Công Phượng, HLV Miura và HA Gia Lai

(Dân trí) - Công Phượng chơi rất hay trong màu áo U23 Việt Nam, dưới trướng HLV Miura, nhưng về lại đội bóng cũ, về lại môi trường V-League thì anh “tắt điện”.

Công Phượng gặp HLV Miura: Như cá gặp nước

Người ta cứ hay nói tại sao Công Phượng cứ phải chơi lùi thấp khi đá trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam? Rồi tại sao Phượng phải bớt cá nhân đi, phải chơi vì tập thể nhiều hơn lúc có HLV Miura ngồi trong khu kỹ thuật?

Người ta cũng hay so sánh Công Phượng lúc đá trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam với Công Phượng trong môi trường quen thuộc ở các giải trẻ và ở V-League. Giờ thì người ta bắt đầu thấy kết quả, cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam thời điểm hiện tại hiệu quả hơn hẳn khi nhận được những lần hướng dẫn của vị HLV người Nhật, so với sự lạc lỏng khi không có ông này theo dõi Phượng từ khu kỹ thuật.

Công Phượng trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam và Công Phượng lúc đá cho HA Gia Lai từ đầu V-League tới giờ gần như là 2 cầu thủ hoàn toàn khác nhau, một người liên tục tỏa sáng từ vòng loại U23 châu Á, đến SEA Games 2015, còn người kia gần như mất hút ở đấu trường V-League.

Chúng tôi từng đề cập đến chuyện Công Phượng ở HA Gia Lai không được ai nhắc hoặc không có ai đủ sức nhắc nhở Phượng về mặt chuyên môn, không ai biết cách chỉ cho Phượng thấy cậu ta nên làm gì ở từng vị trí trên sân.

Công Phượng, HLV Miura và HA Gia Lai
Công Phượng gặp HLV Miura như cá gặp nước, nhưng về lại CLB thì anh mờ nhạt hoàn toàn (ảnh: Gia Hưng)

Ở đội tuyển U23, dưới trướng HLV Miura thì khác, vị HLV người Nhật biết chỉ cho Phượng thấy lúc nào thì Phượng nên giữ bóng, nên đột phá, còn lúc nào, ở vị trí nào thì đơn giản chỉ cần một đường chuyền cho đồng đội, vừa đỡ tốn sức, vừa gọn lại vừa an toàn cho tuyến dưới.

Vấn đề trong màu áo đội tuyển U23, với HLV Miura, không phải là Phượng đá thấp hay đá cao, điều quan trọng nhất miễn là Công Phượng hiệu quả là được. Ngay cả Messi khi về đội tuyển Argentina còn đá thấp hơn hẳn chính anh trong màu áo Barcelona, huống hồ là người khác. Hiệu quả là trên hết, miễn Argentina suýt vô địch World Cup cùng Messi, rồi tràn trề hy vọng vô địch Copa America 2015.

Không thể ngược dòng, thì buộc phải xuôi dòng

Rồi như đã nói ở trên, đến Messi vĩ đại mà còn phải biết hy sinh vì chiến thuật, đội tuyển Argentina dù sở hữu dàn ngôi sao tấn công khét tiếng, bao gồm cả Messi danh trùm thiên hạ mà còn phải chọn lối chơi an toàn ở các giải lớn, thì huống hồ gì là bất cứ đội bóng nào trên thế giới.

Lịch sử bóng đá không có chỗ cho chữ “nếu”. Nhưng thử đặt trường hợp Argentina của Messi dám chơi đôi công với đội tuyển Đức trong trận chung kết World Cup, họ có chắc tránh được thảm bại như Brazil từng nhận hay không? Thậm chí, có khi họ còn không qua nổi Hà Lan, hay Bỉ ở các giai đoạn trước đó.

Vấn đề nằm ở chỗ không ai không muốn đá đẹp, nhưng trước khi đá đẹp, cần phải xác địnhmình ở trình độ nào, và đối phương ở trình độ nào? Đá đẹp với đội bóng giỏi hơn mình, có đẳng cấp cao hơn mình khác nào… tự sát?!

Trường hợp của HA Gia Lai suốt lượt đi V-League năm nay có khi cũng tương tự, đội bóng của bầu Đức luôn bị đặt trong tình cảnh phải đá đẹp, để rồi càng muốn đẹp lại càng… mất đẹp vì thua tối mặt tối mũi.

Vấn đề của Công Phượng suốt lượt đi mùa giải năm nay cũng tương tự, người ta cứ cố phải nhồi nhét vào đầu cầu thủ này tư tưởng phải trình diễn cho đúng thói quen của anh, nhưng người ta dường như quên mất rằng có muốn trình diễn, thì cũng phải xem đối thủ có cho phép mình thực hiện việc ấy hay không? Rồi bản thân mình có đủ trình độ để trình diễn thứ bóng đá theo ý mình hay không? - Ở cái môi trường khác hẳn những gì mà dàn cầu thủ trẻ của HA Gia Lai từng biết đến.

Rồi cũng không ai, không đội bóng nào chỉ biết rập khuôn theo đúng một cách chơi, trong tất cả mọi trận đấu, tất cả mọi giải đấu. Ngay đến Barcelona nổi tiếng đẹp đến lãng mạn mà ở năm 2015 còn đá khác hẳn, thực dụng hơn hẳn chính Barca của giai đoạn 2009 – 2011, thì HA Gia Lai cứ rập khuôn nguyên lối đá của mình từ giải trẻ đến sân chơi đỉnh cao thì khác nào… đâm đầu vào chỗ thua.

Cũng cần phải thẳng thắn với nhau một điều rằng HA Gia Lai không thể chơi tấn công tại V-League, chứ không phải họ không muốn tấn công, vì cơ bản đối thủ có cho họ có thời gian giữ bóng đâu, thì tấn công bằng cách nào?!

Thành ra mới thấy, khi HLV Miura buộc Công Phượng thay đổi là ông đang muốn tốt cho chính cầu thủ này. Anh đã không giỏi đến mức thay đổi môi trường xung quanh, thì anh buộc phải thích nghi với môi trường, như một con đò nếu đã không đủ sức đi ngược dòng, thì buộc phải xuôi dòng. Chứ không lẽ cứ chòng chành giữa dòng e rằng trước sau gì cũng bị… lật!

Trọng Vũ