1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Chuyển nhượng mùa đông ở Premier League: Phiên chợ đìu hiu

(Dân trí) - Chỉ còn vài giờ nữa, thị trường chuyển nhượng giữa mùa sẽ đóng lại. Nhưng cho tới tận thời điểm này, vẫn chưa có một bản hợp đồng nào thuộc diện “bom tấn” xuất hiện ở xứ sương mù, dường như phiên chợ Đông của Premier League đã trở thành phiên chợ đìu hiu...

Sự lặng lẽ của Premier League trên TTCN mùa Đông là khá bất ngờ, bởi trước khi phiên chợ giữa mùa được mở ra, có rất nhiều dự đoán về việc các đội bóng từ bé đến lớn tại nơi đây sẽ mạnh tay chi để  tăng cường sức mạnh. Nhưng đến giờ phút này, bản hợp đồng lớn nhất mà một đội bóng tại Premier League chi ra khá khiêm tốn, đó là bản hợp đồng 10 triệu bảng của Newcastlte dành cho Papiss Demba Cisse.

 

Chuyển nhượng mùa đông ở Premier League: Phiên chợ đìu hiu - 1
Demba Cisse đang là bản hợp đồng lớn nhất của Premier League tại TTCN mùa Đông năm nay

 

Bao năm nay TTCN mùa Đông luôn là “bình máu” tiếp tế cho các đội bóng. Năm trước Premier League liên tục có những hợp đồng đắt giá như Torres sang Chelsea (50 triệu bảng), Carroll  (Liverpool, 35 triệu bảng), Suarez, (Liverpool, 23 triệu bảng). Tiếp nối “truyền thống” ấy, rất nhiều những “sao lớn” được đồn đoán sẽ đổ bộ xuống xứ sương mù ngay trong tháng 1 này, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.

 

Gây nhạc nhiên lớn nhất là sự im lặng của các đội bóng lớn như MU, Arsenal, Liverpool, Man City... Những “đại gia” này đã im bặt trên TTCN mùa Đông năm nay, có chăng họ chỉ thu nhận vài ba hợp đồng của các cầu thủ trẻ và cũng chẳng tiêu tốn bao nhiêu tiền. Trong số này duy nhất có Chelsea là có được một hợp đồng đáng chú ý, khi chi ra 7 triệu bản để có Gary Cahill từ Bolton.

 

Không thể không ngạc nhiên về sự ngoảnh mặt của các đại gia. Vì rõ ràng, xét trên mọi khía cạnh các CLB trên đều có những vấn đề riêng và rõ ràng để bảo toàn và nâng tầm sức mạnh, chẳng có con đường nào khác cho họ là đưa về các bản hợp đồng mới.

 

Như MU chẳng hạn. Ai cũng biết cơn bão chấn thương đã thường trực tại Old Trafford từ đầu mùa, vì ảnh hưởng của nó mà MU rất nhiều trận đấu phải ra sân với đội hình chắp vá đến “kỳ cục”, Rooney xuống đá tiền vệ, Valencia xuống đá hậu vệ cánh phải, Jones lên đá tiền vệ… Tuy HLV Alex Ferguson khẳng định ông không mua bán gì thêm nhưng những tưởng đó chỉ là đòn gió của ngài “Máy sấy tóc”.

 

Chuyển nhượng mùa đông ở Premier League: Phiên chợ đìu hiu - 2
Scholes chỉ là phương án giật gấu vá vai của MU

 

Nhưng MU đã làm thật. Để đáp lại sự vắng mặt của Anderson, Fletcher, Cleverley, Vidic, Young và thỉnh thoảng của Nani, Jones, Owen, Ferdinand, Rooney bằng bản hợp đồng duy nhất của… lão tướng Paul Scholes. Đành rằng Scholes là từng là một cầu thủ thuộc thế hệ vàng của Ferguson tại MU, nhưng rõ ràng việc anh trở lại sân cỏ chỉ là phương án “giật gấu vá vai”. Chính vì thế mà sức mạnh của MU chắc chắn sẽ kém hơn rất nhiều so với chính họ hồi đầu mùa.

 

Arsenal, Liverpool và Man City đều có những vấn đề về nhân sự. Arsenal sa sút từ đầu mùa bóng nhưng vẫn chẳng có bản hợp đồng nào đáng kể ở mùa Đông này, ngoại trừ việc mượn được Henry 2 tháng. Sự im lặng của “Pháo thủ” là điều khó hiểu nhất, bởi họ cần một sức sống mới nhằm cạnh tranh được vị trí thứ 4, nhưng dường như Wenger lại cho rằng ông đang có đủ sức mạnh cần thiết.


Liverpool cần thêm tiền đạo do Suarez treo giò 8 trận và Carroll, Kuyt mất phong độ, còn Man City cần bổ sung thêm tiền vệ trung tâm. Nhưng rốt cuộc, tất cả các mục tiêu hướng đến vẫn chỉ nằm trên các trang báo. Chelsea tuy đón về Cahill, nhưng họ mất Anelka, Alex (ra đi), Drogba, Kalou (về tham dự CAN 2012). Chỉ nhìn vào đó đã thấy sức mạnh của The Blues đã bị giảm sút thế nào.

 

Vậy vì sao các đội bóng hàng đầu của Premier League, dù đều gặp ít nhiều vấn đề về nhân sự lại lắc đầu với TTCN mùa Đông? Có hai lý do để giải thích vấn đề này. Thứ nhất là tiền và yếu tố thứ hai là sự rủi ro mà các bản hợp đồng vội vã này có thể đem lại.

 

Chuyển nhượng mùa đông ở Premier League: Phiên chợ đìu hiu - 3
Kinh tế suy thoái khiến túi tiền của những ông chủ như Abramovic bị vơi đi trông thấy

 

Ở yếu tố đầu tiên, có thể thấy rằng ngoại trừ các đội bóng được đầu tư từ các tỷ phú dầu mỏ đến từ Trung Đông như Man City hay PSG…  không lo lắng về tiền thì những đội khác được đầu tư từ một tỷ phú châu Âu, châu Mỹ nào đó như MU, Chelsea, Liverpool đều đang đau đầu về ngân sách.

 

Khi tinh tế thế giới giảm sút, những túi tiền của nhà Glazer, Abramovic, Jonh W Henry đã vơi đi đáng kể và kéo theo ảnh hưởng đến các đội bóng mà họ đang sở hữu. Cộng thêm vào đó là các đội bóng trên đều đã chi khá mạnh tay trong năm 2011, nên cùng với sự khó khăn về tài chính đã khiến họ nói không (hoặc buộc phải làm thế) với kỳ chuyển nhượng tháng 1 này.

 

Yếu tố ảnh hưởng thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là rủi ro mà các bản hợp đồng này đem lại quá cao. Ở thời gian chuyển nhượng chỉ có 1 tháng nên các hợp đồng mua bán cũng khá vội vã, ngoài chuyện bị ép giá, việc đánh giá cầu thủ cũng không thể làm tốt như ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Bài học nhãn tiền về 2 bản hợp đồng “bom tấn” trở thành “bom xịt” của Torres và Carroll năm trước ít nhiều khiến các đội bóng phải run sợ.

 

Một tháng trôi qua thật ảm đạm với Premier League. Không thể khẳng định việc hạn chế mạnh tay mua bán của các đội bóng sẽ khiến các cuộc cạnh tranh tại giải đấu này bớt đi phần hấp dẫn, đặc biệt cuộc đua tới ngôi vô địch. Nhưng dẫu sao, một phiên chợ đìu hiu cũng khiến cho khán giả phần nào thấy nghi ngại về sự hấp dẫn ở phần còn lại của Premier League.

 

Vĩ Giang