Đừng khóc cho Djokovic, Carlos Alcaraz xứng đáng là Vua!
(Dân trí) - Trên sân đấu Trung tâm ở giải Wimbledon, Carlos Alcaraz đã xô đổ tượng đài Djokovic để viết nên trang sử mới. Rất có thể, lịch sử của banh nỉ sẽ sang trang sau giải đấu này.
Carlos Alcaraz - Vị vua mới của làng quần vợt
Có chi tiết đáng chú ý, trong 10 năm qua, không có tay vợt nào đánh bại được Novak Djokovic trên sân Trung tâm ở Wimbledon sau Andy Murray năm 2013. Ở thời khắc Nole dẫn trước Carlos Alcaraz tới 5-0 trong set đầu tiên trận chung kết Wimbledon 2023 vào hôm qua, nhiều người đã nghĩ về kịch bản quen thuộc.
Những chi tiết ấy càng khắc họa chiến tích của Alcaraz. Chỉ một tháng trước, tay vợt người Tây Ban Nha đã "đầu hàng" trước cơn cuồng phong mang tên Djokovic ở bán kết Roland Garros vì chấn thương (một phần bị ảnh hưởng bởi tâm lý). Nhưng giờ đây, tay vợt trẻ đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Anh ngược dòng chiến thắng Nole, chiến thắng cả nỗi sợ hãi của chính mình để khắc tên trên ngôi đền danh vọng ở Wimbledon. Tuổi 20 của Alcaraz rực rỡ theo cách như vậy.
"Carlos thể hiện sức mạnh vô song cả về tinh thần lẫn thể chất. Cậu ấy đã chơi thứ quần vợt hay nhất. Alcaraz quá mạnh mẽ, với những cú đánh không thể tin được. Carlos đã chứng minh cậu ấy là tay vợt số một thế giới hiện nay", Djokovic chia sẻ sau khi nếm mùi thất bại ở chung kết Wimbledon.
Nếu muốn thắng Nole (đặc biệt là trong trận chung kết) thì đối thủ cần phải thể hiện tinh thần dữ dội hơn cả "cỗ máy chiến thắng" người Serbia. Alcaraz đã làm được điều đó. Như tay vợt người Serbia thừa nhận: "Alcaraz quả thực kiên cường và trưởng thành hơn rất nhiều so với tuổi 20".
Sự kiên cường của Alcaraz không phải là món quà từ trên trời rơi xuống, mà là quá trình tích lũy, với không ít đau thương. Ở giải US Open năm ngoái, tay vợt người Tây Ban Nha đã trải qua thời gian ra sân kỷ lục là 23 giờ 39 phút, bao gồm 3 trận đấu diễn ra 5 set.
Không ít trận đấu diễn ra vào lúc nửa đêm. Trước trận bán kết, Alcaraz đi ngủ lúc 6 giờ sáng. Phần thưởng sau nỗ lực ấy là Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của tay vợt tuổi teen (dưới 20 tuổi).
Trong vòng một năm qua, người hâm mộ không ít lần chứng kiến những cuộc vượt thác của Alcaraz để trở thành tay vợt số một thế giới. Sau US Open, tay vợt sinh năm 2003 buộc phải rút lui khỏi ATP Finals vì chấn thương. Ngay khi trở lại tập luyện với cường độ cao, Alcaraz tiếp tục dính chấn thương gân kheo và phải rời khỏi Australian Open.
Tay vợt người Tây Ban Nha sau đó gục ngã trước Djokovic vì chấn thương ở bán kết Roland Garros và bị đá bay khỏi vị trí số một thế giới. Nhưng chưa đầy nửa tháng sau, Alcaraz đã trở lại ngôi vị sau khi giành chức vô địch London Open vào cuối tháng 6.
Ở tuổi 20, Alcaraz đang đi trên con đường của người đồng hương Rafael Nadal nhưng tay vợt thuộc thế hệ "Next Gen" không sinh ra để trở thành Nadal thứ hai. Anh đang bước trên con đường của mình, với những trải nghiệm đầy thú vị.
Tờ Daily Mail đánh giá lối chơi của Alcaraz là sự kết hợp của đôi chân ấn tượng của Federer, khả năng bao quát tốt của Nadal và sự tập trung tới khó tin của Djokovic.
Điều quan trọng, sau mỗi cú ngã hay chấn thương, Alcaraz đã rút ra được những bài học và ý thức được giá trị của sự chuyên nghiệp. Tay vợt trẻ này bắt đầu có thói quen dậy sớm, duy trì chế độ sinh hoạt khoa học và ăn uống lành mạnh.
Alcaraz tâm niệm rằng chỉ khi xây chắc nền, anh mới có thể duy trì sự nghiệp lâu dài. "Kể từ sau chấn thương hồi tháng Giêng, tôi bắt đầu chú ý hơn tới lối sống bên ngoài sân quần vợt", Alcaraz tâm sự.
Thứ vũ khí lợi hại của Alcaraz
Sau khi Alcaraz vô địch US Open năm ngoái, tờ New Yoker đã có bài viết khá dài phân tích về những bước di chuyển của Alcaraz. Việc xác định tốc độ của vận động viên quần vợt không giống như tính thời gian của vận động viên chạy nước rút.
Ở quần vợt, tốc độ ở đây không bao hàm sự vận động của đôi chân, mà còn đòi hỏi có đôi mắt tinh tường và bộ não với tốc độ xử lý không khác gì máy tính.
Sự phán đoán đôi khi chỉ diễn ra trong tích tắc sau khi trái bóng rời khỏi vợt của đối thủ. Thắng bại của nhiều trận đấu quần vợt cũng được quyết định bởi tích tắc. Ngày nay, các trận đấu quần vợt diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Do đó, việc làm chủ được tốc độ luôn là điều mà các tay vợt hàng đầu hướng tới.
Thời kỳ đỉnh cao, Djokovic và Nadal đã vươn lên thống trị làng quần vợt nhờ sở hữu thứ vũ khí lợi hại này. Giờ đây, Alcaraz chính là người thừa kế kỹ năng phi thường này. Theo đánh giá của tờ New Yorker, Alcaraz của nhiều năm sau này sẽ là phiên bản đáng gờm hơn rất nhiều so với tuổi 20 nếu được tích lũy thêm kinh nghiệm chiến đấu.
Sau khi thất bại trước Alcaraz ở US Open năm ngoái, Frances Tiafoe từng thừa nhận: "Tôi chưa bao giờ gặp tay vợt di chuyển tốt như vậy". Bại tướng của Alcaraz ở giải đấu đó, Caspes Ruud đã nhấn mạnh về tốc độ đôi chân của tay vợt người Tây Ban Nha. "Anh ấy quá nhanh và là tay vợt di chuyển tuyệt vời", tay vợt người Na Uy thừa nhận.
Có chi tiết ít người để ý, môn thể thao ưa thích thứ hai của Alcaraz (sau quần vợt) là cờ vua. Ngay từ khi còn bé, tay vợt này đã trở thành đối thủ của ông nội trên bàn cờ. Chính điều này đã giúp cho tay vợt sinh năm 2003 định hình chiến lược khá cụ thể trong từng trận đấu.
Nhà vô địch Wimbledon 2023 tâm sự: "Tôi rất thích chơi cờ vua. Bạn phải tập trung và phải suy nghĩ trước từng nước cờ. Tôi thấy môn cờ vua có nhiều điểm tương đồng với quần vợt. Bạn luôn phải dự đoán trước cách xử lý của đối thủ và chủ động di chuyển, tạo ra sự khó chịu. Vì vậy, tôi luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu cờ vua".
Ở tuổi 20, thành công đã bắt đầu xuất hiện với Alcaraz. 12 danh hiệu cá nhân ở tuổi đôi mươi là gia tài lớn với bất kỳ tay vợt nào. Nhưng mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Với tiềm năng của mình, Alcaraz được dự đoán tiến xa hơn thế, thậm chí là tạo nên kỷ lục mới của làng banh nỉ.
Trên chặng đường ấy, Alcaraz không muốn trở thành bản sao của bất kỳ ai. Điều đó đã được anh nhấn mạnh: "Tôi không sinh ra để trở thành Rafa hay Roger mới. Tôi muốn trở thành Carlitos mới".