1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Con đường tất yếu

(Dân trí) - Quy luật tất yếu về tính lịch sử của sự phát triển nói rằng mọi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan đều đều tồn tại trong một sự vận động, biến đổi và chuyển hoá không ngừng. Trong đó, mỗi sự vật hiện tượng đều có một hình thái lịch sử của sự ra đời, phát triển và suy tàn để nhường chỗ cho cái mới tiến bộ hơn.

Bài viết này xin tóm lược sự phát triển của cơ chế bao cấp trong bóng đá VN dưới góc nhìn triết học - lịch sử để đưa ra thuyết luận cuối cùng: Phải chăng các vụ việc gần đây chỉ là những tích luỹ về “lượng” cuối cùng và chỉ là sự phản ánh một chân lý khách quan rằng cơ chế bao cấp của bóng đá Việt Nam cũng đã đi đến “độ” lụi tàn và cần có một bước nhảy vọt về “chất” để bắt đầu một giai đoạn lịch sử phát triển mới?

 

Sự ra đời của cơ chế bao cấp

 

Hãy thôi không nhắc đến thời Pháp thuộc, khi mà bóng đá, cũng giống như các môn thể thao khác, đều trở thành công cụ làm ngu dân để dễ bề cai trị của kẻ xâm lăng. Cũng không phải là lúc để bàn về nền bóng đá miền Nam Việt Nam đã từng làm mưa làm gió tại các đấu trường Châu Á ở những năm 60 của thế kỷ trước. Cơ chế bao cấp trong bóng đá VN ra đời cùng với sự ra đời của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung theo mô hình Liên Xô cũ.

 

Ban đầu, nền bóng đá sơ khai đó chưa mang màu sắc thương mại như bây giờ, quả bóng tròn chỉ là phương tiện để các ngành nghề, đoàn thể giao lưu, gặp gỡ, là chất xúc tác của tình yêu nước, tinh thần dân tộc và sự đoàn kết quốc tế các nước XHCN anh em. Bóng đá lúc đó không phải là một môn thể thao chuyên nghiệp, càng không phải là một ngành thương mại hái ra tiền. Đơn giản, bóng đá chỉ là một sân chơi thể thao cao thượng.

 

Sự xuất hiện của bóng đá VN XHCN (cũng là cái nôi của cơ chế bao cấp vẫn còn tồn tại đến nay) gắn liền với tên tuổi của những đội bóng ngành: Thể Công, Đường Sắt, Bưu Điện, Công nghiệp Hà Nam Ninh, v.v… và các giải đấu ngành như SKDA (Giải bóng đá Quân đội các nước XHCN) hay ở tầm quốc gia là các trận đấu giao hữu giữa các nước trong khối XHCN anh em. Và trong các giải đấu như vậy, quả bóng tròn đã làm rất tốt sứ mạng lịch sử của nó: thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia XHCN.

 

Trong thời đại mà tất cả các ngành kinh tế đều còn nằm trong cơ chế bao cấp, các đội bóng ngành cũng vì thế mà sống dựa trên nguồn kinh phí từ TW phân bổ theo ngành dọc. Và cơ chế bao cấp cứ thế len lỏi vào tâm thức của những cầu thủ, những HLV và nhũng người làm bóng đá thời bấy giờ. Cơ chế bao cấp trong bóng đá VN ra đời từ đó.

 

Sự ra đời của cơ chế bao cấp trong bóng đá VN thời đó hoàn toàn phù hợp với Quy luật về tính lịch sử của sự phát triển: bóng đá VN ra đời và phát triển không chỉ xuất phát từ tình yêu thể thao của người VN mà còn là kết quả của nhu cầu thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các ngành trong nền kinh tế tập trung và là chiếc cầu nối giữa các quốc gia XHCN.

 

Phát triển cực thịnh

 

Mặc dù sinh ra trong cái nôi của nền kinh tế cũ, bóng đá VN đã vận động theo một quy luật phát triển nội tại riêng của nó. Thời cực thịnh nền bóng đá bao cấp nước nhà kéo dài trong suốt 3 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 với nhiều mốc son chói lọi và chỉ khởi suy khi bước vào thập kỷ 90, khi mà nền kinh tế bao cấp đã cơ bản bị xoá bỏ.

 

Trong thời cực thịnh đó, bóng đá VN đã từng làm mưa làm gió tại các đấu trường khu vực, đã từng có những trận đấu ngang ngửa với các đàn anh Liên Xô, Hungary, Nam Tư cũ, v.v… Ở cấp ngành (gọi là cấp ngành để phân biệt với cấp CLB bây giờ), thời cực thịnh đó gắn liền với cái tên Thể Công, đội bóng của những anh lính đá bóng.

 

Thể Công trong thời đỉnh cao của mình đã từng là nỗi ái ngại của không chỉ các đối thủ trong nước mà còn tung hoành trong các giải giao hữu và SKDA, nơi mà họ đối đầu với những cái tên hàng đầu Đông Âu như Sao Đỏ Belgrad, CSKA Moscow, Dinamo Kiev hay Bát Sắt (Trung Quốc).

 

Nhắc đến Thể Công, người ta nhắc đến cái sân Cột Cờ bé nhỏ nhưng nặng trĩu những chiến công. Sân Cột Cờ là nơi chứng kiến những trận cầu hàng đầu, là nơi trưởng thành và lưu danh bao thế hệ con người gắn với tâm trí những người yêu bóng đá VN.

 

Thời kỳ cực thịnh của bóng đá bao cấp gắn liền với nhiều thế hệ cầu thủ đã vinh danh trong làng cầu VN, từ những Thế Anh, Trọng Giáp đến Cao Cường, Văn Dũng và gần đây nhất là thế hệ vàng với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Đang, v.v…

 

 Thời đó, không như bây giờ, bạn bè quốc tế nhắc đến bóng đá VN với một sự kính trọng dành cho một đội bóng hùng mạnh, với nhiều cầu thủ giỏi và luôn thi đấu với một tinh thần thể thao thượng võ và một tinh thần XHCN bất diệt. Các cầu thủ, họ là những anh lính, những chàng công nhân, những người lái tàu, họ thi đấu với tất cả trái tim và bầu nhiệt huyết.

 

Sự suy tàn và hệ luỵ

 

Theo đúng quy luật, vạn vật lúc cực thịnh cũng là lúc khởi suy. Sự suy tàn của cơ chế bao cấp của bóng đá VN bắt đầu từ những khó khăn về kinh tế nước nhà thời tiền Đổi mới, kế sau đó là sự sụp đổ hàng loạt của các nước theo mô hình Liên Xô.

 

Có lẽ không ở nơi đâu mà bóng đá lại phản ánh chân thực bức tranh xã hội như ở Việt Nam. Những năm đầu Đổi mới, cho đến nửa đầu của thập niên 90, khi nền kinh tế VN đã nhập nhằng chưa rứt ra khỏi sự bao cấp, bóng đá nước nhà cũng đã bắt đầu nảy sinh vô vàn cái hệ luỵ sau quãng thành công.

 

Đầu tiên là sự biến mất của những đội bóng ngành như Đường Sắt, Công Nghiệp, v.v… và kéo theo sau đó là những CA.HN, CA.TPHCM, Hải Quan. Những đội bóng “uống nước ngành, ăn tiền Sở” còn lại cũng bắt đầu tuột dốc không phanh và ngắc ngoải trước xu thế chuyên nghiệp hoá bóng đá mà VN là một trong số những nước tiến hành cuối cùng.

 

Cái tên một lần nữa nhắc đến là Thể Công. Nếu như người ta nhắc đến Thể Công như là một tượng đài của bóng đá VN trong quá khứ hay là những nhà vô địch năm 1999 thì giờ đây, Thể Công chính là hình ảnh rõ nét nhất về sự cáo chung của một nền bóng đá bao cấp đã hoàn thành sứ mạng lịch sử và không còn phù hợp với xu thế mới. Bao nhiêu tiền của được rót vào, bao nhiêu nỗ lực để chuyên nghiệp hoá (một cách hình thức?) cũng chỉ đủ để Thể Công vật vã ở giải Hạng nhất.

 

Hệ luỵ thứ 2 chính là sự xuất hiện ngày càng phổ biến của việc xin-cho, vay-trả trong các đội bóng, và cho đến ngày nay đã phát triển lên đến mức cao nhất của nó: mua-bán, làm độ, hối lộ trọng tài. Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ những giải VĐQG đầu tiên (giải A1), khi mà tính cạnh tranh về thứ hạng đã bắt đầu trở nên khắc nghiệt thì tất yếu trong những cái đầu còn mang nặng tư tưởng bao cấp “dây tơ gốc gạo” sẽ nảy sinh những ý nghĩ về sự liên kết, liên minh vì sự sinh tồn của đội bóng mình.

 

Nhưng càng ngày, khi mà nền kinh tế phát triển, thì các hành động này cũng phát triển theo mức độ nghiêm trọng cũng như mức độ rộng rãi, và cho đến ngày nay thì đã trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự với hàng loạt vụ việc trầm trọng, từ cá cược đến chuyện hối lộ trọng tài, và lên đến đỉnh điểm là vụ án bán độ của U23 VN tại SEA Games 23 vừa qua.

 

Cần một bước nhảy vọt về chất?

 

Theo quy luật về sự phát triển, những sự vật hiện tượng đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của lịch sử thì sẽ bị loại thải để mở đường cho cái mới tiến bộ, phát triển hơn.

 

Thực tế, những sự vụ mới đây không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, cá thể mà đã trở thành quốc nạn trong bóng đá nước nhà với bao nhiêu mối “dây mơ rễ má” nhập nhằng đã bám sâu vào bóng đá nước nhà trong nhiều năm qua. Nói như ông cha ta vẫn nói, đó chỉ là những giọt nước làm tràn ly, hay chỉ là những cái kim lòi ra khi bị giấu quá lâu trong bọc.

 

Nếu thực sự bóng đá VN đang đi theo quy luật này thì có lẽ lúc này, hơn bao giờ hết chúng ta cần một cuộc cách mạng thực sự để đặt dấu chấm hết cho cơ chế bao cấp vốn đã quá thâm căn cố đế trong làng bóng nước nhà.

 

Búa rìu dư luận đang tập trung vào những Quyến, những Vượng hay một vài ông quan,  ông tướng nào đó, nhưng phải chăng, đây chỉ là những “tích luỹ về lượng” cuối cùng để dẫn đến sự cáo chung của cả một cơ chế đã cũ? Và chúng ta cần thực hiện một “bước nhảy vọt về chất” để mở đường cho một cơ chế mới hợp lý hơn, thông thoáng hơn trong con đường quá độ đi lên chuyên nghiệp.

 

Ở tầm cao hơn, chúng ta đã mạnh dạn đổi mới kinh tế, để bước đầu gặt hái những thành tựu, chúng ta đã dũng cảm đấu tranh để làm sạch Đảng, kiện toàn bộ máy Nhà nước, nên chăng một lần nữa chúng ta chúng ta cần làm dứt khoát để mở một con đường mới cho bóng đá VN?

 

Hồng Kỳ