Công Vinh, Công Phượng và chuyện “du học” của cầu thủ Việt

(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam từng có khá nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, nhưng hầu như không có ai thành công. Hầu hết xuất ngoại chỉ với những mục đích “trao đổi” hay phục vụ cho mục đích thương mại.

Suất dự bị cũng khó

Hôm 23/4 vừa qua, CLB Mito Hollyhock của Công Phượng đã có chiến thắng tưng bừng trước Tokyo Verdy ở vòng 9 J-League 2, nhưng nhiều người hâm mộ Việt Nam vẫn tỏ ra khá thất vọng khi tiền đạo quê ở Nghệ An không được đăng ký thi đấu. Cảm giác này là dễ hiểu bởi dù là một trong những chân sút đáng chú ý nhất của bóng đá nước nhà, nhưng kể từ khi sang Nhật Bản từ hồi đầu năm, Công Phượng chưa một lần được ra sân, dù trong cả những trận đấu tập.

Công Phượng và Tuấn Anh ít được đá chính tại Nhật Bản, Hàn Quốc
Công Phượng và Tuấn Anh ít được đá chính tại Nhật Bản, Hàn Quốc

Ở trận giao hữu mới đây giữa Mito Hollyhock và Yokohama, Công Phượng đã khởi động rất tích cực nhưng anh vẫn không được ra sân phút nào. Điều đáng nói là trước đó Công Phượng cho biết anh gần như đã hoàn toàn bình phục chấn thương vai, được tập cùng các đồng đội một cách bình thường chứ không tập riêng.

Dù vậy, chân sút người Việt Nam cũng phải thừa nhận, việc phải nghỉ thi đấu trong thời gian dài khiến anh gặp khó khăn trong việc bắt nhịp với cường độ tập luyện rất cao tại Nhật Bản.

"Chấn thương khiến tôi gặp chút ít khó khăn vì cường độ tập luyện tại Nhật Bản là rất cao. Tôi là người nôn nóng hơn bao giờ hết được ra sân ở J-League 2. Nhưng vào lúc này, mục tiêu trên hết của tôi là tập luyện, hòa nhập với đội bóng rồi được ra sân rồi mới tính tiếp", Công Phượng chia sẻ.

Dù chưa được đá chính nhưng Công Phượng cho biết anh rất may mắn khi được ra nước ngoài để học hỏi, cọ xát: "Tôi là một trong những người may mắn khi được thi đấu ở nước ngoài. Không riêng gì ở Nhật Bản, thi đấu ở các nước có nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam cũng có thể giúp lũy kinh nghiệm, phát triển sự nghiệp".

Cùng với Công Phượng, đồng đội cũ của anh là Tuấn Anh mới chỉ có màn ra mắt ở một trận đấu tập. Tuy nhiên, sau 70 phút đá chính, chân sút người Thái Bình không thể hiện được gì nhiều ngoài 1 đường chuyền. Tuấn Anh đang trong giai đoạn phục hồi chấn thương và thể lực sau khi trở về từ đợt tập trung ĐTVN, nên anh cũng đang chờ đợi sẽ được đội bóng sử dụng tại J-League 2.

Còn tại K-League, Xuân Trường dường như may mắn hơn khi ghi được tung ra sân ở giải R-League. Dù chỉ là giải đấu dành cho các cầu thủ dự bị nhưng đây lại là cơ hội để chân sút người Việt Nam thể hiện mình, ghi điểm với ban huấn luyện. Thực tế, trong cả hai lần ra sân, Xuân Trường đều có những đường chuyền chuẩn xác giúp đồng đội ghi bàn. Tuy nhiên, anh sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể có suất ở K-League.

Từ Công Vinh tới Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường

Năm 2013, Công Vinh khoác áo Sapporo ở giải J-League 2 với thời hạn 4 tháng. Sau đó, đội bóng Nhật Bản muốn gia hạn hợp đồng với chân sút người Nghệ An nhưng Công Vinh đã từ chối. Anh trở về nước thi đấu cho đội bóng quê hương SL Nghệ An, trước khi chuyển tới B.Bình Dương.

Công Vinh từng trải qua nhiều thời điểm khó khăn tại Saporro
Công Vinh từng trải qua nhiều thời điểm khó khăn tại Saporro

Dù khoảng thời gian ở Nhật Bản không nhiều, nhưng cũng đủ giúp Công Vinh cảm nhận được một nền bóng đá phát triển, có tính cạnh tranh rất khốc liệt như J-League 2 cũng như J-League.

Công Vinh nhấn mạnh tới việc các đội bóng tại Nhật Bản đặc biệt chú trọng vấn đề thể lực. Chân sút đang khoác áo B.Bình Dương cũng có những chia sẻ về sự khác nhau liên quan đến chiến thuật giữa bóng đá Nhật Bản và Việt Nam: “Ở Việt Nam các cầu thủ đều phải tuân theo phải thích ứng với tư duy và trường phái chiến thuật riêng của từng HLV. Trong khi đó ở Nhật Bản từ khi còn tập bóng đến khi đá cho ĐT Nhật Bản đều thụ hưởng và thấm nhuần một chiến thuật đặc trưng. Chính vì thế, cầu thủ khi lên tuyển họ hòa nhập rất nhanh với lối chơi”.

Như vậy, cả 2 vấn đề lớn là thể lực và tư duy chiến thuật, đều là những hạn chế của cầu thủ Việt Nam. Công Vinh là một trong những cầu thủ có sự thích nghi cao, nhưng anh cũng không thể thường xuyên có suất đá chính ở Nhật Bản. Tất nhiên, Sapporo vẫn cần chân sút này vì yếu tố thương mại.

Liên quan tới chuyện 3 chân sút của HA Gia Lai chưa thể có suất đá chính khi sang Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu, HLV trưởng tuyển Việt Nam (ĐTVN) Nguyễn Hữu Thắng tỏ ra lo lắng cho chuyến "du học" của những cầu thủ tài năng này. HLV Hữu Thắng cho biết, thông qua đại diện HA Gia Lai, ông đã gửi lời nhắn đến Tuấn Anh, Công Phượng và Xuân Trường rằng phải cố gắng hơn nữa trong những buổi tập của các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc mà họ đang khoác áo để bằng mọi giá tìm cơ hội ra sân.

"Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đều là những cầu thủ trẻ rất triển vọng của Việt Nam, nhưng họ cần những trận đấu để học hỏi, cọ xát. Việc được thi đấu thường xuyên không chỉ nâng cao thể lực, mà còn sớm trưởng thành hơn", HLV Hữu thắng nói.

Từ chuyến du học của Công Vinh, mới thấy các đàn em như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… sẽ rất gian nan nơi xứ người.

Ngô Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm