Đội tuyển nữ Việt Nam: Đi săn không súng

(Dân trí) - Yếu tố quan trọng nhất để dẫn đến thành công trong mọi lĩnh vực phải là yếu tố con người. Đội tuyển Việt Nam thất bại trước Thái Lan cũng vì thiếu con người phù hợp…

Hiệu suất ghi bàn quá kém

Có 4 tiền đạo (Thanh Hương, Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Hòa) được HLV Trần Vân Phát sử dụng trong suốt hành trình 4 trận đấu của đội tuyển nữ Việt Nam tại VCK giải vô địch châu Á năm nay, nhưng chỉ có mỗi mình Thanh Hương ghi được bàn thắng.

Cô gái đang đá bóng cho Phong Phú Hà Nam này ghi 2 bàn, nhưng điều đáng nói cả 2 bàn của Thanh Hương đều thực hiện vào lưới đội yếu nhất giải Jordan. Và một điều đáng nói khác ở chỗ cả 2 bàn thắng ấy đều có đóng góp lớn từ… thủ môn đối phương.

Cũng trong toàn bộ giải đấu, đội tuyển Việt Nam ghi 4 bàn thắng, 3 bàn trước Jordan. Trong đó, 2 bàn đến từ các tình huống cố định, 2 từ các cú sút xa. Có nghĩa là cách tìm kiếm bàn thắng của chúng ta vẫn phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố may mắn, thiếu sự bài bản trong khâu phối hợp.

Đội tuyển nữ Việt Nam thiếu các phương án tiếp cận khung thành đối phương, ảnh: Trọng Vũ
Đội tuyển nữ Việt Nam thiếu các phương án tiếp cận khung thành đối phương, ảnh: Trọng Vũ


Sự yếu kém của các tiền đạo là điều được nhìn ra từ khá lâu, đặc biệt là từ sau lúc Ngọc Châm rút lui. Chỉ có điều, một thời gian ngắn sau đó, chúng ta vẫn thở bằng hơi thở của lão tướng Kim Chi, vẫn dựa vào cô gái quá tài hoa này trong chiến dịch săn vàng ở SEA Games 2009, nên điểm yếu ấy chưa bộc lộ rõ như bây giờ.

Sau khi Kim Chi chia tay đội tuyển vì tuổi tác không cho phép cô đá lâu hơn nữa, sau khi Kim Hồng không còn giữ được phong độ đỉnh cao, bóng đá nữ Việt Nam cũng thiếu hẳn những tay săn bàn thiện chiến có khả năng băng lên gây bất ngờ từ hàng tiền vệ.

Điều đáng tiếc với chúng ta ở chỗ những tiền đạo được tin tưởng nhất như Thanh Hương, Minh Nguyệt không thiếu sự nhiệt tình, nhưng lại hạn chế về chuyên môn và độ tinh quái.

2 tiền đạo vừa nêu có rất nhiều tố chất của các tiền đạo hiện đại: Nhanh, khéo, khỏe. Nhưng vấn đề là họ lại thiếu trầm trọng sự nhạy cảm khi đứng trước khi khung thành đối phương, thiếu hẳn yếu tố gọi là bản năng săn bàn của các chân sút.

Sự đơn điệu trong đấu pháp

Khâu ghi bàn kém của đội tuyển nữ Việt Nam còn đến từ sự đơn điệu trong lối chơi của chính chúng ta. Như đã nói ở trên, trong số 4 bàn thắng của đội tuyển trong suốt giải, không có bàn nào đến từ những pha phối hợp bài bản. Điều đó nói cho cùng phản ánh rằng đội tuyển Việt Nam thiếu các phương án tiếp cận khung thành đối phương.

Một sự đơn điệu dễ nhận thấy khác là trước cả 4 đối thủ, ở 3 trình độ khác nhau (Nhật và Australia có trình độ cao nhất, Thái Lan dưới 2 đội trên nhưng hơn Jordan), đoàn quân của HLV Trần Vân Phát chỉ đá đúng 1 kiểu.

Còn việc chúng ta thua nhiều hay thua ít trước các đối thủ vừa nêu, đặc biệt là trước Nhật Bản và Australia, chủ yếu xuất phát từ chỗ họ muốn thắng chúng ta đến đâu, chứ số bàn thua đôi khi không phụ thuộc vào đội bóng của ông Phát.

Không có thay đổi trong lối chơi cho phù hợp với từng thời điểm và từng đối thủ, đội tuyển nữ Việt Nam càng nhàm chán trước đối phương, bởi họ không khó để hình dung ra các hướng tấn công và các mũi tấn công của đội tuyển Việt Nam.

Yếu tố con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi lĩnh vực. Nếu như chuyện các tiền đạo không giỏi ghi bàn thuộc về khả năng của từng cầu thủ, thì chuyện đội tuyển Việt Nam đơn điệu trong lối chơi phụ thuộc vào khả năng của HLV.

Không thể phủ nhận công lao của HLV Trần Vân Phát trong những năm ông gắn bó với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thời gian qua. Nhưng khác với ngày mới sang Việt Nam, khi đó, lối chơi của ông Phát thổi vào đội tuyển vẫn còn mới mẻ với làng cầu Đông Nam Á.

Còn giờ, sau nhiều năm không thay đổi, chúng ta đá thế nào, chuẩn bị trước mỗi trận đấu ra sao cả khu vực biết cả rồi, sau chừng ấy năm bản thân vị HLV trưởng đội tuyển nữ cũng không có thay đổi đáng kể!

Kim Điền