Đội tuyển nữ Việt Nam không có quà ngày 20/10

(Dân trí) - “Ngày 8/3 may ra còn được tặng hoa vì ngày đó thường trùng với thời điểm diễn ra giải VĐQG. Còn ngày 20/10 hầu hết các cầu thủ nữ đề về nhà nghỉ ngơi sau 1 năm tập luyện, thi đấu vất vả, hiếm khi nhận được quà lắm, có lời chúc qua tin nhắn cũng là vui rồi!”, một tuyển thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chia sẻ.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa xuất sắc hoàn thành mục tiêu giành vé tham dự vòng 3 vòng loại Olympic 2016. Chiến thắng của các cô gái Việt Nam càng đẹp khi họ vượt qua kình địch Thái Lan với tỷ số 2-0 trong trận đấu cuối vòng bảng. Vượt qua Thái Lan ở giải đấu nào cũng luôn mang lại cảm xúc với đội tuyển nữ cũng như người hâm mộ Việt Nam.

Sau thành tích vào tới vòng cuối vòng loại Olympic 2016, thầy trò HLV Norimatsu Takashi đã được VFF thưởng nóng 600 triệu đồng. Đây thực sự là món quà rất ý nghĩa, dù các nữ tuyển thủ xứng đáng được nhận nhiều hơn như thế.

 

Đội tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành quyền vào vòng loại thứ ba Olympic Rio
Đội tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành quyền vào vòng loại thứ ba Olympic Rio

 

“Đây là lần đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam lọt vào vòng loại thứ 3 của sự kiện Olympic. Đó là thành tích đáng mừng, đánh dấu cột mốc lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam. Với những gì các cầu thủ đã thể hiện tại giải đấu vừa rồi, đó là tín hiệu tốt cho thấy bóng đá nữ đang được phát triển đúng hướng từ việc trẻ hóa lực lượng và nâng tầm thể lực cầu thủ Việt Nam”, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Hoài Anh, trong thời gian tới, đội tuyển nữ Quốc gia sẽ tiếp tục được chú trọng với các kế hoạch tập huấn chất lượng trước khi bước vào tham dự vòng loại thứ 3 Olympic nữ Rio 2016.

Nhiệm vụ nặng nề vẫn ở phía trước với đội tuyển nữ, nhưng sự quan tâm của VFF và cả người hâm mộ với họ luôn chỉ là thoáng qua. Các cô gái Việt Nam đã quá quen với cảnh “thị xong xuôi tất cả lại về”.

Trở về nước, Minh Nguyệt là một trong những cầu thủ nhận được nhiều lời chúc nhất. Cô gái có nụ cười tươi tắn này là tác giả của 2 bàn thắng vào lưới Thái Lan, giúp tuyển nữ Việt Nam giành quyền đi tiếp. Tuy nhiên, niềm vui của Minh Nguyện cũng qua mau, bởi cô cũng như các đồng đội khi về nhà luôn phải lo cho cuộc sống, vốn rất khó khăn, thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam.

Rất nhiều các tuyển thủ nữ đều có gia cảnh đặc biệt, nhưng với Nguyễn Thị Liễu thì chính các đồng đội của cô cũng phải rơi nước mắt. Liễu mất bố từ nhỏ, nên mẹ chính là người chịu bao vất vả nuôi em lên người. Chưa báo hiếu với mẹ vì tập luyện, thi đấu liên miên, năm 2014 mẹ Liễu qua đời. Trở về sau khi để hụt vé World Cup vào tay người Thái, Liễu sẽ dùng số tiền thưởng ít ỏi và vay mượn thêm bạn bè để mở một hiệu tóc, kiếm thêm đồng ra đồng vào trong lúc nghỉ đá bóng.

Nếu như Nguyễn Thị Liễu mất cả bố lẫn mẹ, thì với Nguyễn Thị Hoà lại đang gánh nặng trên vai cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn. Gia cảnh Hòa khó khăn chồng chất khi mẹ cô bị tai nạn và phải cắt bỏ hai chân. Bố Hòa, ông Nguyễn Tiến Phượng là thương binh 4/4, bị mất sức lao động, giờ đây ông vẫn đang chiến đấu với chứng bệnh teo cơ chân, đau đầu kinh niên do di chứng của chiến tranh. Người anh sửa chữa điện tử nhưng cũng chẳng đủ ăn, kinh tế gia đình trông chờ cả vào đồng lương ít ỏi của Hoà.

Nguyễn Thị Muôn cứ về đến nhà là ra đồng cấy lúa, cuốc đất phụ bố mẹ. Từ trước tới nay, mỗi khi có tiền thưởng hay lương, Muôn đều mang về cho mẹ. Muôn muốn giúp mẹ sửa lại căn nhà 3 gian đã quá cũ. Đồng đội của Muôn là Tuyết Dung cũng quá quen với công việc đồng áng mỗi khi về quê.

Những nữ tuyển thủ không được lót tay tiền tỷ, lương tháng vài chục triệu như các cầu thủ nam, nhưng đam mê với quả bóng tròn đã giúp họ đá bay mọi mặc cảm và vượt qua khó khăn. Họ luôn thể hiện sự quyết tâm, cháy hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Cống hiến là vậy, nhưng những ngày đặc biệt với chị em như 20/10, 8/3, các nữ cầu thủ đều chạnh lòng khi có người hỏi về quà tặng của lãnh đạo, đội bóng.Với họ, món quà lớn nhất chính là tình cảm của người hâm mộ sau mỗi chiến thắng. Đó cũng là sự an ủi, động viên sau những gì đã làm được cho bóng đá nữ nước nhà.

Ngô Linh