1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Có hay không chuyện "Hội đồng Trọng tài có người xin tiền" ?

Câu nói<a href="http://dantri.com.vn/The-Thao/2005/10/81593.vip"> "Hội đồng Trọng tài có người xin tiền" </a>của trợ lý HLV CLB Đông Á - Thép Pomina (ĐA.TP) Trần Mạnh Cường đã khiến một thành viên của Hội đồng Trọng tài - ông Bùi Như Đức cảm thấy bức xúc. Ông nói:

"Tôi xin cam đoan Hội đồng Trọng tài (HĐTT) gồm Chủ tịch Nguyễn Ngọc Vinh, hai ủy viên là tôi và ông Đoàn Phú Tấn không bao giờ ngửa tay xin tiền của bất kỳ đội bóng nào cũng như chủ trương bắt các đội "đóng tiền" để làm phần thưởng cho đội ngũ trọng tài.

 

Bản thân tôi kịch liệt phản đối chuyện bồi dưỡng vì như thế chỉ làm hư trọng tài. Cơ quan điều tra sẽ chứng minh rõ mọi chuyện".

 

Ông Đức cho biết thêm: "Sáng 6/10, tôi và Phó tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi, Trưởng ban Thi đấu Liên đoàn đã ngồi bàn nát nước về lực lượng trọng tài cho mùa giải mới. Dứt khoát 20 trọng tài tay đã "nhúng chàm" (mà tôi nghĩ còn hơn thế nữa) sẽ không được sử dụng. Loại thẳng cánh, cho dù thiếu cũng phải chấp nhận".

 

Khi còn cầm còi, ông Bùi Như Đức từng nổi lên như một hiện tượng vì gần như là trọng tài duy nhất "không theo phe ai, không xin tiền ai và cũng chẳng ai dám đặt điều kiện".

 

Năm 1995, ông đã làm chấn động dư luận vì dám công khai phơi bày trên mặt báo thói hư tật xấu của giới trọng tài, nạn vòi vĩnh các CLB nhờ thế giảm hẳn nhưng "thật đáng tiếc sự việc mà tôi phanh phui đã bị chìm quá nhanh. Những người có trách nhiệm đã không truy đến tận gốc rễ nên bây giờ mới xảy ra nông nỗi này". 

 

Và chính vì những “nông nỗi này” mà hiện tại ông Đức lại là người duy nhất xây dựng đề án xây dựng lực lượng trọng tài. Ông đưa ra những giải pháp nghe rất lạ nhưng lại dễ thực hiện:

 

"Ngoài huấn luyện kỹ về chuyên môn, LĐ nên tổ chức những buổi nói chuyện mà diễn giả không chỉ là những quan chức, những chuyên gia bóng đá mà có thể là luật sư, bác sĩ, diễn viên kịch, và cũng có thể chỉ là một ông... lái xích lô. Hãy nhìn lại xem, trên khán đài có ông xích lô, tại sao không thể mời họ nói những gì mà họ cần ở một trọng tài...".

 

Ông Đức nói tiếp: "Trọng tài là “vua” mà, cần phải được trân trọng, ví dụ lễ ra trường sau khi được đào tạo chuyên sâu trong một thời gian dài phải được tổ chức long trọng, trọng tài phải tuyên thệ đàng hoàng. Phải khơi dậy trong tâm hồn họ ý thức về tình yêu nghề, về trách nhiệm với xã hội. Phải làm lại từ đầu chứ đừng như những gì đã qua, chỉ để lại hậu quả xấu mà thôi".

 

Những gì đã qua, như ông Đức nói, là: "Học 6, 7 ngày đã thành trọng tài. Học chưa đâu vào đâu, chưa được thử thách nhưng vì thân quen nên được ra sân ngay. Có người làm trọng tài chỉ vì mục đích kinh tế, kiếm tiền tiêu xài trước khi nghĩ đến trách nhiệm".

 

Chúng tôi đặt câu hỏi: "Liệu trọng tài hư có phải còn do LĐBĐVN dung túng?". Ông Đức đã nói tránh rằng: "Thực tế đã trả lời rồi!".

 

Theo Lan Phương

Thanh niên