1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

“Đại gia” Sài Gòn XT "thay tên đổi chủ"

(Dân trí) - Sau một thời gian ngắn công bố ý định muốn chuyển giao đội bóng, cuối cùng thì ông “bầu” Nguyễn Đức Thụy cũng chính thức rút khỏi cương vị chủ sở hữu của CLB Sài Gòn XT, bàn giao quyền sở hữu phần lớn cổ phần về tay một ông chủ khác…

Chuyện Sài Gòn XT sẽ đổi chủ đã rộ lên từ vài tháng qua, khi “bầu” Thụy công khai chủ trương chuyển giao đội bóng. Cho đến chiều qua thì mọi chuyện đi đến hồi kết, khi các cầu thủ của đội bóng thành phố được giới thiệu với ông chủ mới. Người sẽ nắm phần lớn cổ phần của Sài Gòn XT trong thời gian tới là ông Lưu Quang Lãm, người đang sở hữu công ty truyền thông nổi tiếng VFM (công ty mẹ của 2 kênh Bóng Đá TV và Thể Thao TV).

Theo tiết lộ của người trong cuộc, “bầu” Thụy vẫn còn giữ khoảng 30% cổ phần của Sài Gòn XT, nhưng ông Thụy không còn là người có quyết định cao nhất nơi đội bóng thành phố.

Ông Nguyễn Đức Thụy rút lui, đồng nghĩa với cái tên Xuân Thành cũng không còn được gắn với tên CLB, mà từ nay, Sài Gòn XT sẽ đổi tên thành Sài Gòn FC, vẫn hoạt động trên địa bàn TPHCM và mượn sân Thống Nhất làm sân nhà.

Trước mắt, quân số của đội dưới thời “bầu” Thụy vẫn được giữ nguyên, mà nòng cốt vẫn là những ngôi sao nổi tiếng như Minh Đức, Phước Tứ, Kesley, Tấn Trường, Trọng Bình… GĐĐH Trần Tiến Đại vẫn tiếp tục điều hành đội bóng, tiếp tục công việc mà ông từng làm khi còn dưới trướng “bầu” Thụy.

Với thực lực hùng hậu cùng tiềm lực tài chính của mình, ông chủ mới Lưu Quang Lãm vẫn tin rằng Sài Gòn FC vẫn đủ khả năng tranh chấp các thứ hạng cao tại V.League. Bên cạnh đó, người chủ mới còn mơ đến một phương án xây dựng kênh truyền hình riêng cho đội bóng.

Hiện, chưa biết Sài Gòn FC sẽ phô diễn ra sao tại giải VĐQG 2012. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là trong mấy năm ít ỏi vừa qua, tiền thân của Sài Gòn FC là Sài Gòn XT chính là một trong những CLB gây sốc nhất làng cầu trong nước.

Đội này ban đầu đóng quân ở Hà Tĩnh, với cái tên XT Hà Tĩnh, thất bại trong mục tiêu giành vé thăng hạng từ hạng Nhì lên hạng Nhất năm 2010. Sau đó, “bầu” Thụy mua lại suất hạng Nhất của CLB Hòa Phát V&V, rồi chuyển “hộ khẩu” của đội vào thẳng TPHCM, đổi tên CLB thành Sài Gòn XT.

Tiếp đó, đội thành phố thực hiện một chiến dịch gom sao rất quy mô, giành quyền thăng từ hạng Nhất lên V.League sớm đến 5 vòng đấu ở mùa giải 2011. Nhưng ngay sau khi thăng hạng, tạo được tên tuổi cùng đội bóng, bầu Thụy lại công khai ý định muốn bán lại đội.

Xâu chuỗi những sự việc trên, dễ nhận thấy rằng cách làm bóng đá của ông “bầu” Nguyễn Đức Thụy là cách làm vay mượn, không căn cơ, không đầu tư lâu dài, không hướng đến bóng đá trẻ - cái gốc của bóng đỉnh cao – mà chỉ tìm cách nhanh nhất hướng đến giải đấu cao nhất.

Cũng với cách làm ấy, “bầu” Thụy từng bỏ ngang việc đầu tư cho đội bóng Thái Sơn Quảng Nam, khiến CLB bóng đá đất Quảng lâm vào cảnh lao đao. Dĩ nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn như hiện nay, chuyện vung nhiều tiền cho bóng đá không còn là điều đơn giản, ngay cả với một người nổi tiếng giàu có như ông Nguyễn Đức Thụy.

Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng ông Thụy không còn mặn mà với bóng đá, mặn mà với việc đầu tư cho một CLB đóng trên địa bàn TPHCM vì ý định xin “đất vàng” của ông bị lãnh đạo thành phố từ chối.

Điều ấy nói cho cùng chỉ là một giả thiết. Nhưng nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, thì việc rút lui của “bầu” Thụy đã phản ánh không ít mặt trái của các ông chủ nhảy vào lĩnh vực bóng đá, phản ánh mặt trái của cả bóng đá Việt Nam. Một nền bóng đá nơi các giá trị truyền thống đang chết dần chết mòn, nơi người ta sang tên, đổi “hộ khẩu” của một CLB quá dễ, còn khán giả thì hết mùa này đến mùa khác cứ phải nghe những cái tên lạ hoắc, chẳng gợi lên chút niềm tự hào trong họ.

Kim Điền