Đi tìm thủ lĩnh cho U23 Việt Nam
Sau 2 trận đấu tại LG Cup 2005, điều người hâm mộ thấy rõ nhất ở U23 VN là thứ vũ khí tinh thần, sự quyết liệt trong lối chơi. Tuy nhiên, trong điểm sáng ấy, chúng ta vẫn thiếu bóng dáng của một thủ lĩnh trên sân.
Khi ĐTQG tập trung chuẩn bị cho Honda Cup hồi tháng 6, ông Riedl đã tâm sự rằng ông nhớ mẫu cầu thủ kiểu như Hữu Thắng và Huy Hoàng. Khi U23 tập trung tại Nhổn giữa tháng 9 vừa rồi, vị HLV người Áo này vẫn giữ nguyên ý kiến trên. Ông cho rằng U23 hiện vẫn thiếu những mẫu cầu thủ như vậy để có thể thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh trên sân. Thực tế, 2 trận đấu đầu tiên của U23 tại LG Cup 2005 chứng minh ông Riedl đã đúng.
Nhìn lại hai trận đấu gặp U23 Bulgaria và U21 Syria, đặc biệt là 15 phút cuối trận trong trận đấu thứ 2 trong tình thế hơn đối phương một người mới thấy đội quân của ông Riedl đã thiếu hẳn một thủ lĩnh trên sân. Hải Lâm là cầu thủ được nhà cầm quân người Áo tin tưởng giao trọng trách thủ quân nhưng dường như chiếc băng đội trưởng lại trở thành sức nặng đối với anh, khiến anh thi đấu dưới sức.
Ở trận đấu với U21 Syria chiều 22/9, chính ông Riedl đã phải đưa Trọng Bình vào thế chỗ Hải Lâm. Rõ ràng ông không vui khi không thể đặt niềm tin vào một trong những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất của U23 quốc gia.
Hàng phòng ngự U23 VN hiện nay không có bất kì một cầu thủ nào có thể cầm chịch. Văn Trương giàu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, ngoài ra anh còn là một hậu vệ có khả năng chuyên môn cao được cả HLV và các đồng đội thừa nhận. Tuy nhiên, cầu thủ người Huế này lại ít nói và đôi lúc còn lầm lì. Chính vì lẽ đó mà anh không thể là đầu tàu cho các lá chắn.
Phước Vĩnh, Văn Pho, Trọng Bình, Hoàng Thương chưa thể khẳng định một vị trí chính thức trên sân cũng như không có gì nổi trội về mặt chuyên môn nên khó có thể đóng vai trò thủ lĩnh. Thanh Bình, Văn Quyến, Công Vinh cũng thế dù rằng có khả năng tốt và là những người có “thâm niên” lâu nhất trong màu áo quốc gia.
Quốc Anh, Tấn Tài, Quang Thanh, Quý Sửu chưa bao giờ được các đồng đội thật sự nể phục. Hai cầu thủ của ĐA.TP và Đồng Tháp đều mới chỉ là tân binh của U23. Họ cũng chưa thể hiện được nhiều trên sân bóng. Quốc Anh và Tấn Tài chơi năng nổ và có không ít những thời điểm bùng nổ nhưng vẫn thiếu sự ổn định trong phong độ. Ngoài ra, vị trí thi đấu ở tiền vệ cánh cũng khiến họ khó có thể liên hệ được với số đông các đồng đội cả về ngôn ngữ lẫn sự hòa điệu trong những đường bóng.
Khi Hải Lâm rời sân với một vẻ mặt buồn bã, băng đội trưởng đã được giao cho tiền vệ trụ Quốc Vượng. Anh cũng chính là cầu thủ Việt Nam chơi hay nhất trên sân trong 180 phút đầu tiên của U23 Việt Nam. Tuy nhiên, việc cầu thủ này có thể đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh của toàn đội hay không thì cần có thêm thời gian để kiểm chứng.
Thứ nhất, dù đã có tiến bộ rất nhiều trong thời gian gần đây về khả năng kiềm chế song bản chất tính cách của Vượng vẫn là một con người nóng tính. Thứ 2, việc không có những “vệ tinh” hiệu quả xung quanh để hỗ trợ anh ở khu trung tuyến cũng khiến cho Vượng khó có thể “cày ải” một cách sung mãn như vậy trong tất cả các trận đấu của đội tuyển.
Hồi SEA Games 22, Hữu Thắng đã chơi cực kỳ xuất sắc cũng chính bởi vì xung quanh anh luôn có sự hỗ trợ đắc lực của 2 người đồng đội Quốc Vượng (tiền vệ trung tâm) và Tài Em (tiền vệ trái song thường xuyên bó vào trung lộ để hỗ trợ khi cần thiết).
Đằng sau mỗi đội bóng thành công luôn có một cầu thủ thủ lĩnh. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 23, bên cạnh việc xây dựng một đội bóng, ông Riedl chắc chắn cũng phải tìm ra một thủ lĩnh thực sự để các cầu thủ khác có chỗ dựa cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Hy vọng sự trở lại của Tài Em sẽ mang đến cho U23 Việt Nam một thủ lĩnh thật sự. Điều đó sẽ tác động tích cực đến thành tích thi đấu của đội.
Theo Thành Nam
Vietnamnet