1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

GĐKT Nguyễn Văn Vinh: "Ông Riedl nên ra đi..."

"Ông ấy đã làm HLV tuyển VN chục năm nay mà vẫn thế thì nên ra đi. Tôi không có ý chê ông ấy bởi phương pháp huấn luyện của tất cả các HLV không có độ chênh lệch là bao nhiêu...", quan điểm của GĐKT Nguyễn Văn Vinh về xung quanh chuyện đi - ở của ông Riedl.

Chuyện đi - ở của huấn luyện viên Alfred Riedl vẫn là đề tài nóng bỏng trong những ngày giáp tết. Thực chất sau gần 10 năm kể từ chiếc huy chương bạc Tiger Cup đến nay, Riedl vẫn chưa tạo được nét đột biến. Riedl không muốn ra đi khiến LĐBĐ VN trở nên khó xử.

Thường thì sau một giải không đoạt được chỉ tiêu đề ra, HLV trưởng sẽ xin rút lui. Thế nhưng một khi Riedl không muốn ra đi thì cách “cư xử tình cảm” của Liên đoàn trở nên... đội trần khi Riedl đã tung tin nhờ luật sư nếu bị cắt hợp đồng.  

Nhận cuộc trò chuyện cùng GĐKT HA.GL Nguyễn Văn Vinh, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này với ông:

Việc huấn luyện viên Riedl về Áo chữa bệnh ít nhất là 70 ngày, theo ông có ảnh hưởng gì đến kế hoạch của đội tuyển Việt Nam trong năm 2007?

GĐKT Nguyễn Văn Vinh: - Tất nhiên là ảnh hưởng rất nhiều. Mùa giải 2007 đã khai mạc, một huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia cần phải theo dõi sát sao để tuyển quân.

Nhưng về mặt tình cảm, ông ấy về chữa bệnh thì biết làm sao được!

- Thế với nói. Chúng ta không nên lẫn lộn trong cách hành xử bóng chuyên nghiệp và tình cảm. Điều ở đây tôi muốn nói là bóng đá chuyên nghiệp không phải chỉ tiền, vắt chanh bỏ vỏ, mà ngược lại nữa là khác.

Chúng ta giúp đỡ huấn luyện viên Riedl bằng một tinh thần chuyện nghiệp bằng một trách nhiệm cao nhất. Nhưng điều điều này không có nghĩa lẫn lộn giữa tình cảm và công việc, Bởi bóng đá chuyên nghiệp nó đòi hỏi thế.

Trong những ngày qua ông vẫn theo dõi chuyện đi hay ở của ông Riedl chứ? Ông có thể nói rõ hơn ý này?

- Theo cách nhìn nhận của tôi là hiện nay những người có trách nhiệm lấn cấn chuyện Riedl về Áo chữa bệnh mà lại bị cắt hợp đồng nữa thì lương tâm và đạo đức không cho phép. Mặt khác cắt hợp đồng Riedl chưa chắc đã ổn, coi chừng một vụ Letard thứ hai cũng có thể xảy ra.

Hơn nữa, LĐ lấy cớ đâu để cắt được hợp đồng với ông ấy. Nếu đã có ý nhờ đến luật sư rồi thì Riedl sẽ chơi tới cùng đấy. Chúng ta hãy làm quen với pháp lý trong bóng đá chuyên nghiệp đừng nên cư xử tình cảm là chính trong cả những chuyện đòi hỏi pháp lý văn bản rõ ràng.

Người Việt ta lâu nay có cách hành xử mọi vấn đề bằng tình cảm đặt lên trên hết kể cả những vấn đề mang tính pháp lý như việc mời các huấn luyện viên nước ngoài về làm. Trong việc Riedl, chúng ta cũng có cách hành xử tình cảm như thế, để rồi vấn đề lâu ngày trở nên nhàm chán vì cả hai cứ gặp nhau hàng ngày.

Trong lúc chúng ta thuê huấn luyện viên nước ngoài thì tiền phải trả đầy đủ. Đến lúc không còn điều gì mới thì giống như gánh nặng cho nhau. Cái tình cảm mà lâu nay chúng ta cư xử ấy đến hồi cực điểm tất nhiên nó đã bị đỗ vỡ theo chiều hướng không êm đẹp và trở thành sự chịu đựng.

Và người kia, tức Riedl không chịu chia tay thì tất nhiên việc ông mời luật sư nếu bị cắt hợp đồng sớm là điều dễ hiểu.

Thế quan điểm của ông là Riedl nên ra đi lúc này?

- Đúng thế. Ông ấy đã làm huấn luyện viên tuyển Việt
Nam chục năm nay mà vẫn thế thì nên ra đi. Tôi không có ý chê ông ấy. Bởi phương pháp huấn luyện của tất cả các huấn luyện viên không có độ chênh lệch là bao nhiêu, nhưng quan trọng là yếu tố tâm lý.

Tôi đơn cử nếu một thầy giáo mà ngày này qua ngày khác cứ ra một dạng bài tập như nhau thì làm sao học sinh hứng khởi lao vào tìm tòi giải. Phải liên tục lạ và mới thì mới kích thích được sự suy nghĩ, hứng thú và sáng tạo thì học sinh mới thú vị trong các buổi học.

Đằng này ngày nào Riedl cũng chỉ chừng đó thì làm sao không sinh ra sự nhàm chán. Theo tôi sai lầm lớn nhất của ông ấy (Riedl) là trở lại Việt Nam lần thứ hai rồi lần thứ ba. Một chuyện chẳng nên và cựu kỳ hiếm trên thế giới này.

Vậy theo ông nếu như đội tuyển Việt
Nam có một người khác dẫn dắt ở AFF Cup thì kết quả có tốt hơn không?

- Thật khó nói điều này. Chúng ta nên nhớ rằng, trình độ nền bóng đá của một quốc gia giống như tấm gương phản chiếu tất cả một nền kinh tế, quản lý và nhiều thứ khác. “Nước lên thì bèo lên”. Với tình hình hiện nay thì bóng đá Việt
Nam còn lâu lắm mới như được Thái Lan hay Singapore.

Tôi nhớ không lầm thì hơn một tháng trước đây có một vị nào đó trong Liên đoàn nói rằng chúng ta hoàn toàn có thể đánh bại Thái Lan. Đó là một sự tạo lạc quan hão huyền. Các em cầu thủ thừa hiểu mình đang ở đâu trước Thái Lan.

Điều tôi muốn nói là hoàn toàn không nên đánh lừa như thể để cuối cùng nhiều người không hiểu chuyện cứ trông ngóng, mong chờ rồi lại thất vọng. Rồi cũng từ đó tạo áp lực quá lớn lên các cầu thủ.

Vậy là theo ông, hiện nay Việt
Nam vẫn thua Thái Lan rất xa?

- Đúng thế. Còn thua rất xa. Khi nào cầu thủ Việt
Nam đá thuê thật nhiều ở Thai- League thì lúc đó tôi hy vọng đuổi kịp họ. Còn bây giờ thì chưa. Điều lớn nhất tôi muốn nói, bóng đá là bóng đá, là trò chơi, chúng ta đừng phải hậm hực trước mỗi khi đối đầu với Thái Lan.

 Vì sao chúng ta cứ phải hậm hực khi gặp Thái Lan!? Chúng ta hãy suy nghĩ đó là một trận đấu bình thường, vào trận thì chơi hết mình. Đừng nên tô hồng nó bằng những ý nghĩa chính trị, đẩy tầm nó lên cùng với những sự kiện chính trị là không được, vì đó là trò chơi, hoàn toàn tách bạch với chính trị.

Cầu thủ Thái Lan, cầu thủ Singapore không nặng suy nghĩ như cầu thủ chúng ta nên họ rất nhẹ nhàng, thanh thoát mỗi khi ra sân.

Vấn đề lớn nhất của đội tuyển Việt
Nam qua AFF Cup là gì theo ông?

- Tôi thấy vấn đề quan trọng nhất là dinh dưỡng. Bóng đá chuyên nghiệp đi đôi với vấn đề này. Cầu thủ của chúng ta có chế độ ăn uống quá kém. Tôi đến Nhổn nhiều lần và chứng kiến các bữa ăn quá tệ. Tiêu chuẩn thì không đến nỗi nào nhưng thức ăn thì quá nhàm chán.

Chẳng hạn rau muống thì làm lên một đĩa to... đùng nhìn đã thấy ngán, gà thì chặt khúc cũng làm đĩa thật to và bữa nào cũng giống bữa nào thì làm sao các cầu thủ ăn cho vô. Không chỉ bóng đá mà nhiều môn khác cũng thế.

Dinh dưỡng trong thể thao chuyên nghiệp là đòi hỏi cả một đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao. Còn chúng ta thì chưa có.

Tôi đã từng xuống tận bếp ăn ở Nhổn phản đối to tiếng chuyện này.... nên mỗi khi đội Hoàng Anh Gia Lai ra thi đấu muốn thuê ở thường hay bị từ chối... Nói như thế để thấy rằng thể lực của cầu thủ chúng ta yếu hơn hẳn Thái Lan hay Singapore là vì dinh dưỡng quá kém.

Câu hỏi cuối cùng, việc huấn luyện viên Riedl đã có ý nhờ đến luật sư thì vấn đề “cư xử bằng tình cảm” của VFF đã bị xúc phạm?

- Đó là bài học thì đúng hơn. Chúng ta phải thích nghi hoặc làm quen với những chuyện này bằng khung pháp lý là tốt nhất, để khỏi chịu đựng về nhau. Qua chuyện này tôi thấy Riedl cũng chẳng phải là tay vừa. Đến đây cách “cư xử tình cảm” ấy chẳng còn là gì cả.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này!

Theo Phương Tú
Vietnamnet