1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Giải U19 quốc gia 2014: Trồng cây nào, hái quả nấy

(Dân trí) - Không có bất ngờ đáng kể sau vòng bảng của VCK U19 quốc gia, khi 4 đội vào bán kết đều là những cái tên đáng chú ý nhất lứa tuổi. Việc các đội này vào bán kết cũng phản ánh công tác đào tạo ở các trung tâm bóng đá trên cả nước.

Sự tưởng thưởng cho công tác đào tạo trẻ

Có thể phong độ của những HA Gia Lai, Viettel, SL Nghệ An và Hà Nội T&T (4 đội vào bán kết giải U19 quốc gia) trong từng thời điểm là không giống nhau, nhưng điểm chung giữa họ nằm ở chỗ đấy đều là các CLB có sự quan tâm đến công tác đào tạo trẻ vài năm trở lại đây.

Lứa cầu thủ U19 của HA Gia Lai thực chất là các cầu thủ đã bị loại ra từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG vài năm trước (hiện là nòng cốt của đội U19 Việt Nam). Chất lượng của các cầu thủ này đã được kiểm chứng ngay từ khâu đầu vào, tiếp tục được rèn luyện và đầu tư với chế độ tốt, nên hiện lứa U19 HA Gia Lai có chuyên môn rất đáng theo dõi.

Trong khi đó, Viettel vốn chỉ xếp sau HA Gia Lai ở bảng A, sau khi họ thua đội chủ nhà trong một trận cầu mà với Viettel đó chỉ là thủ tục, vì đội bóng của HLV Đặng Phương Nam đã cầm chắc vé vào bán kết.

U19 Viettel (áo đỏ) chứng minh lò đào tạo Viettel đang đi đúng hướng
U19 Viettel (áo đỏ) chứng minh lò đào tạo Viettel đang đi đúng hướng


Cùng với học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG và Quỹ phát triển tài năng bóng đá Việt Nam PVF, Viettel là một trong ba lò đào tạo bóng đá trẻ được đầu tư công phu và có khâu tuyển chọn thuộc vào loại tốt nhất nước hiện nay.

Không chỉ có lứa U19 mà hầu hết các tuyến trẻ ở các đội tuổi khác nhau của Viettel vài năm vừa rồi cho chất lượng không đến nỗi tệ, nên đây cũng là hệ thống đào tạo đáng được theo dõi.

SL Nghệ An trước giờ vẫn là trung tâm bóng đá trẻ nổi tiếng cả nước, trong khi một CLB khác có đại diện vào bán kết là Hà Nội T&T đang có những bước tiến quan trọng trong việc làm trẻ.

Cách làm bóng đá của bầu Hiển khá căn cơ, so với nhiều ông bầu khác, và ngay từ khi xây dựng Hà Nội T&T thành một mô hình CLB mạnh, ông Hiển đã có ý thức trong việc lo cho tuyến kế cận. Nên việc U19 Hà Nội T&T thi đấu ổn định chính là thành quả cho cách làm đàng hoàng của bầu Hiển.

Đáng tiếc cho Sanatech Khánh Hòa

Nếu phải đi tìm một trường hợp đáng tiếc nhất không thể hiện diện ở bán kết, trường hợp ấy chắc chắn là của Sanatech Khánh Hòa. Bóng đá Khánh Hòa từ sau thế hệ của những Tấn Tài, Quang Hải, Đào Văn Phong, Trọng Bình… rất có ý thức trong công tác trồng người.

Ngay cả khi Khatoco rút lui, ngành TDTT Khánh Hòa vẫn tiếp tục duy trì các tuyến trẻ, trước khi chuyển giao các tuyến này cho Sanatech lúc thời điểm thích hợp.

Thực tế ở vòng bảng cho thấy, Sanatech Khánh Hòa chỉ mất vé vào bán kết vào phút cuối, do đã dẫn trước Hà Nội T&T 2 bàn, nhưng lại bị gỡ hòa 2-2. Điều đó có thể đến từ việc họ chưa có HLV hay, chứ về mặt sản phẩm là cầu thủ, bóng đá phố biển không tệ.

Nó trái ngược với hình ảnh nhợt nhạt của B.Bình Dương. Đội bóng đất Thủ Dầu không thiếu tiền, cũng chẳng thiếu kinh nghiệm làm bóng đá, nhưng hàng chục năm nay B.Bình Dương chưa bao giờ cho ra nổi lứa trẻ nào ra hồn.

B.Bình Dương trước giờ chỉ mạnh ở đội một, nhờ chính sách dùng tiền mua sắm ngôi sao, chứ họ không phải là nơi đào tạo tốt. Các đội trẻ của B.Bình Dương cũng chưa khi nào gây tiếng vang.

An Giang và Thanh Hóa (2 đội bị loại sau vòng bảng) đang tổ chức lại các tuyến trẻ, nên chưa thể cho ngay quả ngọt. Trong khi với các đội thậm chí còn không có tên tại VCK như ĐT Long An, Đồng Tháp, hay TPHCM… chuyện trồng người ở các nơi này quả thật có vấn đề, dù họ là những nơi có truyền thống làm bóng đá.

Với riêng ĐT Long An, dù đội một của CLB này luôn hiện diện ở hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng suốt hơn chục năm qua, Gạch cũng chưa bao giờ quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo.

VCK U19 quốc gia đang diễn ra nói cho cùng chính là thước đo tương đối về tính hiệu quả của các lò đào tạo. Thông qua đó, giới chuyên môn có thể thấy đâu là nơi đã và đang nghiêm túc trong công tác trồng người.

Kim Điền