Hai nghị quyết “đá” nhau chan chát

(Dân trí) - Hội thảo chuyên nghiệp thống nhất phương án siết chặt tiêu chuẩn của các CLB, cần chất chứ không cần lượng. Ngược lại nghị quyết VFF lại quy định phải có đủ 14 đội đá V-League mùa sau. Chính điều này khiến cho người ta muốn làm bóng đá tử tế cũng khó.

Trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam quá loạn, người ta bỏ đội bóng dễ như bỏ một cái áo, một đôi giày cũ, một khi họ cảm thấy không hợp “gu”. Trong bối cảnh mà chuyện mua bán, đổi chác các đội bóng ngày càng mất kiểm soát, làm đánh mất yếu tố truyền thống và đánh mất khán giả, thì chuyện dư luận yêu cầu phải siết chặt các quy định dành cho các CLB chuyên nghiệp là chuyện tất yếu phải làm.

Nghị quyết của Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp hôm 28/9 ra đời, với tiêu chí quan trọng nhất là quy định chặt chẽ lại tiêu chuẩn của các đội bóng thực chất cũng chỉ đến từ yêu cầu cấp thiết đấy.

Hiểm nôm na nghị quyết vừa nêu hướng người làm bóng đá đến chất lượng, chứ không phải chạy theo số lượng như trước. Nên mới có chuyện người tham dự hội thảo thống nhất với phương án còn bao nhiêu đá bây nhiêu, miễn là những đội còn lại có chất lượng tốt.

Nhưng, điều trớ trêu là, cái việc nên làm và cần phải làm gấp ấy lại đụng ngay nghị quyết của VFF. Mà nghị quyết của VFF quy định phải có đủ 14 đội tham dự V-League 2014.

Liệu VFF và những người tổ chức Hội thảo BĐCN

Liệu VFF và những người tổ chức Hội thảo BĐCN
có cùng nhìn về một hướng? (ảnh: Trọng Vũ)

Đấy cũng chính là điều khiến người ta sợ rằng những thay đổi cấp tiến cần thiết cho bóng đá Việt Nam một lần nữa không thể thực hiện vì đụng nghị quyết VFF. Đấy cũng là lúc mà người ta cần xem lại BCH VFF gồm những ai mà lại có cái nghị quyết cứng nhắc ấy?

Nếu như thành phần tham dự Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp được mở rộng, với sự tham dự của nhiều thành phần, nhiều giới: Có các chuyên gia bóng đá, có đại diện của các doanh nghiệp đang làm bóng đá, có sự lắng nghe và theo dõi của giới truyền thông, thì BCH VFF đa phần chỉ là đại diện của các đội bóng (vốn có không ít người tồn tại từ thời bóng đá bao cấp), rồi BCH VFF chỉ họp theo kiểu đóng cửa xử lý nội bộ, mượn số đông biểu quyết theo kiểu trách nhiệm… tập thể.

Mà thường thì đại diện của các đội bóng trong BCH VFF không ai chịu mất quyền lợi của mình. Dĩ nhiên họ phải bảo vệ sự tồn tại của đội bóng mà họ đại diện, bất chấp đội bóng ấy có theo kịp chữ CHUYÊN hay chưa?

Họ phải bảo vệ sự tồn tại của đội bóng, vì đội bóng còn thì cái ghế của họ mới còn. Rồi sự tồn tại của mỗi đội bóng sẽ đem về nhiều cái lợi khác cho người đại diện đội bóng ấy, nhất là trong các vụ chuyển nhượng, mua – bán cầu thủ, theo kiểu “đục nước” thì “béo cò”.

Đấy có thể là lý do nghị quyết BCH VFF ra đời, nhất nhất quy định phải có đủ 14 đội đá V-League mùa sau.

Thấy rõ là cái nghị quyết của BCH VFF quá phi thực tế. Ví như chuyện của đội K.Kiên Giang chẳng hạn. Bây giờ để cho họ tồn tại thì lấy đâu ra 35 tỷ đồng để họ đá bóng mùa sau? VFF có muốn “giúp đỡ các đội bóng gặp khó khăn tiếp tục được thi đấu” (như lời ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói trong lễ tổng kết mùa giải) thì chắc chắn cũng chẳng thể đào đâu ra 35 tỷ để hỗ trợ cho đội Kiên Giang.

Mà giả sử VFF có số tiền ấy đi chăng nữa, họ cũng chẳng thể làm trái nguyên tắc tài chính, là tiền ngân sách, tiền của một tổ chức xã hội không thể rót cho một doanh nghiệp cổ phần được (mỗi CLB bóng đá là một công ty cổ phần).

Đội Kiên Giang lại còn đang nợ tiền. Nợ mà không trả là vi phạm luật đấy! Không lẽ nghị quyết BCH VFF để cho chuyện phạm luật xảy ra, nếu họ cứ nhất nhất để cho K.Kiên Giang thi đấu cho đủ số lượng?

Mà nếu VFF vì cái nghị quyết của mình buông lỏng trong trường hợp của đội Kiên Giang, chắc chắn sẽ có tiếp những Kiên Giang thứ hai, thứ ba… xuất hiện!

Bất cứ nghị quyết nào cũng do con người chấp bút viết ra, và bất cứ nghị quyết nào cũng thay đổi được. Dĩ nhiên, trừ trường hợp có người muốn cái nghị quyết đấy tiếp tục tồn tại để kìm hãm đà tiến của bóng đá Việt Nam.

Trừ trường hợp những người ủng hộ cái nghị quyết đấy chưa hiểu rằng chính sự buông lỏng quản lý đã khiến bóng đá nội đang tiến dần đến chỗ mất kiểm soát, đồng thời không phân biệt nổi đâu là bóng đá phong trào và như thế nào là bóng đá chuyên nghiệp!

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm