DMagazine

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt

(Dân trí) - Ý chí bền bỉ từ thể thao là đòn bẩy giúp các tuyển thủ Việt mạnh mẽ chinh phục huy chương và để lại những dấu ấn nổi bật tại SEA Games 32.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 1

Là một trong những vận động viên tiêu biểu của điền kinh Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, Nguyễn Thị Oanh đã nhiều lần mang về cho thể thao Việt Nam những tấm huy chương vàng SEA Games cũng như ở đấu trường châu Á.

Là môn thể thao có nhiều vất vả cho phái nữ, thường xuyên thi đấu ở cự ly dài nên để có được thành công hôm nay, đó là nhờ sự bền bỉ và hành trình khổ luyện của "cô bé hạt tiêu".

Dõi theo SEA Games 32, người hâm mộ không khỏi xúc động khi chứng kiến hành trình nỗ lực lập thành tích "vàng" của Oanh.

Việc lịch thi đấu thay đổi bất ngờ khiến hai nội dung chỉ cách nhau 20 phút đã không làm khó, mà còn trở thành động lực thúc đẩy Oanh chinh phục giới hạn mới để giành chiến thắng.

Oanh cho biết, từ cuối năm lớp 9, cô bắt đầu tham gia tập luyện, thi đấu tại một số giải chạy cấp huyện, cấp tỉnh và được tuyển chọn vào trường năng khiếu thể thao Bắc Giang. Tuy nhiên, có tố chất thôi chưa đủ, bởi áp lực và cường độ luyện tập ở môn điền kinh đòi hỏi vận động viên phải bền bỉ chinh phục và kiên trì hướng đến mục tiêu đã đề ra.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 3

"Khó khăn thứ nhất là hạn chế về hình thể, khó khăn thứ hai là thay đổi môi trường sinh hoạt nên có những bài tập khiến mình cảm thấy mệt mỏi", Oanh trải lòng.

Trước vẻ đẹp thể thao Oanh phô diễn trên đường đua, người hâm mộ có lẽ vẫn không quên cột mốc năm 2014 khi Oanh được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận nên đành tạm rời xa đường chạy để tập trung điều trị bệnh một thời gian dài. Nhưng điều đó không làm cô nản chí mà từ bỏ môn thể thao yêu thích. Cô vẫn theo đuổi con đường vận động viên chuyên nghiệp để thỏa mãn niềm đam mê, tự rèn giũa cho mình khả năng vượt giới hạn của bản thân để khắc phục những kỹ năng còn yếu. 

Có thể nói, điền kinh đã cùng Oanh lớn lên, học hỏi và trưởng thành. "Thể thao đã mang lại cho mình một ý chí, tinh thần bền bỉ, sự cứng cỏi, bản lĩnh từ quá trình rèn luyện. Đây là hành trang đồng hành cùng mình để chuẩn bị cho các nhiệm vụ, mục tiêu tại các giải đấu sắp tới", Oanh chia sẻ. 

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 5
Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 7

Nguyễn Huy Hoàng là kình ngư trẻ đã gặt hái nhiều thành tích nổi bật nhưng ít ai biết tuổi thơ của anh gắn liền với dòng sông Gianh trước nhà.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 9

Vì được sinh ra ở miền sông nước, Hoàng sớm bơi lội thành thục hơn các bạn đồng trang lứa không chỉ để sinh tồn qua mùa lũ, mà còn đi lặn vớt rong rêu phụ giúp gia đình kiếm sống. Với khả năng bơi lội vượt trội của mình, anh đã lọt vào "mắt xanh" của các huấn luyện viên trong một đợt tuyển quân.

Anh nhớ lại, bản thân tập luyện đến mức say mê dù mới 11 tuổi. Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để tạo nên tên tuổi của chàng tuyển thủ trong làng bơi lội. Tại thời điểm đó, xa vòng tay gia đình là thách thức đầu tiên khi anh bắt đầu hành trình mới. Thế nhưng anh cho rằng, bản thân cảm thấy rất may mắn khi luôn được bố mẹ ủng hộ đi theo con đường bơi lội và bên cạnh động viên anh những lúc nản lòng. 

Chưa kể do thể hình thấp bé và sải tay hạn chế, anh phải nỗ lực tập luyện nhiều hơn để theo kịp các bạn. "Mình nghĩ tập luyện thể thao để đạt thành tích cao là một quá trình dài hạn nhưng có chí thì nên, người nào có ý chí kiên định và kiên trì vượt khó ắt sẽ thành công, chạm đến đỉnh vinh quang", Hoàng chia sẻ.

Từ tấm huy chương vàng năm 11 tuổi tại giải bơi lội Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình đến bảng thành tích ấn tượng trên nhiều đấu trường quốc tế như SEA Games 2017, 2019; ASIAD 2018, Olympic trẻ 2018 và cú đúp "vàng" tại SEA Games 32 mới đây, là phần thưởng xứng đáng với chàng kình ngư trẻ đã bền chí vượt nghịch cảnh bơi ra tận biển lớn.

Hoàng cho biết, nỗ lực vượt nghịch cảnh để theo đuổi đam mê là bài học quý giá anh rút ra từ thể thao. Bơi lội không chỉ giúp chàng kình ngư rèn luyện thể lực, sự dẻo dai dưới nước và duy trì sức bền mà còn tiếp sức mạnh tinh thần.

Có thể thấy, hành trình đạt đỉnh cao trong sự nghiệp bơi lội không thể thiếu ý chí bền bỉ - động lực để Hoàng từng bước thăng hạng thành tích trong sự nghiệp, trở thành tuyển thủ quốc gia đạt nhiều thành tích xuất sắc cho thể thao Việt Nam.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 12
Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 13

Nếu Nguyễn Thị Oanh là "nữ hoàng điền kinh" của Việt Nam, Nguyễn Huy Hoàng là kình ngư "vàng" của Việt Nam thì ở môn võ Taekwondo, không thể không nhắc đến Châu Tuyết Vân - nhà vô địch Taekwondo thế giới.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Châu Tuyết Vân nhiều lần vô địch thế giới, châu Á và gần đây nhất cô đã bảo vệ thành công huy chương vàng thứ 6 liên tiếp tại SEA Games. Đây là thành tích khiến người hâm mộ xúc động bởi ý chí bền bỉ và quyết tâm của cô suốt hơn hai thập kỷ theo đuổi Taekwondo.

Vân cho hay, do thể trạng yếu từ nhỏ nên gia đình tạo điều kiện cho cô học võ từ năm 7 tuổi để cải thiện sức khỏe. Tình cờ bén duyên với bộ môn này, qua những buổi tập và các giải đấu thành phố, cô dần cảm thấy yêu thích và mong muốn gắn bó lâu dài để chinh phục những tấm huy chương cũng như vươn xa trên đấu trường quốc tế.

Châu Tuyết Vân nhớ lại khoảng thời gian nhiều áp lực nhất khi cô được chọn vào đội tuyển quốc gia và đây cũng là thời điểm thi tốt nghiệp cấp 3. Bản thân vừa phải hoàn thành việc học trên trường, vừa phải đảm bảo thời gian tập luyện ở đội tuyển nhưng dù vậy, niềm đam mê vẫn luôn thôi thúc cô nỗ lực tập luyện nhiều hơn các đồng đội khác.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 15

Trải lòng về những chấn thương nghiêm trọng trong sự nghiệp, cô cho biết: "Tôi đã từng bị lật cổ chân khi tham dự tập huấn ở Hàn Quốc để chuẩn bị cho giải Đại hội châu Á. Theo nhận định ban đầu phải mất đến hơn 2 tháng để phục hồi nhưng tiếp tục kiên trì vượt qua khó khăn là điều duy nhất tôi có thể làm trong giai đoạn đó". 

Châu Tuyết Vân cho biết, cô đã quấn băng cố định cổ chân để tiếp tục tập luyện và thi đấu. Và trái ngọt đã dành cho người "có chí thì nên", cô đã thành công đứng trên bục huy chương cao nhất của đại hội.

Chính những mặt tích cực mà võ thuật mang lại cho Vân như sự điềm tĩnh, bền bỉ chinh phục thành tích đã giúp cô kiên định với đam mê dù thăng trầm trong 25 năm qua có đôi lúc khiến bản thân muốn bỏ cuộc. "Hoa khôi làng võ" quyết tâm chứng tỏ với ý chí có được từ thể thao, cô đã vượt qua rào cản ở bất kỳ giai đoạn nào để thành công theo đuổi đam mê. 

Hơn cả những tấm huy chương, hình ảnh đẹp trên sân đấu cùng nghị lực của cô gái nhỏ bé với Taekwondo Việt Nam chắc chắn sẽ được người hâm mộ thể thao nước nhà nhớ mãi.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 17
Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 19

"Khủng long" bóng chuyền Trần Thị Thanh Thúy là tấm gương nỗ lực của thể thao Việt Nam, phấn đấu chứng minh bản thân và để lại nhiều dấu ấn lớn trong sự nghiệp bóng chuyền.

Giữ tấm băng thủ quân, Thanh Thúy đã nỗ lực thi đấu và dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đạt huy chương bạc tại SEA Games 32 và lần đầu lên ngôi vô địch cấp độ châu lục tại giải bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2023.

Cá nhân cô từng xuất sắc giành danh hiệu "Vận động viên trẻ triển vọng" 2013, 2015; "Chủ công xuất sắc nhất" cúp VTV Bình Điền 2016 và mới 26 tuổi đã có kinh nghiệm 3 mùa chơi tại giải đấu hàng đầu châu Á V.League Nhật Bản.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 22

Nhưng đằng sau thành tích vẻ vang ấy là những câu chuyện về thách thức trong chế độ tập luyện khắc nghiệt và áp lực từ nhiệm vụ thi đấu dưới nhiều màu áo mà không phải vận động viên nào cũng đủ ý chí bền bỉ để vượt qua. 

"Lịch tập luyện thi đấu dày đặc khiến mình không có nhiều thời gian cho các sở thích hay đam mê khác ngoài bóng chuyền. Mình cũng thường xuyên gặp chấn thương trong môi trường thể thao chuyên nghiệp. Điều đó khiến mình nghiêm túc suy nghĩ liệu bản thân có nên tiếp tục theo đuổi bóng chuyền hay không", Thúy chia sẻ.

Những lúc bản thân gặp khó khăn, chủ công của bóng chuyền Việt Nam luôn nghĩ về sự ủng hộ động viên từ gia đình, người hâm mộ đế lấy đó làm động lực tiếp tục theo đuổi sự nghiệp và vững tin vào một hành trình "có chí thì nên".

Môi trường tập luyện tuy quan trọng nhưng đối với một vận động viên như Thúy, sự bền bỉ, ý chí của bản thân được rèn giũa từng ngày là yếu tố tiên quyết để thành công. "Bóng chuyền đem lại cho mình ý chí kiên cường trong thi đấu lẫn con đường thể thao chuyên nghiệp. Một ý chí không bỏ cuộc, lòng quyết tâm vượt qua thời điểm khó khăn để hướng đến mục tiêu đã đặt ra", Thúy nói.

Thể thao mang đến cho Thanh Thúy những trải nghiệm thắng, thua nhưng cũng từ đó cô tích lũy được những kỹ năng và giá trị quý báu trong cuộc sống. Ý chí bền bỉ và sự kiên định với mục tiêu được Thúy nuôi dưỡng từ tình yêu thể thao. Từ đó, cô nhanh chóng chuyển mình từ "viên ngọc thô" vươn xa đến thành công hiện tại. 

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 24
Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 25

Bén duyên với trái bóng cam kể từ khi còn là học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Đặng Thái Hưng sớm thể hiện khả năng vượt trội của mình và gặt hái nhiều thành công từ giải bóng rổ học sinh đến sinh viên. Tuy nhiên anh lựa chọn một công việc văn phòng ổn định sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) năm 2016 đã mở ra một chương mới cho cuộc đời của Hưng.

Bên cạnh công việc ổn định, Hưng quyết tâm theo đuổi sự nghiệp "quần đùi áo số" để cháy hết mình với ngọn lửa đam mê dành cho bóng rổ. Hiện tại Hưng đang góp mặt trong màu áo Thang Long Warriors và đội tuyển bóng rổ Việt Nam thi đấu tại SEA Games 32 vừa qua. Anh được giới mộ điệu nhận xét là mẫu tiền đạo công thủ toàn diện.

Hưng cho biết, thách thức đầu tiên đến với bản thân khi anh phải tìm cách cân bằng giữa công việc và đam mê thi đấu chuyên nghiệp. Vì không đủ thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sau tập luyện nên cơ thể bắt đầu xuất hiện những chấn thương ảnh hưởng lớn đến việc thi đấu.

Hơn nữa, anh biết rõ bản thân là vận động viên đi lên từ bán chuyên, không được tập luyện bài bản nên thường xuyên gặp khó khăn trong tập luyện và thi đấu.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 27

"Xuất phát là người chơi bóng rổ phong trào nên nền tảng thể chất của mình có phần hạn chế, cũng vì thế mà thời gian đầu đến với bóng rổ chuyên nghiệp, mình đã gặp nhiều chấn thương. Ngoài ra, mình chơi bóng rổ tự phát, không có người hướng dẫn hay chỉ dạy bài bản, nên mình đã phải dành rất nhiều thời gian trau dồi và hoàn thiện bản thân để đáp ứng với môi trường tập luyện chuyên nghiệp", Hưng nói.

Nói về đợt chấn thương dài hạn trong sự nghiệp, Hưng cho biết, bản thân từng gặp chấn thương phức tạp ở cổ chân kéo dài dai dẳng từ mùa giải VBA 2018 đến trước mùa giải VBA 2020. Tuy đã tìm nhiều phương pháp điều trị nhưng chấn thương vẫn không phục hồi dứt điểm. Sau cùng, anh đã tìm đến một vị huấn luyện viên cá nhân để điều chỉnh những sai sót trong tư thế, động tác và chăm chỉ luyện tập để nâng cao thể lực, dần dần hồi phục sau chấn thương.

Có thể thấy, sự kiên trì, bền bỉ là chìa khóa thành công giúp anh tiến bộ hơn mỗi ngày.  Đằng sau hành trình "có chí thì nên" của anh là ý chí bền bỉ vượt qua những trăn trở giữa ổn định và đam mê, không ngại bước ngoặt trong cuộc sống và sẵn sàng chinh phục rào cản để chứng minh bản thân sinh ra dành cho bóng rổ.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 29
Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 31

Đằng sau thành công của Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Huy Hoàng, Châu Tuyết Vân, Trần Thị Thanh Thúy, Đặng Thái Hưng nói riêng và các vận động viên tại SEA Games 32 nói chung là một hành trình "có chí thì nên" cùng thể thao, góp phần giữ vững ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. 

Có chí là có tinh thần bền bỉ để tạo nên chiến tích vinh quang và thành công trong cuộc sống. Đây là tố chất không thể hình thành ngày một ngày hai mà cần được nuôi dưỡng từ sớm để mỗi cá nhân ngay từ nhỏ có đủ sức bền vững vàng cho một hành trình thành công sau này. 

Câu chuyện của các tuyển thủ Việt, dù khó khăn vẫn không lùi bước, kiên trì vươn đến thành công ở bộ môn thể thao yêu thích đã trở thành hình mẫu của câu tục ngữ "có chí thì nên". Điều này được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam về tầm quan trọng của ý chí bền bỉ trong cuộc sống, giúp phát huy tối đa tiềm năng, thành công với ý chí có được từ thể thao.

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 33

Với nhiều năm kinh nghiệm tranh tài ở đấu trường quốc tế, "bông hồng thép" Nguyễn Thị Oanh gửi lời nhắn nhủ đến thế hệ vận động viên trẻ tuổi cùng các em nhỏ: "Chúng ta hãy luôn nuôi dưỡng những ước mơ, đặt ra những dự định, kế hoạch và mục tiêu. Không chỉ riêng trong sự nghiệp thể thao mà còn trong cuộc sống, hãy cố gắng leo lên từng bước, từng bước một. Dù biết sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực kiên trì và ý chí bền bỉ trui rèn từ thể thao, mỗi người ắt sẽ đạt được thành công dù là lĩnh vực nào trong cuộc sống".

Hành trình rèn ý chí cùng thể thao của tuyển thủ Việt - 35

Thiết kế: Thủy Tiên