1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

“HLV Miura chưa hiểu cầu thủ Việt Nam”

(Dân trí) - Hầu hết các chuyên gia trong nước, các nhà chuyên môn đều cho rằng HLV Miura chưa hiểu rõ bóng đá Việt Nam, chưa hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh của các cầu thủ, dẫn đễn việc xây dựng lối chơi thiếu phù hợp cho đội tuyển Việt Nam (ĐTVN).

Chia sẻ của cựu tiền đạo Văn Quyến trên báo chí sáng nay về ông thầy Miura, khiến nhiều người suy ngẫm. Không phải là học trò của HLV người Nhật Bản, nên Văn Quyến chẳng có gì phải e ngại với những phát biểu của mình. Cựu thần đồng bóng đá Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: “Với HLV Miura, trong nhiều ngày qua, các chuyên gia, HLV nội đã chỉ ra rất nhiều điểm yếu và khả năng thích hợp với BĐVN. Trong đó, tôi cũng đồng ý với quan điểm, ông Miura chưa có sự hiểu biết nhất định về cầu thủ và bóng đá Việt Nam”.

Theo Văn Quyến, vì sao HLV Calisto đưa Tài Em từ cầu thủ vô danh trở thành cầu thủ lớn. Ông ấy hiểu và biết Tài Em là cầu thủ như thế nào, mạnh yếu ở đâu để sử dụng. Và cái may và cái hay của ông Calisto là đã có thời gian làm việc với Tài Em ở CLB. Từ câu chuyện này đã nói lên một điều, muốn cầu thủ phát huy điểm mạnh của mình, HLV trưởng phải là người hiểu nhất về học trò.

 

Các chuyên gia trong nước đánh giá HLV Miura chưa hiểu cầu thủ Việt Nam - Ảnh: Gia Hưng
Các chuyên gia trong nước đánh giá HLV Miura chưa hiểu cầu thủ Việt Nam - Ảnh: Gia Hưng

 

Những chia sẻ của một cầu thủ từng trải như Văn Quyến là rất có cơ sở, bởi công bằng mà nói, dù làm việc ở Việt Nam hơn 1 năm nay, HLV Miura chưa có cái nhìn rõ nhất về bóng đá hình chữ S, về từng cầu thủ.

Trước khi lên tuyển, các HLV ngoại như Calisto hay Rield đều đã hiểu rất rõ lối chơi của các đội bóng V-League, điểm mạnh, điểm yếu của từng cầu thủ. Vì thế, khi dẫn dắt ĐTVN hay U23, lối chơi được định hình rất nhanh và rõ nét, bởi HLV trưởng chỉ phải lắp ráp đội hình sao cho phù hợp nhất với từng trận đấu cụ thể.

Còn với HLV Miura, ông thầy người Nhật Bản dường như vẫn loay hoay chưa biết xây dựng lối chơi nào là phù hợp với ĐTVN. Đành rằng gặp các đối thủ khác nhau ĐTVN sẽ chơi kiểu khác nhau, nhưng nền tảng thì phải có sự ổn định. Hãy nhìn sang Thái Lan, nhiều năm qua đội bóng này chơi với phong cách gần như không có gì thay đổi. Và điều đáng nói hơn cả là lối chơi của ĐTQG hay U23, cũng không khác nhiều so với lối chơi của các CLB tại Thai-League.

Xây dựng lối chơi mang tính bản sắc và truyền thống cần nhiều thời gian và có sự kiên định. Tuy nhiên, hãy nhìn bóng đá Việt Nam thay HLV trưởng như thay áo và mỗi HLV mới lại đến từ một nền bóng đá khác nhau, có phong cách huấn luyện khác nhau.

Thực tế, VFF sớm nhận ra những hạn chế của HLV Miura khi sang Việt Nam làm việc. Ông thầy người Nhật Bản này lần đầu tiên được dẫn dắt một ĐTQG và điều này khác rất nhiều với việc dẫn dắt một CLB.

Vì thế, HLV Miura đã được VFF hỗ trợ cho cả một ban chuyên môn, lên danh sách vài chục cầu thủ để lựa chọn. VFF cũng tạo điều kiện tối đa để HLV Miura đi tới các sân xem cầu thủ thi đấu.

Nhưng trớ trêu thay, V-League với những “trận giả, trận thật” khiến HLV cũng chẳng biết đâu mà lường. Vì thế mới có chuyện ông Miura đã bỏ qua khá nhiều cầu thủ được đánh giá cao, để gọi lên tuyển những cầu thủ dự bị hay đã hết thời, trường hợp cầu thủ Khánh Lâm của Hải Phòng đã ngoài 30 tuổi là một ví dụ điển hình.

Theo cựu tiền đạo Văn Quyến, HLV Miura chưa sẵn sàng hoặc không có sự trợ giúp nhất định của các cộng sự và cả bộ phận làm chuyên môn ở VFF. Nếu như HLV Miura tìm hiểu và có sự chia sẻ về khả năng của các cầu thủ chơi tốt ở đâu, rồi nhiều cầu thủ vô danh vốn chỉ là dự bị của dự ở CLB chắc chắn ông ấy sẽ có những sự lựa chọn tốt hơn.

Để hiểu về bóng đá Việt Nam, về từng cầu thủ là cả một câu chuyện dài. Như vậy, HLV Miura không phải là người có lỗi duy nhất sau thất bại của ĐTVN, mà đó chính là cách làm không giống ai của VFF.

Thạch Lâm