Đồng tiền che mắt và lời cảnh báo sau thảm kịch ở giải chạy Trung Quốc

H.Long

(Dân trí) - Theo tờ Sina, nguồn lợi quá lớn từ những giải chạy đã khiến cho nhiều giải đấu nhỏ, thiếu chuyên nghiệp ra đời. Và khi yếu tố an toàn không được đáp ứng, thảm kịch đã xảy ra ở giải chạy tại Cam Túc.

Phong trào chạy Marathon nở rộ ở Trung Quốc

Báo giới Trung Quốc đã gọi vụ 21 người chết trong giải chạy ở núi Hoàng Hà (Bạch Ngân, Cam Túc, Trung Quốc) là thảm kịch. Tuy nhiên, trước khi sự việc này diễn ra, có một tình trạng không thể phủ nhận rằng những giải chạy như vậy đang được tổ chức tràn lan trên khắp đất nước tỷ dân.

Đồng tiền che mắt và lời cảnh báo sau thảm kịch ở giải chạy Trung Quốc - 1

Phong trào Marathon đang nở rộ ở Trung Quốc.

Theo tờ Sina, trong những năm qua, phong trào chạy Marathon đang có xu hướng bùng nổ bởi nhu cầu quá lớn của người dân. Các sự kiện được tổ chức ồ ạt. Số lượng người tham gia ở các giải chạy ngày một lớn. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới công tác tổ chức.

Tổng cục thể thao Trung Quốc đã nhấn mạnh tới yếu tố an toàn trong các giải chạy nhưng trước cơn sốt chạy Marathon quá lớn trên khắp đất nước, việc quản lý vẫn là vấn đề khó khăn.

Ai Guoyong, người sáng lập ra công ty Macondo (chuyên tổ chức giải chạy), đã tỏ ra rất sốc sau khi chứng kiến thảm họa 21 người chết ở giải chạy núi Hoàng Hà. Vào năm 2015, khi vẫn còn là nhân viên tổ chức sự kiện, anh đã cảm thấy "miếng bánh màu mỡ" ở các sự kiện tổ chức chạy Marathon bởi nhu cầu ngày một tăng cao.

"Trước năm 2015, số lượng người đăng ký chạy Marathon còn rất ít ỏi. Tuy nhiên, sau đó, người ta đã thấy sự bùng nổ tới kinh ngạc" - Ai Guoyong chia sẻ.

Năm 2014, Hiệp hội điền kinh Trung Quốc đã nới rộng điều kiện đăng ký các giải chạy Marathon. Điều này đã khiến cho số lượng người đăng ký tham gia các giải Marathon bùng nổ một cách chóng mặt. Nếu như năm 2014 chỉ có 51 sự kiện Marathon thì tới năm 2015, con số ấy đã tăng lên 134 sự kiện và sau đó nhảy vọt lên 328 sự kiện vào năm 2016 (tức gấp 6 lần so với năm 2014).

Theo Báo cáo phân tích dữ liệu về Marathon ở Trung Quốc vào năm 2019 do Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc công bố, số sự kiện Marathon đã tăng từ 22 sự kiện vào năm 2011, nhảy vọt lên 1828 sự kiện vào năm 2019.

Đồng tiền che mắt và lời cảnh báo sau thảm kịch ở giải chạy Trung Quốc - 2

Yếu tố an toàn đang bị xem nhẹ ở các giải Marathon.

Nếu xét về số lượng người tham gia, năm 2011 chỉ có 400.000 người tham gia thì tới năm 2019, con số ấy đã nhảy vọt lên 7,1 triệu người. Riêng chỉ trong 1 năm từ 2018-2019, có thêm 1,2 triệu người đăng ký mới (tăng 22,22% so với cùng kỳ năm trước).

Theo giáo sư Chen Yuanxin của trường đại học Sư phạm giáo dục thể chất, các cuộc thi Marathon giờ đây không chỉ còn đơn thuần là các giải đấu thể thao, thay vào đó, nó là cơ hội để quảng báo thành phố cũng như các danh lam thắng cảnh.

Ông nói: "Đằng sau những giải đấu Marathon có thể là cơ hội phát triển kinh tế, xã hội. Các cuộc thi Marathon giờ đây kết hợp cả thể thao và du lịch. Nó giúp cho thành phố có thể quảng bá một cách tốt nhất".

Khi đồng tiền làm mờ mắt nhà tổ chức…

So với các môn thể thao khác, Marathon không cần phải xây dựng địa điểm thi đấu, mà chỉ cần lập kế hoạch cho các cung đường. Sau đó, các nhà tổ chức chỉ cần quảng bá rộng rãi là có thể hoàn thành khâu tổ chức. Hầu hết, chính quyền thành phố để giao cho những đơn vị tổ chức sự kiện để lên kế hoạch và điều hành giải đấu Marathon.

Cũng chính vì nhu cầu chạy Marathon ngày càng cao, các công ty tổ chức sự kiện mọc lên như nấm. Theo tờ Sina, chi phí tổ chức sự kiện Marathon lớn mất khoảng 10 triệu NDT. Trong khi đó, họ chỉ thu về 6-7 triệu NDT từ tiền tài trợ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng các công ty tổ chức sự kiện sẽ lỗ vốn (bởi lỗ thì họ đã không làm). Giờ đây, họ còn thu về được hàng núi tiền từ số tiền đăng ký tham dự của các vận động viên, tiền bán bản quyền truyền hình, bán đồ lưu niệm và một phần từ ngân sách địa phương hỗ trợ.

Đồng tiền che mắt và lời cảnh báo sau thảm kịch ở giải chạy Trung Quốc - 3

Các công ty tổ chức manh mún, nhỏ lẻ ở các sự kiện có độ nguy hiểm cao.

Chính khoản này đã tạo nguồn lợi nhuận lớn cho những nhà tổ chức sự kiện. Bên cạnh đó, nếu tổ chức sự kiện thành công thì tiếng vang của họ sẽ ngày càng lớn.

Nhưng vấn đề ở chỗ, việc có quá nhiều công ty tổ chức sự kiện mọc lên, dẫn tới sự thiếu chuyên nghiệp và manh mún. Đơn cử như chính giải chạy việt dã ở núi Hoàng Hà vừa qua.

Đơn vị tổ chức giải đấu này là Công ty TNHH Phát triển Văn hóa Thể thao Gansu Shengjing. Đây là lần thứ 4 họ tổ chức sự kiện chạy việt dã 100km ở núi Hoàng Hà. Nhưng có chi tiết khiến nhiều người hoảng hồn, toàn bộ nhân sự của công ty này chỉ có… 20 người.

Điều này dẫn tới quá nhiều thiếu sót trong công tác chuẩn bị, tổ chức. Họ không lường trước được nguy hiểm. Đơn cử như vậy, công ty này chỉ bố trí các đơn vị cứu hộ, cũng như trang bị áo ấm cho các vận động viên ở địa điểm check-in CP6. Họ gần như bỏ qua các công tác này ở cung đường từ CP2 đến CP4 (cung đường nguy hiểm nhất). Và khi chỉ cần có thảm họa thiên nhiên xảy ra, tất cả đã trở thành… bi kịch.

Giáo sư Chen Guoqiang của Viện Giáo dục Thể chất Thượng Hải cho rằng lợi nhuận của giải chạy Marathon khó đong đếm cụ thể nhưng điều quan trọng, sự ủng hộ của chính quyền là yếu tố để các công ty mặc sức tổ chức.

Giáo sư Chen Yuanxin cho rằng một vài đơn vị cố gắng rút bớt chi phí tổ chức, để đạt lợi nhuận tối đa. Do đó, họ sẵn sàng bỏ qua yếu tố an toàn. Ông nói: "Chi phí tổ chức các giải Marathon là tương đối cao, nhất là ở các sự kiện leo núi. Tuy nhiên, ở các giải đấu leo núi thì yếu tố an toàn càng phải được đảm bảo. Thế nhưng, nhiều công ty sẵn sàng bỏ qua yếu tố an toàn và chấp nhận những rủi ro".

Đài truyền hình CCTV cho rằng đã đến lúc các đơn vị tổ chức phải chuyên nghiệp hơn. Họ cần phải lên kế hoạch cung đường một cách cụ thể, đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn như cứu hộ, y tế, cung cấp thực phẩm… khi cần thiết.

Đồng tiền che mắt và lời cảnh báo sau thảm kịch ở giải chạy Trung Quốc - 4

Việc cấp phép tổ chức các sự kiện Marathon ở Trung Quốc còn lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, nhiều tờ báo Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng thắt chặt phê duyệt, cấp giấy phép bởi các sự kiện Marathon ngày càng bát nháo và hỗn loạn.

Và chỉ sau khi thảm họa ở Cam Túc xảy ra, Tổng cục thể thao Trung Quốc mới tổ chức cuộc họp gấp để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt quy định tổ chức các sự kiện thể thao (đặc biệt là thể thao mạo hiểm).

Bên cạnh việc kêu gọi các công ty tổ chức cần phải chuyên nghiệp hơn, giáo sư Chen Yuanxin cũng cho rằng các vận động viên cũng cần có trang bị kiến thức cho chính mình, để tìm được giải pháp an toàn trong thời khắc khó khăn (chứ không phải mặc sức đăng ký ồ ạt như thời gian qua).