống hiến cho khán giả. Trên khán đài, không ít CĐV đã hô vang “Ole” để cổ vũ. Đó là thế giới bóng đá “trong sạch”, không nhuốm sắc màu chính trị, sự thù địch.
Bóng đá ra đời với tôn chỉ như vậy. Đó chỉ đơn thuần là cuộc chơi của những kẻ si mê. Lịch sử cũng từng chứng kiến những câu chuyện trái bóng tròn vượt qua mọi khuôn khổ, để thực hiện nghĩa vụ cao cả của nó.
Những người hâm mộ túc cầu không thể nào quên được trận đấu lịch sử ở chiến tranh thế giới thứ Nhất, diễn ra vào ngày Giáng sinh năm 1914. Đó là trận đấu mà nhiều người còn được biết tới với cái tên: “Buổi chiều giáng sinh ngừng bắn”.
Thời điểm ấy hai quân Anh, Đức đã đạt thỏa thuận ngừng bắn để tận hưởng ngày Giáng sinh.Cuối cùng, họ đã “vứt bỏ” sự thù địch để cùng nhau tổ chức trận đấu. “Từ những kẻ thù trở thành những người bạn” - tờ BBC đã nói về cuộc chiến “có một không hai” trong lịch sử.
Trong đoạn nhật ký của chiến sĩ Kurt Zehmisch (của binh đoàn Saxon, Đức) có viết: “Những người Anh đã mang bóng đá tới những chiến hào. Một trận đấu sôi động được tổ chức sau đó. Giáng sinh, dịp để chúng ta gửi gắm tình yêu, hai bên đã vứt bỏ sự thù địch để trở thành những người bạn của nhau”.
Khi chia sẻ về cuộc đời của mình, Dzeko từng thừa nhận thế hệ của anh… “không bình thường” bởi tất cả đều lớn lên và nuôi dưỡng tình yêu bóng đá trong lửa đạn ở cuộc nội chiến Bosnia. Theo lời kể của Dzeko, anh đã suýt bị nổ banh xác bởi trái bom trong lúc chơi bóng đá nếu như không được mẹ của mình kéo về nhà kịp thời. Sau này, bức ảnh Dzeko chơi bóng dưới những ngôi nhà đổ nát vẫn được nhắc tới khá nhiều, như biểu tượng của tinh thần thể thao.
Cũng như Dzeko, đội tuyển Iraq vẫn vươn lên mạnh mẽ bất chấp việc tiếng súng chưa bao giờ ngừng ở quốc gia này. Suy cho cùng, bóng đá luôn có sức hút mãnh liệt. Nó có thể tạo thành sức mạnh ghê gớm, vượt qua “bóng ma” như chiến tranh, khủng bố.
Bất chấp những giọt nước mắt đau thương ở quê nhà, đội tuyển Pháp vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tới Anh để thi đấu giao hữu. Đó là minh chứng cho thấy họ không đầu hàng trước những kẻ khủng bố và cũng là điều tốt nhất mà họ có thể làm cho cả dân tộc ở thời điểm này.
H.Long