1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

“Cơn khát vàng” của đội tuyển Việt Nam: Đừng để mãi là giấc mơ!

(Dân trí) - 10 năm trôi qua, kể từ thời khắc Lê Công Vinh đánh đầu tung lưới Thái Lan ở SVĐ Mỹ Đình, mang về tấm huy chương vàng AFF Cup lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam vẫn đang chờ đợi kỳ tích tương tự. Liệu chăng, “thế hệ vàng” của HLV Park Hang Seo có “giải cơn khát vàng” cho đội tuyển Việt Nam?

"Cơn khát vàng" của bóng đá Việt Nam: Đừng để mãi là giấc mơ!


10 năm trôi qua, kể từ thời khắc Lê Công Vinh đánh đầu tung lưới Thái Lan ở SVĐ Mỹ Đình, mang về tấm huy chương vàng AFF Cup lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam vẫn đang chờ đợi kỳ tích tương tự. Liệu chăng, "thế hệ vàng" của HLV Park Hang Seo có "giải cơn khát vàng" cho bóng đá Việt Nam?


Trong sâu thẳm ký ức của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, cú đánh đầu tuyệt diệu của Lê Công Vinh vẫn mãi là kỷ niệm đẹp. Nó đã mang về chiến tích đầu tiên cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á. Nhưng chúng ta không thể sống mãi trong ký ức, nhất là khi nó đã qua xa xôi…

10 năm dài đằng đẵng chờ đợi giấc mơ vàng

"VÀO!!!!!", bình luận viên hét vang một hơi rất dài sau cú đánh đầu găm thẳng bóng vào lưới của Lê Công Vinh trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008. Những khán đài Mỹ Đình như muốn nổ tung trong ngày hôm ấy. Lê Công Vinh hướng về góc khán đài, với ánh mắt đầy lửa, rồi sau đó, anh thả mình trong niềm vui sướng tột độ của 4 vạn người hâm mộ có mặt trên sân Mỹ Đình.

Bàn thắng lịch sử của Công Vinh vào lưới Thái Lan ở AFF Cup 2018

Đó là thời khắc đặc biệt, thời khắc chẳng thể nào quên ký ức của những người hâm mộ Việt Nam. Một thời khắc tới tận sau này, nó sẽ còn được nhớ mãi. Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam chinh phục được tấm huy chương vàng ở đấu trường Đông Nam Á nói riêng cũng như trên đấu trường quốc tế nói chung. Hay nói cách khác, đó là thời điểm bóng đá Việt Nam mới chính thức "cất tiếng gầm".

Sau này, chia sẻ trên đài truyền hình VTV vào năm 2014, Lê Công Vinh thừa nhận vẫn "nổi da gà" sau khi xem lại bàn thắng để đời ấy. Trong cuốn tự truyện của mình, tiền đạo xứ Nghệ cũng dành khá nhiều "đất" để kể vào chiến tích lịch sử năm 2008. "Tôi chưa thấy tiếng còi nào đáng yêu tới thế" - Lê Công Vinh chốt lại.

Nhưng rồi, khi niềm sung sướng tột độ qua đi, bóng đá Việt Nam lại chưa thể tìm được đỉnh cao mới. 10 năm qua - tức 4 kỳ AFF Cup - trôi qua, giấc mơ vàng lại tiếp tục trở thành nỗi ám ánh với bóng đá Việt Nam như thời kỳ trước năm 2008.

Mỗi kỳ AFF Cup là mỗi lần người hâm mộ bóng đá Việt Nam kỳ vọng, nhưng rồi sau đó, những nỗi thất vọng ngày một dâng trào. Từng có thời điểm, chúng ta ngỡ như ở gần cánh cửa chung kết khi đánh bại Malaysia ngay trên sân khách ở lượt đi bán kết AFF Cup 2014 nhưng rồi, chính sai lầm chết người của các cầu thủ Việt Nam đã "phá tan" giấc mộng ấy.

“Cơn khát vàng” của đội tuyển Việt Nam: Đừng để mãi là giấc mơ! - Ảnh 2.

Trong những năm qua, đội tuyển Việt Nam chưa thể bước qua lằn ranh để hướng tới thành công ở AFF Cup

Ngoài trận đấu ấy, chúng ta còn 2 lần lọt vào bán kết nhưng đều thất bại trước Malaysia (2010) và Indonesia (2016). Thậm chí, chúng ta còn xuống tận đáy địa ngục khi bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup 2012.

Không phải trong những năm qua, đội tuyển Việt Nam không có nhân tài nhưng có cảm tưởng như chúng ta thiếu đi chút bản lĩnh và may mắn để có thể "hóa rồng" như năm 2008. Đó là thứ trừu tượng và chẳng thể đong đếm. Những "lát cắt" như việc để thua 2 bàn chóng vánh (đều từ sai lầm cá nhân) như ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 trước Malaysia, hay tấm thẻ đỏ vô duyên của Nguyên Mạnh ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 với Indonesia… đã vô tình khiến giấc mơ tan tành mây khói.

Ở giải đấu cúp, đôi khi chỉ cần một khoảnh khắc sai lầm chết người như vậy, các đội bóng sẽ phải trả giá. Chúng ta dường như chưa thể bước qua được lằn ranh ấy, để có thể tiến tới đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup.

Thế hệ vàng sẽ "hóa rồng"?

Tờ Fox Sports thừa nhận rằng đội tuyển Việt Nam đang sở hữu thế hệ vàng thực sự, có thể cụ thể hóa giấc mơ 10 năm. Thực tế, từ đầu năm nay, những người hâm mộ Việt Nam đã quá quen với những nhận xét như vậy sau chiến tích không ngờ ở giải trẻ (U23 châu Á và Asiad 2018).

Cú sút penalty quyết định của Văn Thanh đưa U23 Việt Nam vào chung kết U23 Châu Á

Nhưng nói qua cũng phải nói lại. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí châu Á đã dành tặng thầy trò HLV Park Hang Seo "cơn mưa lời khen" và đánh giá cao họ tới vậy. Đơn giản, những gì mà họ làm được tới thời điểm này vô cùng thuyết phục.

Thế hệ của Quang Hải, Văn Hậu, Xuân Trường, Công Phượng… mang tới niềm tin mạnh mẽ, rằng họ có thể vượt qua lằn ranh mong manh mà thế hệ đàn anh đã không thể vượt qua ở AFF Cup những năm qua.

Đó là thế hệ được tôi rèn bản lĩnh từ sớm. Lứa Quang Hải, Văn Hậu… từng tham dự World Cup U20 (giải đấu cấp độ thế giới đầu tiên của bóng đá Việt Nam). Họ đã cho thấy đây là thế hệ không thể khuất phục.

Hình ảnh quả cảm của lứa U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á đã lôi kéo cả Đông Nam Á (lẫn châu Á) hướng theo bước chân họ. Ở đó, dù sắm vai "chàng David nhỏ bé" nhưng họ đã cho thấy sức chiến đấu quật cường để hạ gục "gã khổng lồ Goliath" để thẳng tiến tới trận chung kết. Nếu ai còn nghi ngờ về nhận định này, hãy nhìn vào những bước chạy đà bình tĩnh của các tuyển thủ ở các loạt sút luân lưu ở trận gặp U23 Iraq, U23 Qatar ở vòng tứ kết và bán kết. Ở đó, người ta thực sự khâm phục sự "sắt đá" của các cầu thủ trẻ, điều mà nhiều thế hệ đàn anh chưa thể có được.

Và rồi, thế hệ U23 Việt Nam một lần nữa lại được thử lửa ở sân Asiad 2018. Họ tiếp tục vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để lọt vào bán kết. Thất bại trước Olympic Hàn Quốc chẳng có gì đáng nói. Nhưng ít nhất, chúng ta vẫn cho thấy sự kiên cường dù bị đối thủ dẫn trước tới 3 bàn. Cần phải nhấn mạnh, đó là "thứ vũ khí" không thể mất đi. Nó là bước đệm để họ (nòng cốt của đội tuyển Việt Nam) hướng tới AFF Cup 2018.

“Cơn khát vàng” của đội tuyển Việt Nam: Đừng để mãi là giấc mơ! - Ảnh 4.

U23 Việt Nam thực sự đáng nể bởi sự tự tin và bản lĩnh sắt đá

Đương nhiên, trong chiến tích của bóng đá Việt Nam cũng không thể không nhắc tới sự đóng góp của HLV Park Hang Seo. Chính ông đã "gieo mầm", truyền sự tự tin, tinh thần máu lửa tới các học trò. Những điều đó "ngấm" vào trái tim từng tuyển thủ thông qua từng chi tiết nhỏ nhắt nhưng đầy ân cần của HLV Park Hang Seo. Người ta sẽ còn nhớ mãi nụ cười hiền hậu của ông khi tới tận phòng riêng để massage cho Đình Trọng (báo Hàn Quốc đã đưa tin này) hay đó còn là hình ảnh ông ra tận nơi để tiễn Hùng Dũng về nước sau chấn thương ở Asiad 2018.

Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng nhưng họ chưa bao giờ có được sự tự tin lớn như vậy. Lần đầu tiên sau nhiều năm, người ta mới thấy hình ảnh Việt Nam "dám chơi, dám chấp nhận" trước đối thủ lớn hơn gấp bội.

Hình ảnh Duy Mạnh cắm lá cờ trong cơn mưa tuyết ở Thường Châu (sau trận chung kết U23 châu Á) chính là biểu trưng cho thế hệ bất khuất, can trường trong mọi hoàn cảnh. Ibrahimovic từng nói sẵn sàng chết vì HLV Mourinho. Giờ đây, nhiều tuyển thủ Việt Nam sẵn sàng nói điều đó vì HLV Park Hang Seo.

Thời cơ đã chín muồi!

Thời cơ ở đây nằm ở nhiều khía cạnh. Như đã phân tích ở trên, ở khía cạnh chủ quan, chúng ta đang sở hữu thế hệ đầy tài năng và luôn có sự tự tin, bản lĩnh ở đấu trường lớn và trận đấu quyết định.

Mặt khác, ở khía cạnh khách quan, nhiều đối thủ cũng không có sự chuẩn bị tốt nhất cho AFF Cup 2018. Thái Lan, đối thủ số 1 của chúng ta nhiều năm qua, không có sự phục vụ của 4 ngôi sao lớn nhất đang thi đấu ở nước ngoài là Kawin Thamsatchanan (OH Leuven, Bỉ), Chanathip Songkrasin (Consadole Sapporo, Nhật Bản), Teerasil Dangda (Sanfrecce Hiroshima, Nhật Bản) và Theerathon Bunmathan (Vissel Kobe, Nhật Bản).

“Cơn khát vàng” của đội tuyển Việt Nam: Đừng để mãi là giấc mơ! - Ảnh 5.

Đội tuyển Thái Lan không có lực lượng tốt nhất ở AFF Cup 2018

Bên cạnh đó, HLV Milovan Rajevac chủ yếu xem giải AFF Cup 2018 là bước thử nghiệm cho giải Asian Cup 2019. Do đó, ông triệu tập khá nhiều nhân tố mới (nhiều cầu thủ Thái Lan chưa có nổi 10 lần khoác áo ĐTQG) thi đấu ở AFF Cup 2018.

Trong khi đó, Indonesia lại đang "loạn". Thời điểm nửa tháng trước thềm AFF Cup 2018, họ tuyên bố sa thải HLV Luis Milla vì "bỏ trốn". Trong bối cảnh ấy, trợ lý Bima Sakti được đôn lên HLV trưởng.

Ngoài ra, việc giải VĐQG Indonesia vẫn diễn ra trùng thời điểm với giải AFF Cup 2018 nên nhiều CLB không muốn nhả người. Điều đó khiến cho Indonesia không có lực lượng tốt nhất trước thềm AFF Cup 2018.

Malaysia sở hữu đội hình đáng để kỳ vọng nhưng lại có nhiều xáo trộn so với kỳ AFF Cup 2016. HLV Tan Cheng Hoe đã triệu tập khá nhiều cầu thủ trẻ đội U23 Malaysia tham dự giải đấu này.

Phillipines có thể đáng ngại với dàn cầu thủ nhập tịch và HLV Sven-Göran Eriksson nhưng bản thân HLV người Thụy Điển lại không am hiểu bóng đá Đông Nam Á và có quá ít thời gian làm việc ở đội tuyển.

Chính vì vậy, Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn để giành chức vô địch AFF Cup 2018. Tờ ESPN cũng đánh giá chúng ta là ứng cử viên số 1 cho giải đấu.

Tất nhiên, ở thời điểm này, tất cả vẫn đang ở vạch xuất phát. Việc nói rằng chúng ta sẽ giành chức vô địch AFF Cup 2018 là quá sớm và viển vông. Để thành công, chúng ta chỉ nên nhích từng bước một như ở giải U23 châu Á và Asiad 2018, thay vì hướng tới "đỉnh núi". Biết mình biết người trong mọi trận đấu, đội tuyển Việt Nam có thể thành công.

H.Long