Đằng sau “kết nghĩa sân cỏ”

Gần đây, trên sân cỏ Việt Nam đang nở rộ những mối thâm tình giữa các đội bóng. Bên cạnh HAGL, SLNA, những đại gia trong trào lưu này, còn xuất hiện cả những mối tình tay ba, tay tư... Nhưng không phải mối tình nào cũng êm ả.

Ngoài những đại gia ấy, khi mùa giải 2005 vừa kết thúc, hàng loạt các đội bóng khác cũng tự cuốn mình theo cơn lốc “kết nghĩa” như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Nam, GĐT.LA...

 

Nhưng nói về đại gia siêu đẳng nhất trong khoản kết tình thân phải kể tới HA.GL. Từ những năm còn là tân binh ở V-League, HA.GL đã chủ động làm thân với SLNA để tiện bề trao đổi cầu thủ.

 

Một “mối tình” chưa đủ, đội bóng phố núi còn thân thiết với Bình Định tới độ cho mượn luôn cả HLV Ajhan Songamsak. Giờ đây, đội bóng phố núi còn trao đổi quân với cả Đà Nẵng khi Hùng Dũng sẽ lên phố núi còn Hải Lâm xuôi về sông Hàn.

 

Ấy vậy mà, mới mùa trước, bầu Đức đã khăng khăng không cho Phi Hùng xuống Đà Nẵng dù lúc ấy, HA.GL cũng chẳng cần cầu thủ này nữa. Lý lẽ của bầu Đức là “sẵn sàng cho không Phi Hùng” nhưng muốn xin “chú cũng phải nói trước một câu với anh” chứ không làm trò vượt mặt như thế.

 

Ba “mối tình” chưa đủ, gần đây HA.GL còn kết thêm cả công ty VST của anh em nhà Văn Sỹ Thủy. Lãnh đạo HA.GL đề nghị tài trợ 250 triệu đồng/năm để được lấy tối đa 5 cầu thủ/mùa.

 

Sống tình cảm không kém, bản thân SLNA không chỉ phối hợp nhịp nhàng với HA.GL mà còn gửi gắm cả phi đội gần chục cầu thủ dự bị cho Hoà Phát Hà Nội mượn. Giữa Hà Nội, Nghệ An còn có bản cam kết hỗ trợ nhau phát triển sau chuyến đi thăm Nghệ An của Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang.

 

Những mối liên doanh này được các CLB thực hiện triệt để, đôi bên cùng có lợi. Các đội chủ yếu hợp tác để hỗ trợ quân trong tình cảnh giá cầu thủ đắt như hiện nay. Hàng loạt những cầu thủ xứ Nghệ như Quốc Vượng, Phi Hùng, Văn Sĩ Hùng, Võ Văn Hạnh, Quang Trường được trao cho phố núi với giá chuyển nhượng rẻ bèo hoặc cho mượn không điều kiện. Nghệ An tự nhiên được tiếng thơm tạo điều kiện cho cầu thủ đi thi đấu trong khi đội đang thừa quân.

 

Không chỉ trao đổi cầu thủ, các đội bóng kết tình thân còn có nhiều mục đích khác. Có khi là tình nghĩa theo kiểu Đà Nẵng cho vua phá lưới Achilefu sang Quảng Nam. Những “mối tình” nhiều khi cũng giúp cho công việc làm ăn kinh doanh của các ông bầu xuôi chèo mát mái nữa.

 

Tuy nhiên, không phải “chuyện tình” nào cũng êm ả nếu các bên không biết cách chơi sao cho đẹp, xử sao cho khéo. Chuyện thân thiết giữa HA.GL và Bình Định đã gây nhiều đàm tiếu với những tin đồn ông bầu phố núi muốn giúp đội bóng quê hương Hoa Lâm Bình Định.

 

Cuối mùa giải vừa rồi, báo chí lao xao cả tuần khi có tin bầu Đức sẽ buông một vài trận để tạo điều kiện giúp cho Bình Định khi ấy nằm trong nhóm đèn đỏ(?).

 

Hay như khi thấy công ty VST của anh em Sỹ Thủy dù mới ra đời đã “đắt mối”, Sở TDTT Nghệ An cũng phát hoảng. Lãnh đạo Sở đã đề xuất ý tưởng công ty này ưu tiên “bán quân” số một cho các đội bóng ở tỉnh nhà chứ không thể để “chảy máu” tài năng.

 

Với lực lượng quân trẻ hùng hậu, đội Nam Định lọt vào mắt của khá nhiều đại gia. Khi GĐT.LA tỏ ý muốn kết tình, lãnh đạo đội Nam Định tuyên bố sẽ hỗ trợ hết mình giúp ĐKVĐ V-League đủ sức chiến đấu trên đấu trường C1 ĐNA.

 

“Chân tình” là thế, ấy vậy mà khi GĐT.LA đặt vấn đề mua Duy Hoàng, đội Nam Định nói thách giá kỷ lục lên tới trên 1 tỷ đồng! Chuyện nào đi chuyện ấy mà!

 

Theo Mai Trang

Tiền phong