Đội tuyển Việt Nam và hàng tấn công HA Gia Lai

(Dân trí) - Trong nhiều thời điểm của trận đấu giao hữu với Trung Hoa Đài Bắc hôm 22/3, HLV Nguyễn Hữu Thắng sử dụng hầu hết các gương mặt của HA Gia Lai trên hàng tấn công của đội tuyển Việt Nam. Vấn đề là hiệu quả của việc dùng người này không cao.

Ngoài Công Phượng đá tiền đạo lùi, Xuân Trường đá tiền vệ tổ chức, HLV Nguyễn Hữu Thắng còn sử dụng Hồng Duy và Văn Toàn ở 2 cánh ở nửa sau của trận đấu với Trung Hoa Đài Bắc, nhằm tận dụng sử hiểu nhau của các cầu thủ xuất thân từ HA Gia Lai trong các pha phối hợp tấn công.

Khi Tuấn Anh hồi phục chấn thương trong thời gian tới, HLV Nguyễn Hữu Thắng có lẽ cũng sẽ sử dụng tiền vệ này trong vai trò tổ chức, đồng thời sẽ gần như bê nguyên si công thức tấn công của HA Gia Lai vào đội tuyển quốc gia (đấy là chưa tính đến 2 hậu vệ biên Văn Thanh và A Hoàng nơi tuyến dưới).

Nhưng vấn đề là công thức tấn công này không mang lại hiệu quả, khiến đội tuyển Việt Nam phải rơi vào thế rượt đuổi trước đội bóng yếu Trung Hoa Đài Bắc (cho dù chính đối phương cũng không sử dụng thành phần mạnh nhất của mình).

Thực tế là ngay chính ở CLB của mình, tại giải trong nước, hàng tấn công của HA Gia Lai cũng chẳng sắc bén gì. Qua 10 vòng đấu tại V-League, HA Gia Lai mới chỉ ghi 9 bàn thắng, là đội ghi bàn kém nhất tại giải vô địch quốc gia, kém hơn cả 2 đội chót bảng vốn cực yếu là Long An (cũng đã có 10 bàn) và Cần Thơ (11 bàn).

Những cầu thủ xuất thân từ HA Gia Lai thi đấu chưa hiệu quả trên hàng tấn công của đội tuyển Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)
Những cầu thủ xuất thân từ HA Gia Lai thi đấu chưa hiệu quả trên hàng tấn công của đội tuyển Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)

Ngay ở giải trong nước, hàng tấn công của HA Gia Lai cũng chưa làm gì được các hàng thủ nội. Thành ra, không lạ khi họ thể hiện hiệu suất rất kém khi xuất hiện cùng nhau ở đội tuyển quốc gia.

Và đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng hiện đang mang trong mình nhược điểm y hệt nhược điểm của HA Gia Lai tại giải trong nước, tức là giữ bóng thì rất nhiều, nhưng hiệu quả giữ bóng lại không cao. Nếu không muốn nói là giữ bóng nhưng ý đồ tấn công thiếu rõ ràng.

Về mặt cá nhân, Công Phượng ở đội tuyển quốc gia cũng y hệt như Công Phượng trong màu áo HA Gia Lai, tức là dứt điểm nhiều nhưng tỷ lệ sút trúng đích cực thấp, đồng thời tính ổn định không cao.

Nên nhớ ở cấp độ đội tuyển quốc gia, việc tạo ra cơ hội là rất khó, nên tính ổn định của các cầu thủ, khả năng tận dụng cơ hội của hàng tấn công là rất quan trọng, trong khi đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng đang thiếu trầm trọng yếu tố này.

HLV lão làng Lê Thuỵ Hải nhận xét rằng “cầu thủ không biết đá bóng cũng được gọi vào đội tuyển”. Có thể nhận xét của ông Hải hơi chua chát, nhưng về tính hình tượng, vị HLV từng 3 lần vô địch V-League không phải không có lý.

Ví dụ như trường hợp của Hồng Duy vốn chưa tạo được ấn tượng gì ở đẳng cấp giải quốc nội, thậm chí nhiều năm liền đá giải trẻ U21 quốc gia cũng không làm nên trò trống gì, có nhiều điểm kém so với các đồng nghiệp cùng trang lứa, mà vẫn được gọi lên đội tuyển quốc gia thì quả là hơi bất công cho nhiều cầu thủ khác.

Cũng hiếm có đội tuyển quốc gia nào trên thế giới có chuyện một đội bóng nhiều năm liền lặn ngụp với nguy cơ rớt hạng tại giải quốc nội, nhưng lại thường xuyên có đông cầu thủ nhất được gọi lên đội tuyển quốc gia như đội tuyển Việt Nam, dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Bản thân ông Thắng từng lựa chọn cầu thủ không tốt, không có phong độ cao ở CLB, nhưng vẫn được trọng dụng ở đội tuyển quốc gia rồi thất bại tại AFF Cup 2016. Nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng không tránh được vết xe đổ của chính mình, không rút ra được bài học gì từ thất bại của ít tháng trước, thì nói cho cùng đấy vẫn là lựa chọn của bản thân ông HLV trưởng đội tuyển Việt Nam!

Kim Điền

Đội tuyển Việt Nam và hàng tấn công HA Gia Lai - 2