FPT chia sẻ kinh nghiệm giành được bản quyền World Cup 2006
Trong buổi lễ công bố sự hợp tác phát sóng World Cup 2006 giữa Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhiều chi tiết cụ thể giúp FPT giành chiến thắng trước nhiều đối thủ cạnh tranh được tiết lộ.
FPT và VTV từng là đối thủ cạnh tranh trong việc mua bản quyền phát sóng World Cup 2006 và cuối cùng FPT là người giành chiến thắng.
Trong buổi lễ giới thiệu chương trình hợp tác phát sóng World Cup 2006 tổ chức sáng 23/2/2006 tại khách sạn Deawoo Hà Nội, Phó tổng Giám đốc FPT Hoàng Minh Châu tiết lộ một trong những nguyên nhân khiến VTV thua cuộc là bởi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) không muốn bán bản quyền cho các đài truyền hình.
Nếu một đài truyền hình mua được bản quyền phát sóng các trận đấu World Cup trên toàn bộ lãnh thổ một quốc gia, rất khó có việc họ chia sẻ bản quyền đó cho một đài truyền hình khác. Vì thế, việc quảng bá hình ảnh của World Cup sẽ giảm đi.
Tiết lộ này gây bất ngờ cho chính cả VTV. "Vậy mà khi chúng tôi tiếp xúc, FIFA nói ưu tiên nhất là các đài truyền hình. Họ bảo cứ trả một cái giá hợp lý đi", Phó tổng giám đốc VTV Trần Đăng Tuấn bày tỏ. Hơn nữa, VTV thua cuộc bởi vì cái giá họ đưa ra thấp hơn nhiều so với FPT.
Loại được đối thủ chính trong nước ngay từ vòng đầu nhưng FPT phải đối đầu với những đối thủ lớn từ nước ngoài. Khả năng tài chính vững mạnh là yếu tố quan trọng giúp FPT chiến thắng. Đó là một chiến thắng nghẹt thở bởi FPT suýt thua khi chỉ trả cao hơn một công ty của châu á chút ít.
Đích thân Tống Giám đốc Trương Gia Bình phải sang Đức trực tiếp thương thảo với công ty In Front, đơn vị được FIFA chỉ định giữ bản quyền phát sóng World Cup trên toàn thế giới.
FPT phải chứng tỏ được tiềm năng tài chính hùng mạnh để ngay cả trong trường hợp không phân phối được sản phẩm, chịu lỗ 100% mà công ty vẫn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức phá sản.
Hơn nữa, một trong những tiêu chí quan trọng khác được FIFA đưa ra là nhà thầu phải có khả năng phân phối được sản phẩm. Vì thế họ đến tận Việt Nam để xem xét khả năng này của FPT.
Tuy nhiên đây lại là một thế mạnh của FPT bởi họ là nhà phân phối các phần mềm, dữ liệu số hoá, game hàng đầu Việt Nam. Các chương trình World Cup 2006 cũng là những sản phẩm được chuyển đến Việt Nam dưới dạng nội dung được số hoá.
Tỷ lệ trả lại, tức việc phân phối không thành công các sản phẩm khác, của FPT là con số không. Cái giá mà FPT đưa ra cộng với sự thuyết phục trong khả năng phân phối khiến FIFA tin tưởng trao bản quyền phát sóng World Cup 2006 cho công ty này.
Việc FPT mua bản quyền với cái giá rất cao (nhưng không được tiết lộ) cũng có lý do của nó. Theo ông Hoàng Minh Châu, World Cup 1998 coi như không nói đến vì được tổ chức ở Pháp mà Việt Nam nằm trong Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie) nên chỉ trả một khoản tiền khoảng 40.000 USD coi như phí truyền vệ tinh.
World Cup 2002, Việt Nam chưa tham gia các công ước bảo hộ bản quyền, đặc biệt là công ước Brussels (công ước của Liên Hợp Quốc về bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình qua tín hiệu vệ tinh) nên vấn đề mua bản quyền truyền hình khá dễ dàng.
Ngày 12/1/2006 vừa qua, công ước Brussels chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. "Vì thế, chúng ta cũng phải xem bản quyền bóng đá một cách công bằng như tất cả các nước khác trên thế giới", ông Châu nói.
VTV đánh giá cao những kinh nghiệm, quy mô, vị thế, cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp của FPT.
"Việc không giành được bản quyền phát sóng World Cup 2006 là một thất bại lớn khiến VTV phải xem lại năng lực của mình. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất vui mừng là FPT, một công ty của Việt Nam, giành được bản quyền này", ông Trần Đăng Tuấn thổ lộ.
Theo Hoàng Linh
Netnam