Đội tuyển Việt Nam đã khiến Chanathip Songkrasin “tắt điện” như thế nào?
(Dân trí) - Được kỳ vọng rất nhiều, nhưng “Messi Thái” Chanathip Songkrasin hoàn toàn mất hút trong trận đấu giữa đội tuyển Thái Lan với đội tuyển Việt Nam. Việc khống chế “Messi” Thái cũng mở ra khả năng vô hiệu hoá các “nhạc trưởng” của các đội Malaysia và Indonesia khi chúng ta giáp mặt họ.
Cũng giống như Thái Lan, các đối thủ tiếp theo của đội tuyển Việt Nam là Malaysia và Indonesia cũng sở hữu các nhạc trưởng, được cho là linh hồn trong lối chơi của các đội bóng này.
Điểm đáng chú ý nằm ở chỗ các nhạc trưởng của 2 đội Malaysia và Indonesia hiện tại đều là những ngoại binh nhập tịch. Cầu thủ giữ vai trò cầm chịch trục giữa của Malaysia hiện là Brendan Gan, một cầu thủ gốc Australia, vừa được khoác áo đội tuyển Malaysia từ vòng loại World Cup đang diễn ra.
Trong khi đó, nhạc trưởng của Indonesia trong ít năm trở lại đây là cầu thủ gốc Hà Lan Stefano Lilipaly.
Việc đội tuyển Việt Nam làm “tắt điện” Chanathip Songkrasin, cũng mở ra khả năng chúng ta sẽ vô hiệu hoá Brendan Gan và Stefano Lilipaly trong các trận đấu giữa chúng ta gặp Malaysia (ngày 10/10) và gặp Indonesia (ngày 15/10), trước khi hạn chế sự nguy hiểm của đội bóng xứ Mã và đội bóng xứ vạn đảo.
Riêng việc vô hiệu hoá Chanathip Songkrasin mới đây, đội bóng của HLV Park Hang Seo thực hiện rất uyển chuyển.
Chúng ta không kèm “Messi Thái” theo kiểu… bắt chết, như cách tiền vệ trung tâm Nguyễn Minh Châu từng khống chế Thonglao của Thái Lan trong trận chung kết AFF Cup 2008, mà đội tuyển Việt Nam vô hiệu hoá Chanathip Songkrasin bằng lối phòng ngự khu vực.
Trong lối chơi này, vai trò của 2 tiền vệ trung tâm Nguyễn Tuấn Anh và Đỗ Hùng Dũng cực kỳ quan trọng, vì họ là những người đá gần với vị trí của Chanathip Songkrasin nhất.
Đặc biệt là sự xuất sắc đến bất ngờ của Tuấn Anh góp phần rất lớn vào việc giúp đội tuyển Việt Nam giữ vững trục giữa, vừa hạn chế tầm hoạt động của các tiền vệ Chanathip Songkrasin và Thitiphan Puangchan của Thái Lan, vừa giúp toàn đội vẫn có được những đòn tấn công đủ gây áp lực cho đối thủ, đồng thời vẫn đủ người trong các pha tấn công kể trên.
Thoạt nhìn, Tuấn Anh có thể khiến đối phương lầm tưởng anh chỉ thiên về vai trò tổ chức, vì phong cách giữ bóng và xử lý của anh quá kỹ thuật và uyển chuyển, và họ không ngờ một tiền vệ chơi thiên về kỹ thuật như thế vẫn có khả năng tranh chấp tay đôi, thu hồi bóng và hỗ trợ phòng ngự từ xa.
Thành ra, Tuấn Anh và Hùng Dũng người lên người xuống, đá so le nhau rất hiệu quả, người này có thể hỗ trợ cho người kia ở tuyến giữa, mà đụng cầu thủ nào trong số họ, Chanathip Songkrasin cũng gặp khó khăn trong việc giữ bóng, xử lý bóng.
Không còn nhiều thời gian và không gian để hoạt động, luôn bị vây ráp và bị gây áp lực bởi các tiền vệ trung tâm của đội tuyển Việt Nam, “Messi Thái” gần như bị vô hiệu hoá trong trận đấu ngay trên sân nhà.
Chính Chanathip Songkrasin sau trận đấu cũng thừa nhận anh không thể phát huy hết các điểm mạnh của mình, và có lẽ chính cầu thủ này cũng không ngờ đội tuyển Việt Nam khống chế anh và các đồng đội của anh hiệu quả như thế!
Kim Điền