DNews

HLV Đoàn Kiến Quốc: "Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á"

Thế Nam

(Dân trí) - Đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Thái Lan từ ngày 19/11 đến 24/11, với mục tiêu giành Huy chương vàng ở một số nội dung.

HLV Đoàn Kiến Quốc: "Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á"

Những ngày vừa qua, đội tuyển bóng bàn Việt Nam gồm 4 huấn luyện viên (HLV) và 10 vận động viên (VĐV) đã tích cực tập luyện để chuẩn bị cho giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) vào tuần tới.

Đây là giải đấu nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ, khi quy tụ đủ các đội tuyển bóng bàn mạnh trong khu vực Đông Nam Á để cạnh tranh Huy chương vàng (HCV) ở 7 nội dung, gồm đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đơn nam và đơn nữ.

Nhận trọng trách lớn giúp đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành HCV ở giải đấu này là HLV Đoàn Kiến Quốc (người từng có hai lần liên tiếp tham dự Olympic vào năm 2004 và 2008) cùng với các cộng sự là Đinh Quang Linh, Trần Tuấn Quỳnh và Vũ Văn Trung.

HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 1

HLV Đoàn Kiến Quốc kỳ vọng đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ giành HCV ở giải vô địch Đông Nam Á 2024 (Ảnh: Thành Đông).

Trong khi đó các VĐV của đội tuyển bóng bàn Việt Nam là những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Đức Tuân, Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, Mai Hoàng Mỹ Trang...

Trước thềm giải đấu, HLV Đoàn Kiến Quốc đã dành cho Dân trí những chia sẻ về mục tiêu giành HCV cũng như kỳ vọng sự phát triển của bóng bàn Việt Nam trong tương lai.

Tham vọng lớn ở sân chơi Đông Nam Á

Đã một thời gian dài tuyển bóng bàn Việt Nam mới được triệu tập trở lại để thi đấu ở một giải đấu lớn như ở Bangkok (Thái Lan) tới đây, mục tiêu của ông và các học trò là gì?

- Mục tiêu của ban huấn luyện đội tuyển là cố gắng đạt được ít nhất một đến ba tấm HCV. Giải vô địch Đông Nam Á 2024 sắp diễn ra có sự tham dự đầy đủ các đội tuyển bóng bàn mạnh trong khu vực, trong đó phải kể tên là Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Như Singapore có VĐV Quek Izaac nằm trong top 100 thế giới và từng đánh bại tay vợt số một Nguyễn Anh Tú của chúng ta tại SEA Games 32 vừa qua, còn Thái Lan mới đây còn nhập tịch VĐV cho đội tuyển bóng bàn. Nên nhớ đội tuyển bóng bàn nữ Thái Lan hiện không chỉ mạnh ở khu vực châu Á mà còn cả trên thế giới.

Còn về Malaysia, trước đây tuyển bóng bàn của họ bị đánh giá yếu hơn chúng ta nhưng giờ đây họ có sự tiến bộ rõ rệt. Những kỳ SEA Games trước thì Malaysia thua hẳn chúng ta, nhưng hai kỳ SEA Games gần đây họ không kém cạnh gì chúng ta, đặc biệt là ở nội dung đồng đội.

Vì vậy đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn tại giải đấu này. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn tự tin đội tuyển của chúng ta sẽ "có vàng" ở giải đấu này.

Theo ông những VĐV nào của Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương giải đấu tới đây?

- Cá nhân tôi thì tôi đặt niềm tin vào tất cả VĐV của mình. Tuyển bóng bàn Việt Nam đủ sức giành HCV ở tất cả nội dung mà mình tham dự nếu thi đấu đúng phong độ. VĐV nào trong đội tuyển của chúng tôi cũng đều có thế mạnh và sở trường riêng và nếu phát huy tốt thì họ đều có thể giành được kết quả khả quan.

HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 2
HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 3
HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 4

Dù vậy tôi hơi tiếc với trường hợp của VĐV Trần Mai Ngọc khi em ấy bất ngờ gặp chấn thương trong quá trình tập luyện và nhiều khả năng không thể cùng đội tuyển lên đường tham dự giải đấu. Mai Ngọc từng cùng Đinh Anh Hoàng vô địch nội dung đôi nam nữ tại SEA Games 32.

Ở giải vô địch bóng bàn các CLB mạnh toàn quốc vừa qua, Mai Ngọc cũng thi đấu hết sức xuất sắc khi cùng Kiều My giành HCV đôi nữ và Huy chương bạc (HCB) ở nội dung đơn nữ. Việc thiếu vắng Mai Ngọc là một trường hợp rất đáng tiếc, buộc chúng tôi phải có sự điều chỉnh về nhân sự không mong muốn.

Ngược lại tôi cũng rất vui khi đội tuyển có sự trở lại của VĐV Nguyễn Đức Tuân sau thời gian cậu ấy gặp chấn thương. Các cá nhân khác như Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, Mai Hoàng Mỹ Trang cũng đều đang có phong độ tốt. Tất cả các VĐV đều khát khao và nỗ lực giành chiến thắng ở giải đấu tới đây.

Bóng bàn Việt Nam được xem là môn thể thao quốc dân và ngày càng có số lượng người chơi đông đảo. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có tên trên bản đồ bóng bàn thế giới, ông có đồng tình quan điểm này và theo ông lý do tại sao?

- Thật sự bóng bàn ở nước ta số lượng người chơi tương đối đông, phong trào phát triển tương đối mạnh nhưng để có tên trên bản đồ thế giới thực sự là rất khó. Những nền bóng bàn mạnh ở châu Á có thể kể tên là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản và họ đã trải qua một quá trình đầu tư vừa bài bản vừa lâu dài, trở thành một hệ thống mang tính khoa học.

Họ không chỉ mạnh ở khu vực châu Á mà còn là hàng đầu của thế giới. Trình độ của bóng bàn Việt Nam để bắt kịp thế giới vẫn còn một khoảng cách rất là xa, nên để có tên trên bản đồ thế giới thì tôi nghĩ hiện tại đang rất khó, chúng ta vẫn chưa đủ trình độ để có thể so sánh.

Lý do tại sao chúng ta kém so với các nước khác chủ yếu là ở sự đầu tư của Nhà nước với môn bóng bàn vẫn đang còn ít, chưa thực sự xem bóng bàn là một môn thể thao thế mạnh, mang tính trọng điểm và cần được đầu tư lâu dài. 

Có thể thấy những VĐV xuất sắc được tuyển chọn cho đội tuyển quốc gia vẫn còn ít, thậm chí nhiều gương mặt VĐV đã quá quen thuộc trong nhiều năm cho thấy sự thiếu hụt về lứa kế cận.

HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 5

Khoảnh khắc Trần Mai Ngọc - Đinh Anh Hoàng lần đầu tiên giành HCV đôi nam nữ SEA Games 32 sau 26 năm (Ảnh: Mạnh Quân).

Đầu tư cho các VĐV ở các môn thể thao nói chung và với môn bóng bàn nói riêng luôn đòi hỏi một quá trình lâu dài, có thể là 5 năm, có thể là 10 năm hoặc lâu hơn nữa thì mới có thể mong gặt hái thành quả.

Các VĐV bóng bàn muốn có thể cạnh tranh với thế giới thì họ phải được thi đấu cọ xát ở quốc tế, chứ chỉ tập huấn và cọ xát trong nước thì sẽ không biết mình là ai, đẳng cấp của mình đang ở đâu.

Nhìn sang bóng bàn Thái Lan, họ trước đây trình độ và đẳng cấp cũng chỉ ngang tầm với Việt Nam nhưng nhờ chính sách đào tạo bài bản, lâu dài, đội tuyển bóng bàn nữ của họ giờ đây đã lọt top 10 đến 20 thế giới.

Các vận động viên cần được đầu tư và thi đấu quốc tế nhiều hơn

Dù vậy, những năm gần đây bóng bàn Việt Nam liên tiếp giành được những tấm HCV quý giá ở đấu trường SEA Games, cụ thể là tấm HCV của Nguyễn Đức Tuân ở nội dung đơn nam SEA Games 31 và sau đó là HCV nội dung đôi nam nữ của Mai Ngọc và Đinh Anh Hoàng ở SEA Games 32, Phải chăng đó là những tín hiệu tích cực cho bóng bàn Việt Nam lúc này?

- So với thế giới thì chúng ta chưa đủ tầm, nhưng so với khu vực Đông Nam Á thì bóng bàn Việt Nam không thua kém ai. Bằng chứng là chúng ta thi đấu tốt và giành được nhiều HCV ở các kỳ SEA Games. Nền bóng bàn của Việt Nam nếu so sánh về tương quan tổng thể thì ngang ngửa với Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Nhưng về cá nhân con người thì một số VĐV của các nước bạn tốt hơn nhiều bởi họ được đầu tư tốt hơn, họ thường xuyên được thi đấu ở các giải WTT (giải bóng bàn chuyên nghiệp thế giới) để nâng cao trình độ kỹ thuật, qua đó có sự thăng tiến rõ rệt trên bảng xếp hạng thế giới.

Ngược lại hạn chế của bóng bàn Việt Nam là các VĐV của chúng ta ít được đi thi đấu quốc tế để cọ xát, học hỏi và nâng cao trình độ chuyên môn. Theo tôi được biết thì các VĐV Thái Lan, Singaporte trung bình mỗi tháng họ tham dự từ 2 đến 3 giải WTT, đó thực sự là mơ ước của các VĐV Việt Nam.

Chúng ta phải hiểu là tập luyện chỉ là một phần, mà quan trọng không kém là VĐV bóng bàn rất cần được đi thi đấu quốc tế. Chỉ có bước ra những đấu trường lớn thì chúng ta mới vỡ ra được nhiều điều, học hỏi thêm được nhiều điều, nhận ra được điểm yếu và điểm mạnh của mình để sau đó tiếp tục tập luyện, khắc phục những thiếu sót của bản thân và phát huy tốt hơn thế mạnh của mình cho các giải đấu tiếp theo.

HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 6

HLV Đoàn Kiến Quốc (ngoài cùng bên phải) trong lần tập trung đội tuyển chuẩn bị tranh suất dự Olympic Paris 2024 (Ảnh: Thành Đông).

Đặc biệt khi thi đấu quốc tế thì một yếu tố rất quan trọng là tâm lý, bản lĩnh của VĐV sẽ được cải thiện rất nhiều. Với bóng bàn thì tâm lý rất quan trọng, những người có tâm lý vững vàng, tự tin thì luôn giành được kết quả tốt hơn so với đối thủ.

Để tiếp tục giành được những danh hiệu ở đấu trường quốc tế, theo ông Việt Nam cần phải có chiến lược đào tạo và thi đấu gì để theo kịp sự phát triển của bóng bàn thế giới?

- Không phải nhìn đâu xa, cứ học hỏi Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc ở khu vực châu Á thì chúng ta sẽ rút ra được nhiều điều. Với cá nhân tôi thì tôi nghĩ bóng bàn Việt Nam muốn phát triển thì cần phải xây dựng nó như là một môn học bắt buộc ở trường học.

Học sinh được tiếp xúc với bóng bàn từ nhỏ sẽ giúp Việt Nam xây dựng được một nền tảng con người vững chắc ngay từ đầu. Càng đông người chơi bóng bàn thì chúng ta càng có thêm nhiều nhân tố để lựa chọn.

Được biết trong lịch sử ông là VĐV duy nhất của Việt Nam từng có hai lần tham dự Olympic. Trải nghiệm đáng nhớ của ông ở những giải đấu đó là gì?

- Olympic rõ ràng là một đấu trường lớn nhất thế giới và không dễ gì để giành được suất tham dự giải đấu này. Để có được suất dự Olympic thì các VĐV phải cạnh tranh gắt gao ngay từ vòng loại. Chính vì vậy tôi cảm thấy rất tự hào khi đã có hai lần giành được suất tham dự Olympic, một lần vào năm 2004 và một lần vào năm 2008.

Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc không chỉ vì mình đủ điều kiện dự Olympic mà còn vì giúp bóng bàn Việt Nam ít nhiều tạo được dấu mốc đáng nhớ nói trên.

Nói về kỷ niệm ở các giải đấu đó thì thực sự khi dự Olympic lần đầu tiên vào năm 2004, tôi vẫn còn mang tâm lý hồi hộp và bỡ ngỡ. Thi đấu tại Olympic khác xa thi đấu ở SEA Games, Asiad bởi nó quy tụ các VĐV giỏi nhất của các nước trên thế giới. Năm 2004 tôi để thua chóng vánh ngay từ vòng đầu tiên.

HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 7
HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 8

Nhưng ở lần thứ hai tại Olympic Bắc Kinh 2008, tôi đã có sự tự tin hơn để giành được hai chiến thắng trước các VĐV mạnh của thế giới. Ở trận đầu tiên thì tôi thắng VĐV người Australia, David Zalcberg với tỷ số 4-0 và tiếp đó thắng VĐV rất mạnh người Pháp, Christophe Legout với tỷ số 4-2.

Có thể nói chiến thắng trước tay vợt người Pháp được xem là trận đấu hay nhất trong sự nghiệp bóng bàn của tôi, bởi Christophe Legout từng xếp hạng 17 thế giới, còn tôi khi đó đang xếp hạng 365 thế giới.

Nhưng đến vòng 3 thì tôi để thua tay vợt người Nga Alexei Smirnov, tay vợt hạng 29 thế giới tại thời điểm đó, với tỷ số 1-4. Dù sao thì những trận đấu đó cũng đã giúp tôi ghi dấu ấn với bóng bàn thế giới và tôi rất vui vì điều này.

Từ vai trò của một cựu VĐV và giờ đây nhận trọng trách làm HLV trưởng đội tuyển bóng bàn, ông sẽ truyền đạt những kỹ năng gì cần thiết cho các VĐV của Việt Nam hiện tại?

- Là VĐV hay HLV thì áp lực và trách nhiệm của chúng tôi đều lớn. Nhưng vì đã từng là VĐV nên khi giữ vai trò của HLV thì tôi hiểu được cảm giác thi đấu của họ sẽ như thế nào, thời điểm nào cần giúp các VĐV thay đổi chiến thuật, cải thiện tâm lý. Bản thân tôi sẽ nắm bắt được kỹ thuật và tâm lý của VĐV nhanh hơn.

Ngược lại vì tôi cũng đã từng là VĐV nên các học trò sẽ có sự tin tưởng, dễ dàng trao đổi về mặt chuyên môn. 

Như ông nói thì các môn thể thao nói chung và bóng bàn nói riêng rất cần tăng cường việc thi đấu ở các giải đấu quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn. Vậy vì sao bóng bàn Việt Nam vẫn còn hạn chế ở điều này?

- Với bóng bàn thì có rất nhiều giải WTT để các VĐV Việt Nam tham gia. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề kinh phí cho các VĐV đi thi đấu, bởi chi phí rất đắt đỏ. Chỉ tính riêng một giải WTT ở khu vực Đông Nam Á thì VĐV tiêu tốn khoảng 2.000 USD (tương đương 50 triệu đồng), gồm chi phí ăn ở, máy bay đi lại.

Còn tham dự ở các giải WTT ở châu Á hoặc châu Âu thì tốn kém hơn rất nhiều. Và chúng ta phải hiểu bỏ ra từng đó số tiền nhưng nhiều khi VĐV chỉ đánh được một trận, nếu thua là xách vali về nước luôn.

HLV Đoàn Kiến Quốc: Bóng bàn Việt Nam quyết giành HCV ở giải Đông Nam Á - 9

HLV Đoàn Kiến Quốc kỳ vọng các VĐV hàng đầu của Việt Nam sẽ được đầu tư để tham dự nhiều giải WTT trong thời gian tới (Ảnh: Thành Đông).

Nếu làm bài toán kinh tế, VĐV một năm đánh khoảng 10 giải WTT thì chi phí bỏ ra rất lớn, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước hoặc các doanh nghiệp thì không VĐV nào đủ điều kiện tham dự.

Tôi mong bóng bàn sẽ được xã hội hóa tốt hơn để nhiều VĐV Việt Nam được tham dự các giải WTT trong thời gian tới, như vậy thì bóng bàn Việt Nam mới có thể phát triển mạnh hơn và khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ thế giới.

Ông đặt những kỳ vọng gì để bóng bàn Việt Nam có thể phát triển và nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong thời gian tới?

- Tôi hy vọng bóng bàn Việt Nam ngày được đầu tư nhiều hơn, được sự quan tâm của Nhà nước và các doanh nghiệp cho các đội tuyển quốc gia cũng như các đội tuyển ở địa phương. Chúng ta cần có một lộ trình đầu tư lâu dài, bài bản và khoa học. Khi đó thì ở SEA Games, Asiad hay thậm chí ở Olympic, bóng bàn Việt Nam mới có thể tỏa sáng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

HLV Đoàn Kiến Quốc sinh năm 1979, ông được xem là tượng đài của bóng bàn Việt Nam khi từng nắm giữ thứ hạng 171 của thế giới và là tay vợt Việt Nam duy nhất có hai lần liên tiếp được góp mặt ở Olympic vào năm 2004 và 2008.

Ông từng giành HCB ở nội dung đồng đội tại SEA Games 24. 4 năm sau, tại SEA Games 25 ở Lào, ông đã xuất sắc giành được tấm HCV đầu tiên tại một kỳ SEA Games khi cùng với người đồng đội Đinh Quang Linh vượt qua cặp đôi người Singapore, Gao Ning và Yang Zi ở trận chung kết nội dung đôi nam.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng bàn Việt Nam có HCV ở nội dung đôi nam. Ở SEA Games 27, dù được mời tham dự nhưng ông Đoàn Kiến Quốc từ chối vì muốn nhường cơ hội cho các VĐV trẻ.

Năm 2019, ông Đoàn Kiến Quốc được mời làm trợ lý HLV cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam và năm 2024 anh chính thức trở thành HLV trưởng của đội tuyển quốc gia.