Gánh nặng kinh phí hậu Đại hội thể thao bãi biển châu Á

(Dân trí) - Việt Nam kết thúc Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) với 52 HCV, 44 HCB, 43 HCĐ và dẫn đầu châu lục. Dù vậy, chính số lượng HCV khổng lồ đấy lại tiếp tục đặt ra yêu cầu cần một quỹ thưởng ngoài dự kiến khác.

Để giành vị trí nhất toàn đoàn với số lượng HCV áp đảo nêu trên, thể thao Việt Nam với tư cách chủ nhà, đã đưa hàng loạt môn thi đấu trong nhà, vốn là thế mạnh của chúng ta, ra bãi biển để tranh tài.

Nhóm môn này có Vovinam, Muay, Petanque, Thể hình, Pencak Silat... Đây đều là các môn lạ đối với các đoàn thể thao đúng chất biển, nên không khó đoán khi đoàn thể thao chủ nhà gom thâu huy chương, bỏ xa các cường quốc thực thụ của thể thao châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.


ABG5 chính thức kết thúc tại Đà Nẵng ngày 3/10

ABG5 chính thức kết thúc tại Đà Nẵng ngày 3/10

Dù vậy, vị trí số 1 tuyệt đối của đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao bãi biển vừa kết thúc không gây được nhiều tiếng vang, kể cả đối với dư luận trong nước. Ngược lại, việc đoàn thể thao Việt Nam vượt xa chỉ tiêu huy chương ban đầu (20 HCV) còn gây khó khăn cho chính ngành thể thao xung quanh chuyện trao thưởng.

Với tổng cộng 52 HCV, 44 HCB và 43 HCĐ, ngân quỹ dành trao thưởng cho các VĐV đạt thành tích tại ABG5 sẽ là một con số khổng lồ. Mức thưởng dĩ nhiên phải ở mức tương đương với các thành tích cấp châu Á khác, vì đây là quy định chung. Nhưng nói cho đúng thực chất thì đấy chỉ là các môn tầm khu vực, vì hầu hết các môn gom huy chương của đoàn thể thao Việt Nam không phải là những môn quen thuộc của các kỳ Asiad.

Ở một góc độ khác, vị trí số 1 của chúng ta tại ABG5 cũng không phản ánh chính xác vị thế của thể thao Việt Nam. Nếu đem so thành tích tại ABG5 với kỳ Asiad gần nhất vào năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc), sẽ là khoảng cách một trời một vực.

Tại kỳ Asiad này, đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành 1 HCV, so với 52 HCV ở ABG5. Tính chất của các đoàn nước ngoài khi tham dự các đại hội thể thao vừa nêu cũng khác xa nhau.


Nhờ lợi thế sân nhà, Việt Nam đứng vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương ABG5

Nhờ lợi thế sân nhà, Việt Nam đứng vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương ABG5

Với Asiad, các đội tuyển thể thao châu lục xem đấy nơi ganh đua thật sự, tham dự với tính cạnh tranh cao, còn tại ABG, họ chủ yếu tham gia với tinh thần giao lưu, mang theo mục đích quảng bá văn hoá, đất nước, con người. Thành ra, số lượng và tính chất tranh chấp huy chương của các đoàn cũng không hề giống nhau, mà cụ thể là lượng huy chương có liên quan đến 3 cường quốc thể thao hàng đầu châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở 2 đại hội vừa nêu khác rất xa nhau.

Đấy cũng chính là lý do mà con số 52 HCV của thể thao Việt Nam giành được ở ABG5 cũng không giúp cho dư luận nói chung tự hào thêm, càng không có ai xem đấy là vị thế chính xác của chúng ta so với mặt bằng thể thao châu lục.

Hiệu quả, nếu phải chờ đợi, sẽ là hiệu quả về du lịch, về mặt quảng bá hình ảnh đất nước con người thành phố đăng cai là Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, hậu ABG5.

Một trong những mục đích khi đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á là giới thiệu tiềm năng du lịch biển nói riêng, tiềm năng du lịch nói chung của chúng ta. Nếu chúng ta đạt hiệu quả trong việc phát triển du lịch, thu hút đông đảo lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng và đến với đất nước chúng trong thời gian tới, thì cũng bỏ công đầu tư và tổ chức.

Bằng ngược lại, ABG5 sẽ gây lãng phí lớn, vì về mặt chuyên môn đơn thuần, Đại hội thể thao bãi biển châu Á vốn là một đại hội có nguy cơ bị xóa sổ, vì kinh phí đầu tư tốn kém, ý nghĩa chuyên môn thấp, mà cụ thể là ngay sau khi ABG5 bế mạc, vẫn chưa có quốc gia nào đứng ra nhận cờ đăng cai đại hội lần thứ 6.

Gánh nặng kinh phí hậu Đại hội thể thao bãi biển châu Á - 3

Kim Điền