Giá trị cầu thủ Việt đang xuống dốc không phanh

(Dân trí) - Một cầu thủ nổi tiếng như Công Vinh, thậm chí cho không một số đội bóng cũng chẳng lấy. Còn những ngoại binh, buộc phải chấp nhận “đại hạ giá” để được chơi bóng. Bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh khủng hoảng lại hay, khi giá trị cầu thủ không còn ảo như trước.

“Choáng váng” bởi giá trị ảo

Vài năm trước, sự mạnh tay của một số ông bầu vô hình chung đã biến sân chơi của bóng đá quốc nội trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Bóng đá Việt Nam vốn nằm ở vùng trũng của bóng đá thế giới nhưng riêng về khoản lương, thưởng, lót tay thì bất kỳ ai nghe qua cũng phải…“choáng”. Đối với một nền bóng đá đi theo quỹ đạo chuyên nghiệp, việc đồng tiền được coi như là thước đo chính xác để định giá cầu thủ là điều đương nhiên.

Tuy nhiên với bóng đá Việt Nam, liệu các cầu thủ có tương xứng với những khoản tiền khổng lồ mà các ông bầu bỏ ra mua về hay không?. Chắc chắn là không hoặc chưa, bởi nếu với mức tiến như thế, các cầu thủ đang chơi ở V.League có quyền tự hào khi mình sánh ngang với các ngôi sao trên thế giới. Như lời cảnh báo của các chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển bóng đá, những giá trị ảo sẽ khiến cả một nền bóng đá non trẻ phải chết yểu.
 
Không đội bóng nào muốn tiếp nhận Công Vinh thời điểm này

Không đội bóng nào muốn tiếp nhận Công Vinh thời điểm này

Thế nhưng, trong một nền kinh tế thị trường đang phát triển như vũ bão và có tính cạnh tranh lớn như Việt Nam vài năm trước, việc các đội bóng đổ tiền vào bóng đá để đánh bóng thương hiệu đã trở thành mốt. Chính việc chạy đua của các ông bầu đã khiến thị trường chuyển nhượng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Hay nói cách khác, các ông bầu đã tự phá giá và tạo ra những giá trị ảo. Điều đáng nói là không nhiều đội bóng đã thành công với chính sách tiền của mình.

Việc tung cả núi tiền ra làm thương hiệu nếu không tỉnh táo cũng sẽ bị phản tác dụng. Trường hợp của Hải Phòng bỏ tiền tấn để mua “thương binh” Denilson (cựu vô địch thế giới người Brazil) là minh chứng rõ nhất trong việc chạy đua thương hiệu một cách mù quáng. Đó là chưa kể, việc đưa ra các lời mời với mức lương hấp dẫn của các ông bầu gián tiếp tạo ra sự hỗn loạn của thị trường chuyển nhượng.

Cuối cùng thì chính các ông bầu, các đội bóng đã bị nhận hậu quả từ cách làm ăn xổi và bệnh thành tích của mình. Bóng đá Việt Nam vỡ tan như bong bóng xà phòng, từ chính việc chạy theo những giá trị ảo.

Trở về thực tại

Nếu như một cầu thủ nhận mức lót tay gần chục tỷ đồng vài năm trước chẳng phải hiếm, thì giờ ngay cả một nửa số tiền này, cũng là một mơ ước lớn. Thậm chí, những cầu thủ nổi tiếng như Công Vinh, Thành Lương, Tài Em chỉ mong không rơi vào cảnh thất nghiệp đã là may mắn lắm rồi, chứ chẳng dám đòi hỏi này nọ.

Hôm qua, tiền đạo từng nhiều năm khoác áo SHB.ĐN Gaston Merlo đã trở lại Việt Nam sau một thời gian dài chữa trị chấn thương. Cầu thủ từng nhiều lần đoạt danh hiệu vua phá lưới này đã ngay lập tức hét giá 6 tỷ/mùa cùng mức lương tháng 300 triệu đồng/tháng. Chia tay V.League từ vòng 20 mùa giải 2012, Merlo đâu biết được những gì đã xảy ra với bóng đá Việt Nam thời gian qua. Chính vì thế mà cầu thủ này vẫn cứ hồn nhiên hét giá thật cao, khiến lãnh đạo CLB SHB.ĐN không khỏi giật mình. Tất nhiên là với mức tiền đòi hỏi như vậy, chẳng có ai nhận lời được. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, đội bóng sông Hàn chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu của Merlo. Nếu cầu thủ này không chấp nhận, sẽ phải tự đi tìm đội bóng mới.

Cũng như đội bóng sông Hàn, hàng loạt các đội bóng của V.League đều đang thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu. Bất cứ cầu thủ nào thích làm ngôi sao, sẽ được thanh lý ngay lập tức.

Phó Tổng cục trưởng TC TDTT Phạm Văn Tuấn là người ủng hộ kế hoạch cắt giảm ngoại binh ở bóng đá Việt Nam. Theo ông Tuấn, hàng năm V.Lague mất không biết bao nhiêu ngoại tệ cho các cầu thủ ngoại và đây chính là thời điểm cần có sự điều chỉnh về với đúng giá trị thực.

Không chỉ có ngoại binh, những nội binh có số má, cũng không nằm ngoài kế hoạch trừ lương, thưởng ở các CLB. Có những CLB hạn lương xuống còn một nửa, nhưng các cầu thủ vẫn phải chấp nhận vì chỉ cần phải đối, là họ sẽ bị cho đứng đường.

Vì thế, Tài Em sẵn sàng tới Đồng Tháp với mức lương khiêm tốn, Tấn Tài phải ra tận Hải Phòng để không bị thất nghiệp. Những ngôi sao khác như Quang Hải, Tấn Trường...đều bị giảm lương.

Nhiều cầu thủ than vãn cảnh nghèo đói khi lương không đủ tiêu, thế nhưng họ phải làm quen với hoàn cảnh hiện tại. Chính sự ăn tiêu bạt mạng cùng với những vụ chuyển nhượng ảo nhiều năm qua, đã khiến giới cầu thủ tự đề cao giá trị của bản thân mình.

An An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm