FLC Thanh Hoá và HA Gia Lai hụt hơi, CLB Hà Nội thắng thế tại V-League
(Dân trí) - Trong khi CLB Hà Nội càng ngày càng ổn định, đang xây chắc ngôi đầu V-League, thì đối thủ chính của họ là FLC Thanh Hoá lại quá thất thường. Còn đội bóng được mến mộ HA Gia Lai càng lúc càng bộc lộ nhiều điểm yếu.
Ở vòng đấu trước, CLB Hà Nội còn song hành cùng hiện tượng Than Quảng Ninh ở ngôi đầu Nuti Cafe V-League 2018, thì sau vòng đấu thứ 5, đội bóng của bầu Hiển đã độc chiếm ngôi đầu này.
Khoảng cách 3 điểm giữa CLB Hà Nội với 2 đội xếp ngay sau là Than Quảng Ninh và Khánh Hoà có thể vẫn chưa là gì về mặt số học, nhưng nhìn vào thực lực, tính chiều sâu trong đội hình, đội bóng thủ đô ở rất xa so với đội bóng vùng mỏ và đội bóng phố biển.
Khánh Hoà chưa bao giờ là ứng cử viên vô địch tại V-League, cũng chưa bao giờ họ đặt chỉ tiêu vô địch. Bản thân Khánh Hoà cũng biết rằng họ thiếu rất nhiều yếu tố để đàng hoàng tranh ngôi vương với các đối thủ, từ tiềm lực tài chính đến tiềm lực con người.
Tư thế phù hợp với đội bóng phố biển là tư thế “ngựa ô”, tức là cố gắng gây bất ngờ cho các đối thủ, chứ chưa đủ đẳng cấp để toàn bộ các trận đấu của giải, đều phải chơi với tư thế của một đội kèo trên, áp đặt lối chơi trước đối phương.
Còn với Than Quảng Ninh, họ vẫn là hiện tượng. Trong một ngày đẹp trời, hoặc một vài thời điểm nhất định, đội bóng vùng mỏ đủ sức đánh bại bất kỳ đối thủ nào. Nhưng Than Quảng Ninh vẫn chưa đủ chiều sâu lực lượng để đua cuộc đua đường dài đến ngôi vô địch V-League.
Thực tế là lực lượng dự bị của Than Quảng Ninh kém hơn hẳn so với lực lượng dự phòng của CLB Hà Nội, mà đây là yếu tố rất quan trọng trong những cuộc đua đường dài. Nên không lạ khi Than Quảng Ninh không ổn định bằng CLB Hà Nội.
Nếu đi tìm đội bóng có lực lượng ngang, thậm chí nhỉnh hơn so với CLB Hà Nội, đội đấy chỉ có thể là FLC Thanh Hoá. Xét về số lượng các ngôi sao, FLC Thanh Hoá nhỉnh hơn bất cứ đội nào tại V-League.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, 2 – 3 mùa bóng qua, đội bóng xứ Thanh vẫn chưa thể chạm đến ngôi vô địch V-League, vì các ngôi sao của họ thường xuyên không thể kết thành một khối.
Sau 5 trận đấu, FLC Thanh Hoá mới có 7 điểm, đã để thua đến 2 trận và kém đội đầu bảng CLB Hà Nội đến 6 điểm. Đấy là thông số khá kém với một đội bóng vốn được đầu tư tốn kém nhất V-League, vốn được xem là ứng cử viên vô địch số 1 của giải.
Năm ngoái, FLC Thanh Hoá từng bỏ khá xa CLB bóng đá Quảng Nam ở giai đoạn đầu của giải, mà rốt cuộc vẫn về sau đối thủ. Năm nay, họ khởi động chậm hơn hẳn đối phương, nên về lý thuyết, khả năng đội bóng xứ Thanh về đích trước tiên lại càng thấp, vì chuyện chạy với tốc độ chậm lúc ở gần đích đến dường như đã trở thành “truyền thống” của FLC Thanh Hoá.
Một đội bóng khác để lại rất nhiều thất vọng sau 5 vòng đấu đầu tiên là HA Gia Lai. Bất chấp thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 3 tháng trước, với đến 6 cầu thủ HA Gia Lai được gọi lên đội tuyển dự giải đấu đấy, đội bóng phố núi vẫn chỉ ở tầm trình độ thấp tại V-League, vẫn được vào hàng những ứng cử viên rớt hạng của giải vô địch quốc gia.
Kỳ thực, dù có đến 6 cầu thủ có trong danh sách tham dự VCK U23 châu Á trong màu áo U23 Việt Nam, chỉ có 3 cầu thủ HA Gia Lai có suất đá chính trên đất Trung Quốc, gồm Xuân Trường, Văn Thanh và Công Phượng. Riêng Công Phượng vẫn khá thất thường và thiếu nhạy bén trong các tình huống đối mặt với thủ môn mà anh vẫn thường có tại V-League.
Và kỳ thực, ngoại trừ Xuân Trường và Vũ Văn Thanh, phần còn lại của HA Gia Lai trong 3-4 năm qua không tiến bộ đáng kể, khi chuyển từ các sân chơi trẻ sang sân chơi chuyên nghiệp tại V-League. Đấy cũng là vấn đề khiến làng cầu Việt Nam trăn trở, xung quanh dàn cầu thủ có rất nhiều triển vọng, nhưng vẫn chưa thoát hẳn khỏi dạng tiềm năng, để bứt lên thành những tài năng lớn!
Kim Điền